Không hiểu sao tôi muốn lấy tên một cuốn sách đã đọc từ rất lâu của Hemingway để làm tựa cho bài viết này...
Trưa 27-1, bay ra Hà Nội thì tôi nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy mất lúc taxi bắt đầu vào TP. Khi xe chạy đến khu vực nhà thờ lớn - nơi tôi sẽ ở - vô tình lúc đó, một hồi chuông thong thả gióng lên.Tôi lặng đi, chuông nguyện hồn ông chăng?
Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy lần đầu tiên từ năm 1995 khi lần thứ hai đến Mỹ. Nhạc của ông thì tôi nghe từ lúc nằm nôi. Bài hát duy nhất mẹ tôi thuộc và ru tất cả anh chị em tôi thời tấm bé là Quê nghèo. Rồi lớn dần lên, nhạc của ông thấm vào người tôi lúc nào chẳng biết.
Năm 1992, khi thực hiện các album ca nhạc về Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, trong tôi cháy bỏng ước mơ được làm một album về nhạc sĩ Phạm Duy khi hoàn cảnh cho phép. Vì với riêng tôi, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ lớn của Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy lúc ở TPHCM giữa năm 2012. Ảnh: HỒNG THÚY
Rồi duyên cũng đến khi ông về sống ở Việt Nam. Năm 2006, Hãng phim Phương Nam thực hiện bộ phim tài liệu về ông và mời tôi cộng tác. Đó là những kỷ niệm khó quên khi đoàn phim rong ruổi cùng Phạm Duy từ Bắc chí Nam, dù lúc đó ông đã gần 90 tuổi.
Ông cùng đoàn phim tới nhiều nơi, từ Hà Nội đến Lạng Sơn, từ Huế đến Gio Linh (Quảng Trị) rồi từ Bến Tre đến tận Cà Mau. Bằng đủ loại phương tiện, hết trên đường lại xuống thuyền nhưng ông vẫn vui vẻ dù đôi khi phải diễn lại nhiều lần. Mà thật ra, ông chẳng diễn gì cả. Ông đi lại, đứng nhìn vu vơ, kể về những kỷ niệm mình từng gắn bó.
Gần như ông làm gì tôi cũng ghi hình lại. Có một điều thú vị là Phạm Duy đứng vào đâu cũng đẹp: Mái tóc ông trắng xóa nổi bật bên bộ bà ba nâu mà ông yêu thích. Thế thôi mà đẹp làm sao! Giờ nghĩ lại, tôi hiểu ra vẻ đẹp đó có lẽ toát ra từ chính con người ông, đó là cái đẹp của một nhạc sĩ đã trải qua bao sóng gió cuộc đời, bao thăng trầm lịch sử, bao dư luận nghiệt ngã nhưng vẫn tĩnh tại và vững vàng.
Khi ở Hà Nội, chúng tôi cùng Phạm Duy đến ngôi nhà ông sinh ra và kể về thời thơ ấu, thăm ngôi trường của ông thời đi học... Ông đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm trên căn gác nhỏ ở đường Lý Quốc Sư. Hai ông ôm nhau, không chỉ hàn huyên tâm sự trên trời dưới đất mà còn ngâm thơ và hát vang những bài ca kháng chiến một thời. Phạm Duy đã ngồi rất lâu bên mộ Văn Cao khi ghé thăm nghĩa trang Văn Điển, trong ông hình như vẫn còn sự hối tiếc khi không gặp được nhau, một trong những người bạn thân nhất của mình.
Có lẽ đó là thời gian tôi được gần gũi ông nhiều nhất.
Phạm Duy kể về những cuộc tình lãng mạn khi ghé Huế, về thời ghé Gio Linh, về những ca khúc ông sáng tác khi qua Lạng Sơn, về những ước mơ khi đoàn làm phim ghé thăm Đất Mũi. Ông đã treo võng để được nằm ngủ tại miền đất cuối cùng của Tổ quốc.
Rồi ông nói về những người bạn cùng thời.
