Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

'Soi' diễn xuất ấn tượng trong phim bom tấn 'Những người khốn khổ'

Khi Anne cất giọng hát lần đầu tiên trong phim, có lẽ không ít khán giả phải ngạc nhiên với giọng hát đặc biệt sáng, trong, giàu tâm sự của cô, nhưng khi 'I Dreamed A Dream' vang lên, Anne cuốn hút tâm hồn người nghe trọn vẹn với câu thoại tràn xót xa, rồi khiến người xem thổn thức với giọng hát trong trẻo đang bắt đầu run sợ trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Những ai đã từng xem Anne vào vai Cat Woman trong the Dark Knight Rises chắc đã quen với nét mặt sợ hãi đầy ấn tượng của Anne. ỞNhững người khốn khổ, Anne còn đẩy mức độ ấn tượng của người xem lên gấp bội phần khi uyển chuyển len vào sự sợ hãi đơn thuần một nỗi căm phẫn sôi sục trong ánh mắt và lẩy bẩy trên từng đầu ngón tay.


Chưa dừng lại ở đó, giữa những căm phẫn và sợ hãi, cái hồn nhiên như tiếng hát sáng trong của thuở ban đầu lại xen vào mớ hỗn độn một chút bao dung le lói, để giữ cho cô một tin vào quá khứ, để chết ở hiện tại nhưng vẫn tích trữ đủ lý do mà bấu víu cuộc sống tàn bạo. Fantine có thể chỉ đơn giản níu kéo sự sống vì đứa con nhỏ của cô, nhưng Fantine của Anne Hathaway lại cho người xem một lý do khác để tiếp tục gắng gượng. Đâu đó trong cô vẫn còn sự rộng lượng dành cho cuộc đời dù nó nhẫn tâm giày xé tan tành mọi giấc mơ của đời cô. Một cảnh phim chứa đựng bầu cảm xúc cực kỳ phức tạp, khó lường và Anne đã truyền tải hoàn hảo đến từng yếu tố một cấu thành nên bầu cảm xúc đó, chính nhờ tài năng của cô mà chỉ cần một phần cảnh goản đơn này cũng đủ cho Les Misérables trở thành bộ phim không thể bỏ qua của năm 2012.

Samantha Barks trong vai Éponine trưởng thành


Khi Oscars chỉ dành cho dàn diễn viên của Những người khốn khổ hai vị trí trong các đề cử Oscars thì Samantha Barks xứng đáng được nhận chiếc vé thứ hai hơn Hugh Jackman. Đáng tiếc, ở hạng mục nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất đã có tên Anne nên Samantha không còn cơ hội. Tuy vậy, tài năng của cô gái trẻ này xứng đáng nhận được sự công nhận rộng rãi bởi chính cô là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của Những người khốn khổ.





Là một gương mặt hoàn toàn vô danh trong làng điện ảnh Hollywood, lại góp mặt trong một bộ phim tụ tập những ngôi sao sáng chói nhất, Samantha như một nàng Lọ Lem thực sự, giống hệt vai diễn lấm láp và đầy bi kịch của cô. Nhưng cũng chính nhờ người xem không hề biết đến sự tồn tại của cô, không hề đặt bất cứ kỳ vọng nào ở vai diễn này, đồng thời phần lớn các ngôi sao xuất hiện trong phim đều gây thất vọng, nên hào quang của "Lọ Lem" trở nên lộng lẫy và gây choáng ngợp mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong phim, Éponine xuất hiện đường đột với đôi lời mấp máy chẳng dám tròn tiếng "That's all he knows. That's all he sees" . Câu hát ấy không rõ là để than van hay thực chất là đang trầm trồ ngợi ca nét đẹp ngốc nghếch của chàng trai cô thầm yêu. Thiếu nữ thời xưa hay thông cảm với đàn ông như thế. Đàn ông có bao nhiêu công vụ to tát để lo toan, cả đời họ chỉ biết nào là sự nghiệp, nào là công danh, nào là những lý tưởng vĩ đại. Bởi vậy, đối với cô gái trẻ, mối tình giữa cô và chàng chỉ cần một trái tim rực lửa yêu đương từ phía một mình cô là đủ.




