Thạch thừa nhận, để viết được hay và thật như những gì thế giới của đĩ, đồng giới hay trai gọi đang diễn ra, ngoài việc đi, quan sát rồi nghe, trong cậu còn có "lòng dạ đàn bà". Nếu với đồng tính, cậu có thể dùng trải nghiệm và cảm nhận để viết thì những truyện ngắn về làm đĩ, Thạch cậy nhờ "phần đàn bà" trong mình để hiểu rồi "lên đồng", nhập hồn vào nhân vật.
Sở dĩ bắt đầu với chủ đề này vì theo cậu, viết về làm đĩ hoặc trai gọi luôn gây ấn tượng nhưng ít ai dám dấn thân. Bản thân cậu trước đây chưa hiểu nên "ngại" call-boy (trai gọi) và "thấy họ thấp về đạo đức xã hội". Kể từ sau lần thú nhận của anh bạn, Thạch mới biết "ở mỗi con người đều có một câu chuyện và khi hiểu rồi mới cảm thấy thương".
Hồi 18-20 tuổi, Thạch quen một anh cùng giới, thỉnh thoảng có đi ăn và uống cà phê. Khi đã thân, anh nói cho Thạch biết mình làm nghề call-boy. Tò mò và muốn tìm hiểu về thế giới ngầm này, Thạch theo anh lên bar để chứng kiến anh "đi làm". Những lúc anh có khách, cậu đứng đợi hoặc ra về. Không ít lần, khách hỏi giá Thạch nhưng người anh đó đều từ chối vì "cậu em chỉ là bạn, không làm nghề này". Những lần đi tình nguyện phát bao cao su cho gái mại dâm đứng đường hoặc đến bar cùng anh bạn, được chứng kiến cảnh giành khách, môi trường "làm nghề" có cả trai lẫn gái gọi khiến chàng trai hơn 20 tuổi ấp ủ viết về họ. Đến giờ, Thạch nói cảm thấy may mắn vì đã quen người anh ấy. Nhờ vậy, cậu có nhiều chất liệu để làm nên mỗi truyện ngắn hay. Năm 19 tuổi, Thạch viết Đời Call-boy.
Nhớ lại tác phẩm đầu tay đầy ắp câu từ "con nít", Thạch phá lên cười khi mỗi lần xem lại bản thảo. Thạch chia sẻ, thời điểm 2006, khái niệm về đồng tính, lại còn đồng tính đi làm gái là điều "kinh khủng" và bị xem như "căn bệnh biến thái". Bởi vậy, cậu chỉ dám đăng trên blog cá nhân và không dám nghĩ câu chuyện sẽ được in sách.
Đời Call-boy dựa trên cuộc đời thật của anh bạn Thạch, một chàng trai quê miền Trung vào Sài Gòn kiếm sống. Dòng đời xô đẩy, chàng trai đó quyết định trở thành trai gọi chuyên nghiệp để kiếm tiền nhanh chóng.
"Nhờ anh kể chi tiết cùng với những gì quan sát nên khi viết, tôi đặt được cảm xúc thật vào đó. Một số người đến với nghề trai gọi vì muốn kiếm tiền nhanh nhưng không ít vì hoàn cảnh thực sự. Ở những đoạn giường chiếu, anh cũng không kể gì nhiều, mình có thể dùng trải nghiệm của bản thân cũng đủ để diễn tả lại rồi", Thạch cho hay.
Không chỉ đơn thuần nói tới công việc của trai gọi, Thạch còn phơi bày cả một thực tế xã hội cạnh tranh thu nhỏ giữa các call-boy với nhau và cả âm mưu, thủ đoạn của ông chủ động nhằm lôi kéo những trai đẹp ở quê mới lên. Để thoát ra được động trai gọi ấy, nhiều "lao động tình dục" phải đánh đổi cả bằng tính mạng.
Đời Call-boy bị ém một thời gian dài trước khi chính thức ra mắt bạn đọc mạng. Sau Một con đĩ yêu nghề, dấu mốc quan trọng trong nghiệp viết lách của Thạch, Đời Call-boy, Xóm đĩ, Kiếp đĩ, Mắt đĩ hay truyện về bóng "đường hoàng" xuất hiện trên mạng nhờ thành kiến của xã hội về đồng tính dần bị cởi bỏ.
Để có thêm chất liệu về những cô gái bán dâm, Thạch thừa nhận từng phải đi "chơi đĩ", tức là mời đi ăn, cà phê rồi chuyện trò 3-4 buổi.
