“Đến tháng 6/2014, trường nào không giải quyết được vấn đề đất thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chiều 22/1.
- Thưa Thứ trưởng, Luật giáo dục đại học vừa có hiệu lực tạo những thay đổi cơ bản nào trong việc tuyển sinh, dạy và học của hệ đào tạo này?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: PLXH. |
- 2013 là năm đầu tiên thực hiện luật giáo dục đại học với mục tiêu hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ đã thay đổi 36 văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đào tạo liên thông, sau đại học, không chính quy… không còn phù hợp với luật giáo dục đại học. Vì vậy Bộ đã sửa đổi quy chế đào tạo liên thông cho phù hợp với mục tiêu đào tạo. Theo đó người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học).
Để giải quyết tình trạng chất lượng không theo kịp quy mô đào tạo, ngoài việc tăng cường giám sát bằng văn bản, Bộ thực hiện kiểm tra tại chỗ các trường. Vừa qua, thanh tra Bộ đã kiểm tra việc thành lập trường, liên doanh liên kết đào tạo, mở ngành… Các vi phạm đã được xử lý, đưa giáo dục đại học đi đúng quỹ đạo.
- Trong các đợt thanh tra năm 2012, lỗi vi phạm lớn nhất của các trường là gì thưa ông?
- Đa số trường được thanh tra đều vi phạm quy chế, nhưng chủ yếu là không đảm bảo hai yếu tố giáo viên cơ hữu và diện tích xây dựng trên đầu sinh viên. Một số trường ngoài công lập sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn chưa có đất xây trường đúng như cam kết khi thành lập. Bộ đã xử lý bằng nhiều hình thức, như giao chỉ tiêu tối thiểu, dừng tuyển sinh, rút quyết định mở ngành, kỷ luật hiệu trưởng…
Hiện Bộ đã phát đi ba thông điệp, thứ nhất là đối với trường chưa đảm bảo chất lượng đào tạo thì tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ hai là cơ sở vật chất không đảm bảo thì phải tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ quá trình dạy và học. Cuối cùng, Bộ cảnh báo các trường chưa có đất xây dựng phòng học. Đến tháng 6/2014, nếu không giải quyết được việc này thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường.
- Một loạt địa phương đang quay lưng với hệ đào tạo dân lập như Hà Nội, Hà Nam… Quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?
- Về nguyên tắc, giá trị của các bằng đại học là như nhau. Tại chức, liên thông hay chính quy thì chương trình giảng dạy là như nhau dù phương pháp dạy khác nhau. Tuy nhiên, thực tế có một số cơ sở đào tạo không đảm bảo, chất lượng sinh viên ra trường thấp khiến nhiều địa phương quay lưng.
Hiện nay, Bộ đã điều chỉnh thông qua quy phạm pháp luật, như thay đổi quy chế thi liên thông để từng bước kéo gần chất lượng đào tạo của hệ này so với chính quy. Quan điểm của Bộ là dù có đào tạo ở hệ nào thì chất lượng đầu ra phải như nhau để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi đấy xã hội sẽ không quay lưng với bất kỳ hệ đào tạo nào.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề đều có sứ mệnh riêng. Người nào có nhu cầu học tiếp thì liên thông và được giảm thời gian những môn đã học trước đó. Chính vì vậy, để nhận ưu tiên này thì đầu vào liên thông cũng phải siết chặt, phải chờ đủ 36 tháng để có kinh nghiệm trong công việc, hoặc nếu muốn học ngay thì thi đại học như bình thường.
- Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào để giáo dục đại học đạt được kết quả như chủ trương đề ra?
- Trong những năm tới, Bộ tiếp tục giao quyền tự chủ cho các trường. Năm nay, 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được giao tuyển sinh riêng. Cách đây 3 năm Bộ đã giao quyền tự chủ cho hai trường ĐH Quốc gia, thế nhưng năm nay hiệu trưởng các trường này vẫn xin lỗi vì chưa sẵn sàng tự tuyển sinh.
Về việc mở ngành, Bộ vẫn sẽ nắm để điều tiết nguồn nhân lực theo nhu cầu. Những ngành nào đang cần cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước thì phát triển, những ngành đã bão hòa, sinh viên ra không tìm được việc làm thì dừng mở mới như kinh tế, tài chính, ngân hàng…
Luật giáo dục đại học chú trọng tăng cường chất lượng, không phải tăng quy mô như trước đây. Để làm được việc đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các trường để đảm bảo chất lượng dạy và học. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển nhân lực đến năm 2020. Bộ sẽ dựa vào đề án này để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị tuyển sinh ngày 22/1, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng phải xác định rõ mục đích mở trường trung cấp, trường nghề và nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trong việc phân luồng. "Quy định mới về đào tạo liên thông không phải là vẽ con đường vòng và trên thực tế đã có lúc nó là con đường tắt đưa các cháu vào đại học với chất lượng thấp hơn", Bộ trưởng nói và cho hay cả xã hội đang lên án việc thừa thấy thiếu thợ. Theo Bộ trưởng, cần tôn trọng nhu cầu học tập của học sinh và việc học tập suốt đời, vì vậy mới mở lối cho các cháu có cơ hội học đại học. Nhưng học cao đẳng xong ngay lập tức vào đại học thì không phải mục tiêu thiết kế của liên thông. "Nếu làm thế thì việc xây dựng hệ thống trường nghề, trung cấp, cao đẳng thất bại. Nếu thế chỉ cần mở thêm trường phổ thông cho học sinh học văn hóa một cách tử tế, sau cho vào đại học", ông Luận nói. |
Hoàng Thùy
via Tin Mới http://www.tinmoi.vn/truong-dai-hoc-chua-co-tru-so-se-bi-giai-the-011188285.html, tin Theo Blog Kênh 12