Khi xem phím, chỉ cần một ánh mắt giản đơn của cô khi cất câu hát ngắn gọn "That's all he knows. That's all he sees" là khán giả đã có thể thấy trọn vẹn nỗi niềm và ước nguyện sâu kín của nàng thiếu nữ. Ánh mắt si tình đến ngây dại ấy vốn là hình ảnh ước lệ tượng trưng đã quá quen thuộc với biết bao thế hệ, nhưng diễn xuất tự nhiên, chân thật rất mực của Samantha Barks đã giúp cho nét đẹp của một thế hệ xa xôi sống dậy, hấp dẫn người xem bởi sự sinh động của nó.

Isabelle Allen trong vai Cosette khi còn bé


Cosette là một trong những nhân vật trọng tâm có nhiều tác động mang tính quyết định đến diễn biến của câu truyện. Tuy vậy, phần lớn thời gian đều là nói về phiên bản trưởng thành của cô, còn Cosette thuở bé thơ chỉ là một nhân vật rất nhỏ, xuất hiện trong một phân cảnh nhỏ không kém. Vì vậy, rất hiếm có ai giữ trong tâm trí ký ức về cô bé này, đơn giản là vì nó chẳng có gì đặc sắc đáng để ghi nhớ. Nhưng sau khi xem phiên bản điện ảnh năm 2012 của bộ truyện, chắc chắn nhiều người sẽ có cái nhìn khác về phân vai bé mọn ấy, và có lẽ không ít kẻ đam mê bộ truyện sẽ phải lật lại những trang sách để đọc thật tỉ mỉ về những ngày ấu thơ của Cosette.





Thực tế, Cosette ngày nhỏ ở trong phim là một phân vai mang nhiều tính sáng tạo. Cách đây hơn 20 năm, từ sau khi vở nhạc kịch ra mắt, hình ảnh Cosette nhỏ bé, hao gầy với ánh mắt to tròn trộn lẫn giữa ước mơ và hoài vọng được in trên poster quảng cáo cho vở nhạc kịch đã trở thành một biểu trưng quen thuộc cho hàng loạt những sản phẩm nghệ thuật có liên quan đến Những người khốn khổ sau này, và phiên bản điện ảnh 2012 cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, khi quyết định dựng nhạc kịch thành phim, biên kịch và đạo diễn không chỉ sử dụng lại biểu trưng có sẵn àm còn táo bạo khoác lên biểu trưng một hình hài và một cuộc sống thực, nhờ đó gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem.

Sự thành công của phân cảnh này không chỉ nhờ vào biên kịch vào đạo diễn, mà còn phải nhờ vào sự xuất thần của tài năng nhí Isabelle Allen. Nếu như tạo hình ấn tượng khiến hình ảnh nhân vật lập tức đập vào mắt khán giả, thì tài năng diễn xuất của cô Isabelle đã giúp cho cốt cách của nhân vật được khắc ghi nơi người xem. Giọng hát trong trẻo, vô tư, hồn nhiên và tràn trề mộng ước của em như được thừa hưởng chính xác đến từng li từ mẹ Fantine. Đồng thời, những cử chỉ vô cùng đáng yêu của em dễ dàng giúp người ta mường tượng chính xác hình tượng Cosette tinh khôi, dịu dàng, thanh thoát như một nàng tiên mà với những ai đọc truyện thì chỉ đến khi Cosette lớn lên người ta mới có thể nhận thấy điều đó.


Hugh Jackman trong vai Jean Valjean và 15 phút đầu phim


Hugh Jackman chắc chắn là yếu tố gây tò mò đồng thời cũng tạo nên nhiều kỳ vọng nhất ở bộ phim. Đơn giản vì anh vừa là một ngôi sao điện ảnh cỡ bự, lại vừa là một tài năng nhạc kịch hiếm hoi của làng điện ảnh Hollywood. Trong thực tế, ngay 15 phút đầu tiên của bộ phim, Hugh Jackman đã thể hiện hết sức thuyết phục tài năng và bản lĩnh của anh. Mặc dù chất giọng của Hugh Jackman chỉ ở mức tạm ổn cho vai chính của bộ phim (giọng cao, thanh và mỏng, không đủ độ trầm ấm cho những phân cảnh ở phần sau của bộ phim) nhưng kinh nghiệm nhạc kịch cộng với khả năng diễn xuất hơn người của anh đã mang đến cho vai Valjean 15 phút đầu tiên trọn vẹn.





Khán giả tự hỏi tại sao người vào vai Valjean không phải là Colin Firth vì tính cách của anh này đủ độ cổ quái cho Valjean những ngày tối tăm và dư thừa ấm áp, hoà nhã cho Valjean những ngày đã cải tà quy chính, giọng hát của anh cũng khá ổn, nếu không nói là nhiều phần quyến rũ, và quan trọng nhất là Colin Firth và đạo diễn Tom Hooper đã trở thành một cặp ăn ý sau "cú hit" The King's Speech. Và ngay ở phân cảnh đầu tiên của bộ phim, khán giả đã lập tức có trả lời. Ở phân cảnh này, Valjean được quản đốc Javert yêu cầu "nhặt" chiếc cột cờ nặng đến... vài trăm ki-lô-gam, chứng kiến Valjean một thân một ngựa khuân lá cờ trước ánh mắt kinh ngạc của vị quản đốc, khán giả chỉ còn biết tự nhủ với lòng rằng: Chỉ có Hugh jackman mới có thể hoá thân vào một cảnh phim hùng dũng và truyền tải sức mạnh phi thường của nhân vật đến người xem một cách chân thực đến như vậy.

Những gì Hugh Jackman làm được không chỉ là cảnh phim thần thánh đó. Hugh Jackman còn cống hiến cho người xem một trong những phân cảnh giàu cảm xúc nhất trong bộ phim, đó là khi Valjean bắt đầu nhận ra ánh sáng của cuộc đời, là khi tâm hồn anh được vị mục sư già Myriel cứu rỗi. Bản thân mình là người cực kỳ kỳ thị phân cảnh này, bởi nó quá đậm tính kể lể, không sát thực với một Valjean vốn khá kiệm lời của bộ truyện lừng danh.


Phần hát của Hugh Jackman cũng đôi chỗ làm khó chịu do chất giọng thanh, mỏng của anh khi lên cao đột ngột thường gây cảm giác chói tai. Nhưng đổi lại, tầm vóc diễn xuất vượt trội của anh đã làm lu mờ tất cả những khuyết điểm tồn đọng ở đây. Những chỗ mếu máo, những lời dằn vặt run lên bần bật trong từng câu hát, những cái chao đảo quay cuồng, đến cả những khi nước mắt, nước mũi và cả... nước miếng vỡ oà chan chứa vào nhau, cảm xúc mà Hugh Jackman truyền tải đến người xem chân thực đến mức trái tim người ta nhưng muốn rớt ra và quay cuồng cùng niềm bối rối, nỗi trăn trở, sự giằng xé khôn nguôi của nhân vật.


Chỉ 15 phút ngắn ngủi đã đủ để người xem bần thần tự nhủ "nếu không là Hugh Jackman, sẽ chẳng có một Valjean xuất thần đến vậy". Có thể, sau 15 phút đầu tiên đó, diễn xuất của HughJ không còn gây được nhiều ấn tượng như ban đầu nhưng chỉ cần 15 phút ngắn ngủi đã đủ để bạn nối dài vào lời tự nhủ của mình một vế nữa "đây đúng là diễn xuất chất lượng Oscars rồi!".


Javert và "Stars"


Javert trong phim là một phiên bản Javert thất bại thảm hại nếu so với hình tượng Javert trong văn học. Tuy nhiên, trong phim, anh cũng đem lại cho người xem một phân cảnh cực kỳ ấn tượng, đó là phần cảnh anh hát ca khúc "Stars" nhằm thể hiện ý chí quyết tâm xả thân vì sứ nghiệp của Thiên Chúa, kiên quyết càn quét mọi nhiễu nhương của nhân thế, mà mục tiêu chính yếu là tóm gọn Valjean và bắt người này phải trả giá cho tội lỗi của mình.