"Với gái điếm, mình càng phải đi với họ nhiều hơn nhưng callboy, Thạch có thể dùng trải nghiệm của bản thân để viết về đồng tính. Còn với đĩ, là con gái, làm sao tôi có thể hiểu hết được họ bởi vậy phải gặp, nghe để biết về cuộc sống các cô ấy", Thạch nói.
Sau lần bỏ tiền mời "cô đĩ" đầu tiên 22 tuổi quê miền Tây đi chơi, Thạch còn gặp vài người khác nhưng những lần đó, cậu chỉ ngồi quan sát, học cách nói chuyện, cách nhìn nhận cuộc sống để viết cho chân thật thay vì hỏi nhiều. Thạch tâm sự, khi chia sẻ về cuộc sống và hoàn cảnh gia đình, hầu hết các cô gái đều "chém gió" để có "mẫu số chung" là nhà nghèo, em đông, bố mẹ già yếu. Tuy nhiên, theo Thạch, "chém cũng tốt" vì bảo đảm trong cái chém có "1% sự thật".
"1% ấy có lúc là gia đình, lúc là công việc bởi vậy tôi phải nghe, nhìn và nắm bắt số % sự thật ít ỏi. Nếu 10 cô mà có tới 9 nói là bố mẹ yếu, em nheo nhóc thì không phải 1% sự thật rồi. Đảm bảo sẽ có một người nói em làm đĩ vì em đẹp và em thích làm đĩ bởi dễ kiếm tiền. Đó là sự thật mình cần", Thạch chia sẻ.
Thạch cho hay, ban đầu viết Một con đĩ yêu nghề, bản thân cũng cảm thấy lạnh người vì sợ ác với nhân vật khi để cô gái phát hiện ra mình quan hệ với chính bố đẻ. Cậu thừa nhận, thực tế chưa từng chứng kiến hoàn cảnh nào giống thế và nếu có, Thạch cũng chẳng dám nghe vì sợ không chịu nổi.
Thạch cho biết thêm, muốn nhân vật cởi mở hơn, phải như một người bạn với họ. Khi thấy người đối diện không có ý hại lại gần như cùng chiến tuyến với mình, các "cô đĩ" mới mở lòng hơn. Không còn ngại ngùng hay đề phòng, họ bắt đầu nói nhiều, kể về đồng nghiệp. Từ những câu chuyện ấy, Thạch lại có thêm tư liệu.
Thạch từng bị từ chối, hăm dọa nên khi viết về họ, cậu chọn cách trực tiếp và nhanh nhất là dùng tiền. Cậu tâm sự muốn in tất cả truyện về đĩ vào một cuốn rồi gửi tặng những phụ nữ trong trại phục hồi nhân phẩm để họ thấy vẫn có một người chịu hiểu và chịu nghe họ nói, viết về họ.
Tự nhận văn chương "vận" vào mình như một cái nghiệp, Thạch bảo trước đây từng học dốt văn, điểm thấp lè tè, được cái "ham đọc". Cậu đọc tất cả những gì có được rồi bắt đầu so sánh tại sao cách viết này làm người ta thích, cách viết cuốn kia đọc thấy chán. Trong gia đình, từ bố mẹ đến cô em gái kém Thạch 13 tuổi cũng đều đọc "say sưa" truyện của cậu. Thạch cưng bé em gái và thường hay kiếm chuyện chành chọe mỗi khi về tới nhà.
Trước khi bị cuốn vào sáng tác, Thạch làm công việc về marketing. Thời điểm phát hành sách bận rộn nên cậu tạm nghỉ việc. Hiện tại, Thạch đang gấp rút cho ra mắt cuốn tiếp theo chắp bút cho một người chuyển giới, cố gắng hoàn thành nốt cuốn tạp văn và các dự án tiểu thuyết.
"Người chọn nghề, nhưng nghiệp chọn người. Tôi chỉ hy vọng nghiệp viết nếu đã có duyên cùng mình, có thể để tôi đi cả đời với nghiệp. Ngày nào còn người yêu văn đọc những gì mình viết, tôi sẽ vẫn tiếp tục viết về cuộc sống đôi khi hiện thực đến đau đớn nhưng lắm lúc cũng đẹp đến không ngờ này", Thạch nói.
Theo Ngôi Sao
via Đời sống giới trẻ - RSS Feed http://2sao.vietnamnet.vn/p0c1049n20130223114051303/chang-trai-25-tuoi-va-gia-tai-mot-trai-goi-sau-con-di.vnn Theo Blog Kênh 12