Ông lặn lội tận Thanh Hóa trong một ngày mưa dầm để thăm Hữu Loan, người bạn thân thời trai trẻ. Tôi còn nhớ mãi cảnh chia tay bịn rịn của 2 người mà có thể họ cùng nghĩ chắc không có ngày gặp lại. Ông xuống tận Bến Tre thăm nhà văn Trang Thế Hy, người có duyên với ông trong ca khúc Quán bên đường.
Có quá nhiều điều để tôi nghĩ về ông lúc này...
Hiếm thấy ai làm việc như Phạm Duy, hình như thời gian với ông không bao giờ là đủ. Suốt ngày ông ngồi bên máy tính. Lúc viết, lúc thì sắp xếp những gì ông muốn để lại. Gần như không lúc nào ông ngơi nghỉ, kể cả những khi bác sĩ yêu cầu. Hình như ông linh cảm sẽ không còn kịp nữa..
Khi ca sĩ Duy Quang - con trai lớn của Phạm Duy - mất, ông gần như suy sụp hẳn. Có lần tôi đến thăm, ông phải nằm để nói chuyện nhưng vẫn lạc quan về một tương lai mơ hồ nào đó, dù thật tình đôi khi tôi không hiểu hết.
Khi tôi viết những dòng này, một hồi chuông nữa lại vang lên.
Tự nhiên tôi có một ý nghĩ, muốn dâng hồi chuông thánh thiện này cho Phạm Duy, cầu mong linh hồn ông siêu thoát, dù những điều mong mỏi của ông trong những ngày cuối đời vẫn chưa thành hiện thực.
Nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật Phạm Duy Cẩn), sinh ngày 5-10-1921 tại Hà Nội, từ trần lúc 14 giờ 30 phút ngày 27-1 tại TPHCM. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại tư gia (số 349/126 Lê Đại Hành, P.13, Q.11 - TPHCM), lễ nhập quan lúc 9 giờ ngày 28-1, lễ động quan lúc 6 giờ ngày 3-2, mai táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. |
CA SĨ ELVIS PHƯƠNG: Từ những kỷ niệm, ông viết nên nhạc Tôi rất ngưỡng mộ ông ở tài năng sáng tạo và cuộc sống khiêm tốn của một nhạc sĩ. Những sáng tác của ông mãi mãi sẽ hằn sâu trong lòng khán giả tri âm, nó là những kỷ niệm riêng, chung của nhiều thế hệ, nhất là những ca khúc viết cho tình yêu và tuổi trẻ. Từ những kỷ niệm, ông viết nên nhạc và để lại cho đời vô số sáng tác hay. Ông là nhạc sĩ tài hoa, một ca sĩ lúc trẻ và nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Tên tuổi của ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ của công chúng yêu tình ca và yêu âm nhạc Việt. CA SĨ CẨM VÂN: Tình ca của ông bất hủ theo thời gian Tôi tham dự một chuyến lưu diễn mừng sinh nhật 93 của ông ở Cần Thơ, Huế và TPHCM. Đó là chuyến đi chia sẻ những tâm tư tình cảm của người nhạc sĩ đón nhận cuộc sống hết sức an nhiên. Tôi có đọc một bài báo viết về âm nhạc, nhà báo đã phân tích rất chính xác: “Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người thích đi trên bãi biển tìm nhặt những chiếc vỏ sò óng ánh mang về mài giũa thì Phạm Duy là người lặn xuống đáy biển để tìm ngọc trai”. Vĩnh biệt ông, âm nhạc của ông vẫn mãi sống theo thời gian, lắng đọng trong tâm hồn bao thế hệ và dòng nhạc tình ca bất hủ của ông mãi là niềm tự hào của những ai yêu quý âm nhạc Việt. Thanh Hiệp ghi |
Nguồn : Người Lao Động
via Tin Mới http://www.tinmoi.vn/pham-duy-chuong-nguyen-hon-ai-011194315.html, tin Theo Blog Kênh 12