Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Trịnh Công Sơn: Người hát rong qua nhiều thế hệ



Bao thập kỷ nay chúng ta đã nói, đã nghe, đã hát quá nhiều nhạc Trịnh. Đến độ mà chỉ cần cô/chàng ca sĩ hát sai nốt, sai lời cũng có thể bị đem ra phê phán. Người ta bảo nhạc Trịnh khó nghe, chỉ dành cho dân sành nhạc, ca từ khó hiểu không phải ai cũng tường được đầy đủ các tầng ý nghĩa. Cũng có người chê nhạc Trịnh là ủy mị, ủ dột không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Thậm chí nghe nhạc Trịnh bỗng dưng trở thành một cái mốt để người ta chứng tỏ rằng mình là người có khả năng cảm thụ âm nhạc.

Rồi cách đây 3 năm, một blogger nào đó còn đưa ra tranh luận với nghi vấn cho rằng “Con mắt còn lại” của ông là đạo từ The Syncopated Clock (một ca khúc nhạc Mỹ) của Leroy Anderson viết năm 1945. Nếu còn sống, chắc nhạc sĩ sẽ thấy mệt lắm. Âm nhạc không phải chỗ để người ta tranh cãi nhau, bàn luận, mổ xẻ. Đôi khi người ta quên tiệt đi rằng âm nhạc là nghệ thuật, mà nghệ thuật cần sự hưởng thụ tối cao. Chỉ đơn giản là nghe, cảm nhận theo cách của riêng mình.





Sinh nhật Trịnh Công Sơn, người viết không muốn nhắc lại những đề tài đã cũ khi nói về nhạc Trịnh, cũng không gợi lên sự ủy mị, buồn bã thường gắn chặt vào các tác phẩm âm nhạc của ông. Hãy nói về nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn, và trên hết, là trái tim yêu đương của ông.

Sinh thời, cứ gặp vấn đề gì dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh cãi là ông chỉ phẩy tay xua đi rồi nói: “Thôi kệ”. Như trong “Ướt mi”, ông đã viết đầy ngụ ý: “Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…” Sau bao nhiêu năm, những điều mà nhạc sĩ đã từng viết, từng nói vẫn chưa bao giờ lỗi thời, vẫn luôn như những lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đang phải vất vả, bon chen, tranh giành với cuộc sống ngột ngạt ngoài kia. Trịnh Công Sơn từng nói: “Chúng ta có thể yêu nhau, ghét nhau nhưng xin đừng hăm dọa nhau”. Dường như người nghệ sĩ mỏng manh ấy không muốn nhìn thấy ai bất hạnh, chỉ nhẹ nhàng mong mỏi những yêu thương cho tất cả mọi người: “Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng. Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than. Ru từng chiếc bóng lênh đênh vào giấc ngủ ngon”.





Nhưng nếu có người phụ nữ nào đặc biệt nhất trong âm nhạc Trịnh thì sẽ chẳng ai qua được Khánh Ly. Không nhiều người biết “Diễm xưa” là ca khúc viết tặng Khánh Ly, thậm chí tên thật của bà cũng xuất hiện trong ca khúc. Nhiều ca sĩ đã hát “Chiều nào còn mưa sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi làm sao có nhau hằn lên nỗi đau…”. “Nhớ mãi” là hát sai, “nhỡ mai” cũng vẫn sai. Thực chất, câu hát đó là: “Chiều nào còn mưa sao em không lại, nhỡ Mai trong cơn đau vùi”. Mai viết hoa, vì Mai là tên thật của Khánh Ly. “Sống giữa cuộc đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”, ông đã từng viết như thế về tình yêu và cũng mong tất cả con người cùng yêu thương nhau bởi chỉ có tình yêu mới cứu rỗi, duy trì được nhân loại.

Cuộc sống đã mệt mỏi rồi, bỏ qua những hận thù, sân si, ghen ghét thì nó sẽ nhẹ nhõm hơn bởi “bao nhiêu năm làm kiếp con người chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Chúng ta chỉ sống một lần, nhưng chỉ cần sống đúng, một lần cũng là quá đủ rồi. Trịnh Công Sơn mang tâm hồn mong manh, nhẹ nhàng như thân hình ông nhưng lại có được tình yêu thương, sự tôn thờ của hàng triệu người Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ. Bởi thế mà dù đã ra đi rất lâu rồi, nhạc của ông vẫn là đỉnh cao âm nhạc Việt Nam và sinh nhật ông cũng sẽ luôn là ngày để người ta tưởng nhớ, viết lại những giai thoại về ông.



“Người nằm xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”






via Âm nhạc - RSS Feed http://bit.kenh12.com/1kkAkai Theo Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội