Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Nữ sinh mất tích bí ẩn

Ngày 23/2/2013, đi làm về nhưng không thấy con gái là Trần Trung Tuyền (tự Bủm, 14 tuổi, học sinh trường giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú khu phố 5, phường Linh Tây) đã cất công đi hỏi thăm tất cả những người trong xóm trọ.

“Gọi điện cho nó thì thuê bao không liên lạc được, chạy đi hỏi mấy đứa bạn, đứa nào cũng nói không biết. Biết chuyện chẳng lành nhưng do đêm tối tôi không biết tìm đâu. Sáng hôm sau tôi lên trường hỏi, cô giáo cho biết Tuyền không đi học đã hai hôm rồi”, người mẹ kể.



Trần Trung Tuyền.

Trần Trung Tuyền.




Bà Hoa cũng đã đến công an phường Linh Tây trình báo sự việc, được yêu cầu bình tĩnh nhớ lại mọi mối quan hệ của con gái. Nhưng “tôi tối ngày đi bán vé sô, bố nó cũng đi làm, đâu biết nó quen ai, hay đi với ai. Suốt mấy ngày tôi bỏ công chuyện chạy đi tìm nhưng đều tuyệt vọng”, bà nói.

Bà cho rằng con mình bị bắt cóc chứ cô bé chưa bao giờ đi đâu qua đêm hoặc về khuya. “Nó không có bạn trai, cô giáo cũng xác nhận chưa bao giờ nghỉ học. Trong nhà ai cũng yêu thương nó, khi rảnh rỗi cha nó còn đưa đón vì sợ con đi xe buýt sẽ mệt”, bà Hoa chia sẻ.


Sau hơn một tháng tìm kiếm bất thành, bà Hoa buộc phải đi làm lại kiếm tiền nuôi những đứa con khác đang tuổi ăn học. Khoảng tháng 6/2013, bỗng nhiên bà nhận được điện thoại từ một số lạ. Bé Tuyền gọi về nói rằng “con vẫn khỏe mạnh, nhưng con muốn về nhà”.


Bà vừa cuống quýt hỏi con ở đâu để đến đón thì nghe tiếng giật điện thoại. “Chắc chắn có người nào đó đến bên gây áp lực, con tôi đang khóc, chưa kịp hỏi thêm gì thì số kia đã ngắt máy. Tôi gọi lại hàng trăm lần nhưng suốt từ đó tới giờ số điện thoại này đều luôn luôn không liên lạc được”, người mẹ kể.


Cô bé tiếp tục mất tích, cho đến ngày 13/4 vừa qua, thì lại một số lạ khác gọi, yêu cầu bà Hoa nói chuyện với con gái. “Nó hỏi thăm ở nhà có khỏe không, rồi nhờ tôi nạp cái thẻ điện thoại 50.000 đồng. Tôi làm theo, năn nỉ con về nhà nhưng nó chỉ nói “con không về được đâu má ơi. Khi nào có cơ hội con sẽ về thăm gia đình mình. Má cứ biết là con vẫn khỏe là được”, bà Hoa nhớ lại.


Còn theo lời kể của cha cô bé, có một lần Tuyền gọi về cho ông, thảng thốt: “Cứu con với ba ơi, ở đây con không sống nổi nữa đâu. Họ áp bức con quá” nhưng ngay lập tức cúp máy, gọi lại không được.


Theo suy đoán, con gái ông bị đối tượng xấu dụ dỗ nên bỏ nhà đi; cũng có thể bị bắt cóc, bị bắt làm việc ở đâu đó, bị kiểm soát không thể, không được dùng điện thoại.


Một số người sống gần nhà bà Hoa cho biết thường ngày bé Tuyền rất ngoan, sau giờ học đều tranh thủ giúp gia đình việc nội trợ. “Nhiều lần tôi thấy nó đi bán vé số với má, hỏi thì nó nói không ngại gì hết, làm có tiền phụ má là được rồi”, một hàng xóm nói. Được biết do ở quê không có điều kiện đi học nên khi vào TP.HCM, Tuyền đã được đưa đến trung tâm giáo dục thường xuyên để học cho hết cấp 3.


Từ ngày con gái bị mất tích, người cha đổ bệnh nặng không còn thể lao động được nữa. Người vợ trở thành lao động chính, ngày ngày cuốc bộ hàng chục km bán vé số kiếm sống. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên ngay giữa đường, bà vẫn tất tả mời những người qua lại từng tờ vé số với hi vọng dành dụm một ít tiền sẽ đi tìm con.


“Nhưng khó lắm chú ơi, bán suốt ngày cũng chỉ được 200.000 đồng đủ tiền ăn uống, thuê nhà cho gia đình. Tôi chỉ mong nó sẽ sớm trở về để. Hơn một năm qua, không đêm nào tôi ngủ được, cứ nhắm mắt là mơ thấy con tôi kêu cứu, khuôn mặt đầy nước mắt”, bà Hoa kể.


Vẻ mặt thất thần lo lắng cho con thường trực, nhiều lúc vé số đã ế ẩm, bà còn thối nhầm tiền cho khách, có lúc đang đi trên đường lại vô hồn lao vào xe đang đi tới, may không mất mạng.


Đưa tấm hình duy nhất của con gái cho khách xem, bà Hoa nói: “Lúc nào tôi cũng mang theo. Nhiều lúc nhớ con thì đem ra xem, hoặc đưa ra cho người đi đường xem hi vọng ai đã thấy nó ở đâu đó”.


Người mẹ khẩn khoản nhờ đưa tấm hình và câu chuyện này lên mặt báo, mong mọi người giúp tìm kiếm đứa con. Bà rưng rưng nước mắt nhắn lời gửi người con: "Con ở đâu thì hãy về lại với ba má. Nếu có lầm lỗi gì, ba má vẫn chấp nhận tha thứ; còn nếu bị ai đó đe dọa, giữ chân, con hãy trình báo với công an tại đó. Nhà mình vẫn ở chỗ cũ, bất cứ khi nào con về đều có người ở nhà đón con".


Ngay khi nhận được cuộc điện thoại vào ngày 13/4, bà Hoa đã đến công an quận Thủ Đức để trình báo sự việc.







via Sự kiện xã hội - RSS Feed http://bit.kenh12.com/1lreimg Theo Blog.Kenh12.Com

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội