Món quà mừng cưới của bà
Ngày Hiếu lấy chồng, bà nội hỏi Hiếu: "Cháu thích bà tặng quà gì?". Hiếu nói ngay, như thể đã nuôi câu trả lời này từ lâu: "Chiếc cối đá của bà!". Dĩ nhiên là bà rất ngạc nhiên với lời đề nghị của cô cháu gái hay "trái tính trái nết", nhưng rồi bà hiểu cháu bà. Nó là đứa con gái có cá tính mạnh, thích thứ gì là làm cho bằng được. Với lại, ngay từ bé, Hiếu đã thích chơi với những chiếc cối đá của gia đình. Cô hay đứng trên chúng, để thấy mình... cao hơn mọi người.
Minh Hiếu với "thế giới đá" của mình. |
Chiếc cối đá của bà - công cụ "hỗ trợ chiều cao" ấy chỉ là một góc nhỏ kỷ niệm để Hiếu lấy đó làm quà cưới cho mình. Nhưng để trở thành một thứ đam mê đầy ma lực sau này thì có lẽ những chiếc cối đá ở làng Diên Lạc, huyện Diên Khánh của Hiếu mới là điều để cô ám ảnh. Sự "cực nhọc" của những chiếc cối đá khi chúng làm cái việc là biến những hạt gạo dẻo thơm của làng thành các loại bánh, bún là điều làm cho Hiếu liên tưởng đến nỗi gian truân của những bà mẹ quê.
Tuổi thơ của Hiếu gắn liền với những chiếc cối đá của bà rồi của mẹ, để sau này mỗi khi có dịp thả bước chân mình dọc dài đất nước, hình ảnh những người đàn bà đứng hàng giờ xoay vần cùng bột gạo bên chiếc cối đá lại hiện lên. Khi khoa học kỹ thuật đã bắt đầu hiện hữu trong mỗi ngôi nhà của người nông dân thì cũng là lúc những chiếc cối đá đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó và lặng lẽ ra đứng ở các góc vườn. Không thể để những chiếc cối đá bị chôn vùi cùng thời gian và sự quên lãng của người đời, Hiếu đã bắt đầu manh nha ý tưởng "hội tụ" chúng lại. Và thế là cô lên đường.
Trong số 1.200 chiếc cối đá mà Hiếu "gom" được suốt 12 năm qua, mỗi chiếc cối gắn liền với số phận thăng trầm của những chủ nhân từng sở hữu chúng.
Đá kể chuyện đời
Trong số 1.200 chiếc cối đá mà Hiếu "gom" được suốt 12 năm qua, mỗi chiếc cối là một câu chuyện đời, đúng hơn là những chiếc cối đá ấy đã gắn liền với số phận. Hiếu kể, có một lần, cô nghe nói có gia đình bên bờ sông An Cựu (Huế) đang sở hữu một chiếc cối đá.
Cô đến hỏi mua thì chủ nhân của chiếc cối nói bằng một giọng rưng rưng: "Nó có đáng giá gì đâu mà mua với bán, cô! Nhưng gia đình tôi xem nó như một nhân chứng của trận Mậu Thân năm 1968. Nhà cửa cháy tan hoang hết, gia đình tản cư lánh đạn, khi trở về nhà cũ, trong ngút ngàn khói lửa ấy, chiếc cối đá vẫn còn nguyên, như thách thức hết thảy đạn bom.
Gia đình vẫn giữ chiếc cối ấy như để nhắc nhở với con cháu về một giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh mà gia đình đã trải qua". Lại có chiếc cối tận trong Long An mà Hiếu nghe nói là của nhà bá hộ cách nay gần trăm năm, cô đã lặn lội đi lùng tìm mua cho bằng được. "Cứ tưởng là đồ gia bảo, sẽ không bao giờ đem bán, không ngờ người chắt của nhà bá hộ nọ khi nghe tôi ngỏ ý mua thì người ấy bán liền. Không phải họ ham gì năm ba trăm ngàn nhưng có thể họ không muốn nhìn "bằng chứng" về sự sung túc một thời của gia đình nhưng nay đã khánh kiệt. Họ như muốn "xóa" dấu vết vậy".
Bước vào khu vườn của Minh Hiếu ngỡ như lạc vào thế giới đá với hàng hàng lớp lớp được cô xếp đặt theo "kiểu" của một nhà kiến trúc. Nhưng dù có sắp xếp kiểu gì thì chiếc cối có hai thớt vẫn phải "đi" chung với nhau: "Thớt trên là tượng trưng cho đàn ông, thớt bên dưới là tượng trưng cho đàn bà. Đàn ông luôn mạnh mẽ, đàn bà luôn là người chịu đựng, có thể "bất hòa" trong một khía cạnh nào đó nhưng phải "hợp tác" thì gạo mới thành bột được"-cô triết lý.
Hiếu nói rằng, sắp tới cô sẽ sắp xếp lại "vương quốc cối đá" của mình theo một kiểu khác như cô đã từng "phá ra làm lại" bao lần. Tuy nhiên, có một chiếc của nó, mà cô vẫn để nguyên một chỗ - thành "trụ" của chân giường ngủ, đó là chiếc cối của bà cô tặng trong ngày cưới. "Tôi để bên dưới lưng mình để mỗi khi mệt mỏi, tôi lại "tựa" vào đó, để được gặp lại bà tôi với tất cả những yêu thương và tần tảo của một thời".
Trần Đăng
Nguồn : Dân Việt
via Tin Mới http://www.tinmoi.vn/kho-bau-1200-chiec-coi-da-cua-co-kien-truc-su-011150602.html, tin Theo Blog Kênh 12