Phân cảnh này đó là nó được lấy bối cảnh trên nóc một toà nhà cao chót vót và Javert đi lại "làm xiếc" ngay mép ban công, lửng lơ bên bờ vực thẳm, chỉ một bước sẩy chân là đủ để anh đi đời. Tuy nhiên, chính nhờ sở thích 'màu mè' này đã mang lại cho bộ phim một hiệu ứng nghệ thuật cực kỳ ấn tượng. Khi góc quay chuyển hướng chiếu từ trên cao xuống phía từng bước chân bên lề ban công của Javert, nó cho thấy rất rõ trên mỗi bước đi, bàn chân anh đã có một nửa rơi về phía vực thẳm, như điềm báo rằng số phận anh mong manh, chênh vênh lắm,mập mờ lắm, chỉ một bước tơ vò, anh sẽ rơi về phía bóng tối và tự kết án tử hình cho chính mình.

Điều thú vị ở đây là trong phân cảnh "Stars" này, ý chí của Javert còn vô cùng mạnh mẽ, tinh thần anh vô cùng kiên định, và trái tim anh vững chãi sắt đá, chính vì vậy, dù có bước đi một bước hay một ngàn bước trên bờ vực chông chênh ấy, anh cũng không bao giờ trượt ngã. Nhưng rồi sau đó, cũng trước một bờ vực thẳm như vậy, cũng những bước đi nửa trên thềm, nữa lửng lơ giữa hư không như vậy, chỉ vì một phút mềm lòng, Javert đã đánh rơi lời Chúa của mình xuống vực thẳm và anh chỉ còn một con đường là sa chân đến cái chết để giữ lấy thánh kinh của mình.


Eddie Redmayne trong vai Marius


Đây chắc chắn sẽ là một cái hay gây nhiều tranh cãi, đơn giản là vì diễn xuất của Eddie khó có thể gọi là tốt, chưa kể, trong rất nhiều phân cảnh, anh tỏ ra gượng gạo, thiếu gắn kết với bạn diễn, đặc biệt là với người tình Cosette của mình (khó mà trách được khi Amanda Seyfried vào vai Cosette không xuất sắc). Tuy nhiên, ở anh có một điểm có thể khiến người xem choáng ngợp đó là giọng hát rất đẹp, trong trẻo nhưng không kém phần hùng dũng, trải nhiều xây xát nhưng vẫn vẹn nguyên nét hồn nhiên quyến rũ.





Đặc biệt, giọng hát của Eddie mang "đặc tính hoàng tử" điển hình đến mức mỗi lần anh cất tiếng hát, ta có cảm tưởng như đang lạc vào một không gian cổ tích nào đó của Disney, khi mà chất giọng của chàng chỉ mới vọng về xa xăm, ta cũng đủ hình dung ra chàng điển trai, tuấn tú và can trường đến mức nào. Vì Marius không thực sự là một nhân vật quan trọng, không cần nhiều điểm nhấn, nên trong một bộ phim âm nhạc, chỉ cần anh có gương mặt dễ nhìn và giọng hát hút hồn người là đã đủ để được chấm điểm "A".

Đoạn kết và khung cảnh thiên đường


Bản nhạc kết thúc trong các vở nhạc kịch thường là khoảnh khắc hoan ca. Tuy nhiên, người ta hát ngợi ca câu chuyện thì ít, còn phần nhiều là hát để reo vui, để chúc mừng cho một vở nhạc kịch vừa được hoàn chỉnh. Đây cũng là phân đoạn mà vở kịch ít được biên đạo rõ ràng, thường chỉ là tập hợp các nghệ sĩ cùng cất vang một bản đồng ca đồng thời lần lượt ra chào khán giả lần cuối. Chính vì lý do như vậy, nếu như có bản nhạc kết thúc vở nhạc kịch nào đó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả thì thường chỉ vì giai điệu hay, ca từ giàu ý nghĩa, chứ ít mang lại cho người xem nhạc kịch một quang cảnh sân khấu cụ thể.


