Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Xử vụ kiện “lô cốt” : Chỉ bồi thường nhà hư hỏng

Không bồi thường phần thu nhập bị mất do quán ăn đóng cửa vì rào chắn thi công.



“Dù là công trình công cộng, phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng quá trình xây dựng gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì cũng phải bồi thường. Tuy nhiên, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu, buộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) bồi thường 50 triệu đồng do thi công gây hư hỏng nhà nguyên đơn. Tòa bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do thất thu trong kinh doanh cũng như phần lãi suất phát sinh trên 350 triệu đồng…”.


Ngày 26-12, TAND TP.HCM tuyên như trên trong vụ ông Nguyễn Văn Lang đòi Sở GTVT bồi thường vì dựng rào chắn án trước nhà gây ra nhiều hệ lụy cho ông. Vụ án được xem là khá hi hữu khi người dân mạnh dạn khởi kiện cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, vụ án cũng đã phải kéo dài từ năm 2009 đến nay và qua nhiều lần hòa giải không thành (báo Pháp Luật TP.HCM đã từng thông tin)…




Ông Lang với phần rào chắn án ngữ trước nhà vào năm 2008. Ảnh: MP


Nhà nứt, quán đóng cửa


Tại tòa, phía nguyên đơn cho biết khi thực hiện dự án Vệ sinh Môi trường TP.HCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), bên thi công đã đào giếng to trước nhà nguyên đơn khiến căn nhà bị hư hỏng nghiêm trọng. “Một hôm, chúng tôi giật mình do căn nhà bị chấn động mạnh như có động đất. Vài hôm sau, kiểm tra, chúng tôi phát hiện tường nhà, đà bị nứt, nền cũng sụp và nhiều nơi bị thấm dột…” - ông Lang trình bày.


Phía nguyên đơn cho biết thêm, để thi công tuyến cống bao giếng, từ đầu năm 2005, nhà thầu còn rào tôn sát cửa nhà, “vây” lấy quán ăn của gia đình nên quán phải đóng cửa, thu nhập bị mất. Từ đó, ông Lang yêu cầu bồi thường 120 triệu đồng, gồm 60 triệu đồng tiền sửa chữa hư hỏng nhà cửa và tiền trượt giá từ 2009 đến nay; bồi thường thiệt hại cho khoản thu nhập bị mất trong 42 tháng đóng cửa quán trên 250 triệu đồng và hơn 100 triệu đồng tiền lãi phát sinh...


Đại diện phía bị đơn nhìn nhận việc đào giếng làm hư hỏng nhà và đồng ý bồi thường cho gia đình ông Lang 50 triệu đồng. “Còn việc rào chắn được thực hiện dưới lòng đường, sử dụng không gian công cộng chứ không rào lấn vào đất nhà ông Lang. Mặt khác, đây là công trình công cộng, mang lại lợi ích cho cộng đồng và không ảnh hưởng gì nhiều đến việc kinh doanh của gia đình ông Lang nên chúng tôi không chấp nhận yêu cầu bồi thường do đóng cửa quán ăn” - đại diện phía nguyên đơn lập luận.


Lấn vỉa hè: Không được bồi thường


Sau khi xem xét, HĐXX nhận định dù là công trình công cộng nhưng việc rào chắn, thi công gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường. Yêu cầu bồi thường do nhà hư hỏng đương nhiên phải được giải quyết. Dựa vào các chứng cứ, tòa chấp nhận khoản bồi thường này là gần 32 triệu đồng. Đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn, bồi thường thêm cho nguyên đơn hơn 18 triệu đồng, tổng cộng khoản này là 50 triệu đồng.


Liên quan đến yêu cầu bồi thường thất thu trong kinh doanh, HĐXX cho rằng việc rào chắn không chiếm dụng hết mặt đường, chỉ gây khó khăn cho việc đi lại chứ không làm xe cộ không đi lại được, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh như lời của ông Lang. Ngoài ra, ông Lang kê bàn ghế trên lề đường, để xe của khách trên vỉa hè là vi phạm về quản lý lòng lề đường, vỉa hè. Vì thế, những thiệt hại từ việc kinh doanh quán ăn không được pháp luật bảo vệ. Tòa bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do quán ăn đóng cửa cùng lãi suất phát sinh.








Thiệt hại nhiều hơn mức đòi bồi thường


Nhà nước là phải xây dựng công trình công cộng, phúc lợi phục vụ người dân chứ không phải xây dựng là ban ơn. Khi gây thiệt hại cho dân thì phải bồi thường. Mức yêu cầu bồi thường của gia đình cũng không đáng là bao so với thiệt hại phải gánh chịu. Trước việc tòa bác yêu cầu, tôi sẽ kháng cáo. Quán ăn có để xe trên vỉa hè nhưng để trong phạm vi được phép. Tuy nhiên, tôi cũng mừng là tòa đã thụ lý phần đòi tổn thất trong kinh doanh vì đây được xem là vấn đề mới mẻ.


Ông NGUYỄN VĂN LANG


Được hưởng lợi chứ không bị thiệt


Khu vực nhà ông Lang trước đây là khu ổ chuột. Từ năm 1993, TP bắt đầu cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên nhà ông Lang từ trong hẻm ra mặt tiền. Sau đó, TP tiếp tục cải thiện kênh và dọc tuyến kênh có đến 36 vị trí rào chắn, xây tuyến cống bao chứ không phải chỉ riêng ở khu vực trước nhà ông Lang. Đây là công trình công cộng, việc rào chắn là có xin phép cơ quan chức năng, có chừa đường cho xe máy qua lại...


Ông PHAN CHÂU THUẬN, đại diện Sở GTVT




MINH PHONG







via Tin Mới http://www.tinmoi.vn/xu-vu-kien-lo-cot-chi-boi-thuong-nha-hu-hong-121136142.html tin Theo Blog.Kenh12.Com

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội