Xử phạt người vi phạm trật tự ATGT. ẢNH: N. SƠN |
Đầu tuần rồi, UBND tỉnh mở hội nghị triển khai nhiệm vụ an toàn giao thông (ATGT) năm 2013. Nhiệm vụ được đặt ra trong năm nay là giảm cho được 5-10% trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người bị thương, số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT).
Năm 2012, tuy số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh có giảm so với năm 2011 nhưng Bình Định vẫn đứng hàng thứ 6 trên cả nước.
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên. Ông Lương Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, địa phương giảm mạnh TNGT trên cả 3 tiêu chí trong năm qua, đề nghị cần tăng cường biện pháp xử lý vi phạm qua hình ảnh kết hợp với lực lượng liên quân tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, ông Ngân cũng cho rằng, với một số trường hợp thanh thiếu niên quậy phá, cố tình vi phạm như lạng lách, đánh võng… thì lực lượng cảnh sát đôi khi lại “bó tay”, không xử lý được.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cũng bức xúc trước tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về giao thông tại địa phương mình. Ông Việt cho biết: “Tại một số xã biển, tình hình ATGT hiện cũng khá phức tạp. Năm nay biển được mùa, dân biển có tiền nên ăn nhậu nhiều rồi phóng xe chạy bạt mạng. TNGT cũng từ đó mà ra. Không những vậy, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường ở khu vực nội thị cũng hết sức phức tạp. Trường hợp nông dân tận dụng lòng, lề đường phơi nông sản, dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mà tịch thu nông sản của bà con thì thật không ai nỡ. Nhưng nếu cứ du di thì tình trạng này sẽ tiếp diễn. Vì vậy, tôi đề nghị phải xử phạt, song xử phạt ở mức nào, nặng - nhẹ ra sao là điều chúng ta cần cân nhắc. Với những trường hợp vi phạm khác, cần xử phạt theo khung tối đa để hạn chế vi phạm”.
Học sinh, sinh viên (HSSV) là một trong những đối tượng thường vi phạm luật giao thông với các lỗi: Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc chở hai, chở ba khi đi xe đạp điện, đi xe máy khi chưa đủ tuổi… Theo ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT, để hạn chế tình trạng HSSV vi phạm ATGT, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, không chỉ đối với HSSV mà còn với gia đình, phụ huynh. Bởi trong nhiều trường hợp, tuy con chưa đủ tuổi nhưng phụ huynh vẫn giao xe máy cho con đi; phụ huynh không nêu gương tốt cho con khi bản thân mình vẫn vi phạm các quy định về trật tự ATGT.
Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh, thì nửa đùa nửa thật khi nói rằng: “Đề nghị khi xử phạt, CA phải lập biên bản, xử phạt thật nhanh, phạt cho nghiêm. Càng để lâu thì khả năng người vi phạm gọi điện thoại nhờ can thiệp càng xảy ra nhiều. CA phải vào cuộc cho thật quyết liệt, xử phạt nghiêm để người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông, hạn chế tình trạng TNGT do vi phạm các quy định về trật tự ATGT”.
Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông kém của người dân là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ TNGT. Tích cực tuyên truyền để người dân dần nhận thức được vấn đề, từ đó nâng cao ý thức “chấp hành pháp luật nghiêm cũng là một cách để tự bảo vệ mình” là giải pháp đúng và dài hơi. Chính vì thế mà chúng ta lại càng phải tích cực hơn nữa.
via Tin Mới http://www.tinmoi.vn/ban-cac-giai-phap-cho-nam-atgt-2013-011193182.html tin Theo Blog.Kenh12.Com