Khi dựng vở nhạc kịch thành phim, biên kịch và đạo diễn của Những người khốn khổ (2012) đã khắc phục triệt để nhược điểm này, bản hùng ca kết màn vốn dĩ đã rất hay và đậm dấu ấn về mặt ca từ và giai điệu nay nâng được tầm trở thành một khung cảnh thiên đường bi tráng, tươi đẹp, rộn rã tiếng ca và chan chứa niềm tin yêu, một khung cảnh hùng vĩ không thể nào quên.





Khung cảnh thiên đường là là phân cảnh hiếm hoi của bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem về mặt thị giác. Kết hợp với phần âm nhạc réo rắt vui tươi, một bản thánh ca đậm đặc chất anh hùng ca, khung cảnh thiên đường của Những người khốn khổ mở ra cực kỳ ấn tượng. Đó không phải là một màn mấy trắng xoá ẩn hiện những tạo vật có cánh vác những chiếc "vòng nê-ông" kỳ quặc trên đầu. Đó là một bức tường thành đầy màu sắc được tạo nên bởi hàng triệu sinh linh đã hy sinh cho tương lai sẽ không còn bần hàn của nước Pháp, và cho dù đã ra đi về bên kia thế giới, linh hồn và trái tim của họ vẫn sống mãi để vẫy lá cờ cổ vũ niềm tin vào một thế giới ngày mai, cho tinh thần quật khởi vươn dậy và sống mãi trong trái tim của hậu thế, để một ngày không xa, nước Pháp thực sự được thoát khỏi gông xiềng. Khung cảnh vĩ đại này trải dài, trải rộng, khi tập trung, khi phân tán, với hàng trăm lá cờ phấp phới hoan hỉ, đã hớp hồn người xem vô cùng khéo léo, tinh ranh.

Đoạn kết cũng mang lại cho người xem điểm sáng hiếm hoi trong toàn bộ khâu biên tập âm thanh của bộ phim. Nó bắt đầu đầy tinh tế với những lời hoan ca văng vẳng dẫn lối cho linh hồn Valjean về với nước trời. Khi khung cảnh thiên đường xuất hiện, đoạn nhạc cũng không vội vã vỡ oà, điệu ca có chuyển mình náo nức thấy rõ nhưng vẫn giữ nhịp độ vừa phải để dẫn dắt người xem tận hưởng trọn vẹn cái choáng ngợp đang từ từ dâng lên trong lòng mình. Rồi khúc ca bất giác tăng nhịp rộn rã, cho bao nhiêu hân hoan vỡ oà, và kết thúc trong niềm hi vọng rực rỡ đặt trọn vào tương lai.


Đồng thời, tại phân cảnh này, khán giả cũng được chứng kiến một trong hai khoảnh khắc diễn xuất xuất sắc nhất của Hugh Jackman. Gương mặt kiệt quệ vì cuộc sống của Valjean khi bước đến thiên thai không lập tức bừng tỉnh mà chuyển biến tâm lý vô cùng uyển chuyển, tinh tế. Gương mặt ông tỉ mẩn đi từ nét ngỡ ngàng, đến niềm xúc động khôn tả khi bắt đầu ý thức được niềm vui, và cuối cùng, tâm hồn ông không vì không thể kiềm được niềm hạnh phúc nên đã rạo rực hoà hoà tiếng ca vào bản nhạc thiên quốc. Tới đây, trái tim người xem như cũng muốn cất lên tiếng hát, muốn hoà nhịp reo mừng vì một cái kết Les Misérables đã thực sự viên mãn.





Bạn thích diễn viên nào nhất trong các diễn viên trên?










Đón đọc: Những lỗi nghiêm trọng trong "Những người khốn khổ" (2012)





via Điện Ảnh - RSS Feed http://2sao.vietnamnet.vn/p1002c1021n20130123090041557/soi-dien-xuat-an-tuong-trong-phim-bom-tan-nhung-nguoi-khon-kho.vnn Theo Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội