Phát WiFi trên xe
Việc xuất hiện thiết bị phát sóng WiFi từ USB 3G thực sự trở thành giải pháp công nghệ tiện dụng. Anh Long, một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng công nghệ ở quận 5, cho biết công việc của anh đi lại nhiều và thường phải sử dụng nhiều thiết bị như laptop, máy tính bảng, điện thoại. Tuy nhiên, không phải thiết bị nào cũng có 3G nên anh gặp nhiều khó khăn. Anh cho biết trước đây có nghiên cứu sử dụng điện thoại phát WiFi thế nhưng thấy không ổn vì điện thoại mau hết pin và hơi nóng. Xem trên mạng thấy xuất hiện các dòng thiết bị phát sóng WiFi từ USB 3G, anh quyết định mua một chiếc sử dụng. Hiện nay, trên xe hơi của anh lúc nào cũng có sẵn một thiết bị phát sóng. Mỗi lần đi đâu xa, cả gia đình anh người thì xài máy tính bảng, người thì xài laptop đều có thể bắt WiFi và lướt web khá dễ dàng.
Nhiều người “ngoại đạo” của công nghệ cũng săn lùng các thiết bị phát WiFi độc đáo này. Theo bạn Phan Huy Anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải, là sinh viên nghèo, việc truy cập WiFi để học tập với Tuấn và các bạn học cùng phòng là cực hình. Phần lớn các thiết bị công nghệ của các bạn dùng đều là sản phẩm giá rẻ không có 3G. Sóng WiFi thì phần lớn bị khóa mật mã, xài ké sóng thì khi có khi không. Xem trên mạng thấy có thiết bị phát sóng WiFi, cả phòng Tuấn quyết định hùn tiền mỗi người 200.000 đồng để mua một cái về sử dụng. “Hiện nay mỗi tháng, bốn người trong phòng em xài Wi-Fi thoải mái nhưng chỉ tốn khoảng 20.000 đồng, chia ra mỗi người tốn chưa đến 5.000 đồng để có thể sử dụng các laptop và máy tính bảng. Em thấy thiết bị này rất có lợi thế nhưng nhiều bạn bè vẫn chưa biết đến để dùng” - Tuấn chia sẻ.
Có thể dùng làm cục sạc điện thoại
Hiện nay thiết bị phát sóng WiFi từ USB 3G đang trở thành mặt hàng “hot” được nhiều người quan tâm. Theo khảo sát, các thiết bị phát sóng WiFi có kích thước bằng chiếc bật lửa hoặc có thể to hơn với nhiều chủng loại. Bao gồm các loại giá rẻ và cả các dòng cao cấp, một số thương hiệu được nhiều người ưa chuộng là TP link Tenda, Hame.... Chi phí mua một thiết bị trung bình là khoảng 500.000 đến 1,2 triệu đồng tùy theo thương hiệu và dung lượng pin. Thế nhưng ngoài mua thiết bị người tiêu dùng phải mua thêm một chiếc USB 3G, muốn sử dụng được chỉ cần mua thêm một chiếc USB, cả hai thiết bị sẽ có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng.
Để bảo đảm tính bảo mật, người dùng có thể thiết lập tên thiết bị và password một cách khá đơn giản. Điều đặc biệt là ngoài chức năng là một chiếc máy phát WiFi, thiết bị còn có chức năng là một chiếc sạc điện thoại dự phòng dành cho iPhone và các loại smartphone khác. Trung bình lượng pin của thiết bị có thể hoạt động từ 6 đến 8 tiếng, sạc đầy cho một chiếc điện thoại.
Nhiều chiêu xài WiFi di động
Không chỉ có các thiết bị chuyên dụng, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng biến thiết bị của mình phát WiFi. Một vài loại smartphone đời mới hiện nay có tính năng WiFi Hotspot, cho phép tạo sóng WiFi cho các thiết bị lân cận sử dụng. Còn trên laptop, người tiêu dùng chỉ cần có một chiếc laptop chạy trên Windows 7 và cài phần mềm phát WiFi như Connectify là có thể sử dụng.
Theo Báo Mới
via Công nghệ - RSS Feed Theo Blog kênh 12