Sôi động trong nghệ thuật, trên sân khấu là vậy, nhưng ở đâu đó trong con người anh vẫn thấy sự trầm lắng, cô đơn…
- Nhiều năm qua, trông anh vẫn vậy. Sao anh không tự làm mới mình về mặt hình thức?
- Tôi là người không coi trọng hình thức. Ngay cả khi thể hiện những vai diễn trên sân khấu kịch hay trong điện ảnh, tôi cũng rất ngại phải hóa trang. Nhiều người có nói với tôi rằng, tôi trông vẫn vậy theo thời gian, không chịu làm mới ngoại hình của mình, từ bộ râu đến mái tóc… bao năm rồi vẫn thế. Nhưng tôi là như vậy mà. Ở vào tuổi “già chưa đến, trẻ đã qua” như tôi, ánh sáng hào quang của sự nổi tiếng đã chẳng còn quá hấp dẫn.
- Được biết, ước mơ nghệ thuật của anh không chỉ dừng lại ở một diễn viên?
- Ngày còn niên thiếu, tôi luôn mong khi trưởng thành sẽ được đứng trong dàn nhạc giao hưởng. Từ bé, tôi đã được đi học đàn accordion. Nhưng do bản tính ham chơi của tôi mà ước mơ làm nhạc công đã không trở thành hiện thực. Ngày đó, mỗi khi thầy giáo giao bài tập cho tôi rồi đi ra ngoài, nhưng khi trở về thì lại chẳng thấy học trò đâu. Thì ra lúc đó cậu học trò “ngoan” đang cùng đám bạn đi chơi thuyền ngoài sông Hồng.
Sau đó, tôi thi vào khoa đào tạo diễn viên năm đầu tiên của Nhà hát kịch Việt Nam từ 1978 đến 1982. Tôi vẫn còn nhớ, khi đó tôi học cùng với nhiều nghệ sĩ như Trung Anh; Quế Hằng; Đỗ Kỷ…
Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong Áo lụa Hà Đông
- Vậy sau đó, sự nghiệp diễn viên của anh phát triển thế nào?
- Ngay trong năm tốt nghiệp, tôi đã tham gia đóng 2 vai trong 2 vở kịch là “Người đá lạc đội hình” (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và vở “Cuộc chia tay tháng 6” (đạo diễn Trọng Khôi). Trong năm đó, tôi còn tham gia vai Thắng trong bộ phim truyện nhựa của đạo diễn Bạch Diệp mang tên “Trừng phạt”. Có thể nói bắt đầu từ năm 1982, tôi tham gia nghệ thuật cả hai lĩnh vực là sân khấu và điện ảnh.
- Nhưng Quốc Khánh của điện ảnh mang lại cho anh danh tiếng hơn sân khấu?
- Tôi đã có 30 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam. Tôi không thể sống thiếu sân khấu, vì đó là tình yêu, là duyên nghiệp, là cuộc đời của tôi. Tôi cũng đã đi cùng sân khấu qua những bước thăng trầm, dù thịnh hay dù suy thì sân khấu luôn là niềm khao khát, là cõi đi về an ủi của tôi. Tôi cũng hiểu rằng mỗi thời mỗi khác, qua thời hưng thịnh sẽ tới lúc suy, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời, và sân khấu cũng như vậy, ngày nay sân khấu không còn là thánh đường nữa.
Nhưng những người nghệ sĩ yêu sân khấu chỉ biết cố gắng hết sức để bám trụ, để gắn bó với sân khấu cho thỏa niềm đam mê. Và cũng vì sân khấu ít việc, nên nhiều nghệ sĩ phải đi đóng phim.
- Gương mặt và lối diễn xuất của anh để lại ấn tượng cho khán giả qua những vai diễn hài. Anh thấy mình hợp với loại vai diễn nào?
- Tôi nghĩ người diễn viên chuyên nghiệp phải hóa thân được cả những vai diễn hài và bi. Nhiều người nói rằng, gặp tôi ở ngoài đời, thì thấy tôi hợp với đóng bi. Nhưng tôi nghĩ, phải hòa hợp được cả hài và bi. Tôi đã từng thể hiện vai diễn anh Gù đầy bi kịch, đau thương, trong phim truyện nhựa “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh.
Tôi vào vai Gù cũng không quá khó khăn, nhiều khán giả khi xem xong bộ phim cũng cho rằng tôi không phải “gồng” mình lên để diễn bi. Sự kết đôi lệch lạc giữa tôi và Trương Ngọc Ánh xinh đẹp cuối cùng cũng mang lại hiệu quả cho phim.
- Vậy là anh thích nhân vật chàng Gù?
- Tôi thích nhân vật chàng Gù vì đó là một vai có chiều sâu, đa tính cách. Hơn nữa, với đất diễn rộng, tôi có cơ hội được thỏa sức vùng vẫy. Đứng ngoài tư cách một diễn viên, tôi không thể lên tiếng bình luận về vai diễn vì tôi đã trót bị ám ảnh bởi cuộc đời của anh Gù. Tất cả những gì có thể làm được cho vai diễn anh Gù, tôi đều đã làm, điều đó đã thể hiện trên màn ảnh và khán giả đã có những nhận xét và đánh giá rồi.
Tôi cũng không có nhiều tham vọng, vì theo tôi làm nghệ thuật là cái nghiệp, làm cả đời chứ không phải chỉ diễn một hai phim, hay chỉ đóng vài vở kịch. Và sự thành công hay thất bại đều là chuyện thường của nghiệp diễn, điều quan trọng là mình sống thế nào và mọi người nhìn nhận ra sao.
- Anh vừa nói rằng hào quang của sự nổi tiếng không còn quan trọng với mình nữa, anh nói thật đấy chứ?
- Dù thế nào đi nữa, dù có giải hay không, có danh hiệu hay chưa có, thì ngày mai tất cả các nghệ sĩ vẫn phải bắt đầu bằng những công việc mới, một ngày mới… Danh hiệu NSƯT là sự ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật của tôi, đó thực sự là một niềm động viên tinh thần lớn với tôi. Tuy nhiên, danh hiệu hay chỗ đứng trong nghề chưa bao giờ là cái đích để tôi hướng tới.
- Vai diễn Ngọc Hoàng của anh cũng để lại ấn tượng với khán giả. Nhưng có vẻ như nhân vật ấy có ít “đất diễn”, anh có thấy Ngọc Hoàng bị lép vế?
- Trong tổng thể chương trình Táo Quân, các vấn đề bức xúc trong năm là của các Táo, Ngọc Hoàng là người cầm cân nảy mực, đưa ra những tổng kết ý nhị, mang tính định hướng. Vai Ngọc Hoàng khó ở chỗ là phải ngồi theo dõi câu chuyện các Táo từ đầu tới cuối, mà ngồi nghe thì ít đất diễn là đúng thôi.
Ở chương trình Táo Quân, mỗi vai diễn đều có một chỗ đứng riêng, cho nên, tôi không so sánh với bạn diễn rằng họ được nói nhiều, được làm nhiều trò khiến khán giả vui.
Vai của mình ít đất diễn, thì phải tìm cái gì đó đặc biệt, độc đáo một chút để khán giả nhớ lâu. Hơn nữa, Ngọc Hoàng không được vui chơi, giễu cợt, tham gia trò vè của các Táo vì điều đó sẽ phá đi nét nghiêm túc của Ngọc Hoàng.
Quốc Khánh vai Ngọc Hoàng trong Táo quân
- Nhiều đồng nghiệp của anh đều lần lượt thử sức trong vai trò đạo diễn, nhưng Quốc Khánh thì chưa. Anh có thể nói về điều này?
- Tôi không muốn trở thành đạo diễn, bởi tôi không có đủ khả năng để đảm nhận vai trò này. Tôi thích làm nghệ sĩ biểu diễn hơn, vì chỉ cần hoàn thành xong vai diễn, mọi người lại trở về với cuộc sống đời thường, không âu lo. Còn làm đạo diễn sẽ phải suy nghĩ đến nhiều vấn đề. Nào là kịch bản, rồi kinh phí, diễn viên, âm thanh, ánh sáng… Nên khi làm đạo diễn chắc chắn sẽ phải vướng vào chuyện bực mình, khó chịu. Làm đạo diễn đòi hỏi phải có kiến thức, tư duy, sáng tạo và hơn nữa, sự căng thẳng sẽ nhiều hơn sự thoải mái.
- Dường như anh đang tôn sùng một cuộc sống thoải mái, tự do, không ràng buộc?
- Tôi luôn cố gắng tránh xa mọi sự ồn ào, xô bồ, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc bị làm phiền. Đôi lúc đi ăn với bạn bè, khán giả nhận ra tôi và mời tôi uống vài chén rượu. Lúc đó từ chối thì không vui, nên nhiều khi tôi cũng phải miễn cưỡng thỏa hiệp. Tôi hay đi diễn về khuya, cảm nhận được không khí về đêm, yên tĩnh, trong lành lắm, nên tôi thích thú khi ra đường vào thời điểm ấy.
- Còn những lúc rảnh, anh thường làm gì?
- Tôi hay đi chơi bi-a. Có một thời gian, tôi chơi bi-a rất nhiều, có khi quên ăn quên ngủ. Đôi khi những bước chân tôi đi vòng quanh vòng quanh bàn bi-a phải bằng quãng đường một anh chàng Tây balô đi vòng quanh Hà Nội (Cười). Sau đó tôi lại đi câu cá ban đêm bằng phao đèn. Nhiều khi tôi câu thông đêm luôn, cho đến gần sáng. Câu cá đêm hấp dẫn tôi bởi khoảng thời gian tĩnh lặng hiếm hoi trong cuộc sống xô bồ.
Từ hồi mê câu cá, tôi thấy tính tôi trầm hẳn, tự nhiên lúc đó thấy những chuyện được mất trong đời không có nhiều ý nghĩa. Có những vai diễn trên sân khấu người ta làm rất tốt, nhưng không thể hoàn thành trọn vẹn vai diễn cuộc đời, đó cũng là lẽ thường.
- U50 mà vẫn chưa vợ. Nhiều người vẫn cứ thắc mắc sao Quốc Khánh lâu lấy vợ thế?
- Tất nhiên, đời tôi phải có đàn bà chứ, nếu không thành hâm à? (Cười) Tình yêu là một phép màu. Nó làm cho con người ta trẻ lại, luôn vui cười và thấy cuộc sống tươi đẹp. Vợ có thể thiếu nhưng tình yêu thì… không thể. Người ta nói tôi thế kia là hồ đồ đấy.
Việc ấy tôi không cần giải thích hay thanh minh, cũng chẳng phải suy nghĩ làm gì cho nhẹ cái đầu. Người ta đồn này, đồn nọ không quyết định điều gì trong cuộc sống của tôi. Nếu ai chơi với tôi, hiểu tôi thì sẽ cảm thông việc tôi chưa lập gia đình, chứ không phải tò mò, soi xét.
- Hay do anh đặt ra tiêu chuẩn cao quá?
- Phụ nữ đến với tôi nhiều, nhưng tôi sợ… Tôi sợ ai đến với mình khó có thể thông cảm cho lối sống của một người vốn thích tự do. Tôi cũng sợ lấy phải người vợ không tốt với bố mẹ. Tôi luôn giữ quan điểm: “Không phải có vợ mới là hạnh phúc, mà đơn giản, hạnh phúc là làm được điều mình muốn”.
Cái số của tôi là vậy đấy, yêu thì vẫn yêu, rung động thì vẫn rung động nhưng để kết hôn được quả là khó. Có những lúc cơ hội đến rồi nhưng bản thân tôi lại băn khoăn, lùng bùng suy nghĩ, đắn đo. Bởi không muốn là người “nuốt lời hứa” nên tôi chưa dám đeo một chiếc nhẫn vào ngón áp út của bàn tay trái. Nếu kể câu chuyện của mình ra mà làm ai đó phiền lòng thì tôi không muốn.
Chỉ biết rằng tôi đã nhiều lần tiễn người yêu đi lấy chồng. Có người tôi vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, có người tôi chỉ âm thầm dõi theo cuộc sống của họ. Tôi cảm thấy mình nợ họ một điều gì đó.
Thôi thì, có lẽ trước mắt mình vẫn cô đơn, nhưng biết đâu đấy... ngày mai, ngày kia gặp một người phụ nữ nào đó đồng cảm, chia sẻ lại “cưới liền tay”. Vì người đàn ông lấy vợ chẳng lúc nào là muộn cả.
- Vậy cái Tết của người độc thân thường như thế nào?
- Tết của người độc thân thì cũng như mọi người thôi. Đó là những ngày quây quần bên gia đình. Đến nay tôi vẫn ở với bố mẹ. Tôi không có ý định bỏ thói quen đó. Vì ở nhà, tôi được gần mẹ, được chăm sóc cho mẹ. Tôi quan niệm, không có mẹ thì không có tôi, nên không thể rời xa ngôi nhà của mẹ được. Cuối năm tôi luôn bận bịu với những lịch quay dày đặc.
Nhiều người bảo, nghề diễn của chúng tôi bạc bẽo, nhưng tôi nghĩ, trên đời mọi việc đều công bằng. Nếu mình làm hết sức, nếu luôn biết nỗ lực, cố gắng, thì chắc chắn sẽ được trả công xứng đáng. Chỉ cần mọi người biết mình cần gì, muốn gì và nỗ lực hết mình vì ước mơ, mong muốn của mình, chắc chắn sẽ được bù đắp.
- Xin cảm ơn anh! Chúc anh gặp nhiều thành công trong cuộc sống!
via Tin tức 24h http://www.24h.com.vn/phim/quoc-khanh-doi-toi-phai-co-dan-ba-chu-c74a513472.html