Trường THPT Lương Đắc Bằng là một trong những điểm thi học sinh giỏi vừa qua. Ảnh: NLĐ
Câu hỏi đặt ra, ai đã dạy các em làm điều gian dối?
58 bài thi của hai cấp (THPT và THCS) trong kỳ thi học sinh giỏi này đã bị phát hiện có dấu hiệu đánh dấu trong bài thi của học sinh. Lẽ đương nhiên là Hội đồng thi học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa đã hủy kết quả của các bài thi gian dối này, dù hội đồng đánh giá trong số bài thi bị hủy vẫn có những bài thi có chất lượng tốt.
Hiện tượng đánh dấu vào bài thi theo kiểu “tập thể, giống nhau” thì chắc chắn phải có sự chỉ đạo? Nếu không thì các em học sinh đánh dấu vào bài thi để làm gì? Đây chính là vấn đề mấu chốt mà Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa phải tiếp tục làm rõ: Ai đã dạy cho các học sinh đó gian dối? Gian dối mang tính tập thể này là do bệnh thành tích, hay còn vấn đề gì sâu xa khiến cho bài thi của học sinh các trường đều có ký hiệu đánh dấu riêng?
Cần phải làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng các trường có học sinh gian dối trong thi cử. Dư luận chờ đợi câu trả lời từ Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là cuộc thi “đốt đuốc” tìm học sinh giỏi của địa phương để lựa chọn tham dự vào tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, rồi “lựa” tiếp vào cuộc thi Olympic quốc tế. Cuộc thi học sinh giỏi được đặt ra nhằm phát hiện người học có năng khiếu về môn học, tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho địa phương, đất nước.
Ấy thế mà, 58 bài thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở Thanh Hóa đánh dấu... đã đi ngược lại mục đích, ý nghĩa kỳ thi học sinh giỏi mà Bộ GDĐT ban hành quy chế nhằm có một kỳ thi thực chất, lựa chọn được học sinh giỏi thật sự.
Gần nửa năm về trước (tháng 10.2012), tại kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi vào đội tuyển quốc gia của tỉnh này, cũng đã có hiện tượng đánh dấu bài thi. Tuy nhiên, việc xử lý của Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ dừng ở mức hủy bài thi. Chắc hẳn biện pháp hủy bài đã không đủ mạnh để răn đe hành vi gian dối trong thi cử, nên hành vi này đã lặp lại tại kỳ thi học sinh giỏi vừa được tổ chức trong tháng 3.
Vì sao Trường ĐH Chicago (Mỹ) có uy tín hàng đầu trên thế giới? Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét ngắn gọn rằng: Thành công đó đến từ sự trung thực, kiên quyết nói không với những hành vi gian lận trong thi cử.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Xuân Nhĩ trăn trở trước vấn nạn “gian dối” trong giáo dục: Giáo dục là phải trung thực. Học sinh nói dối nhiều sẽ thành quen.
Học sinh nói dối bắt đầu từ đâu? Có học sinh mới có 14 tuổi, viết trên facebook của mình: “Thầy cũng gian dối, trách gì học sinh”.
Đó là câu chuyện của một học sinh giỏi. Em đã kiên quyết không giơ tay phát biểu trong buổi “thi giáo viên giỏi” của giáo viên bộ môn. Trước ngày “thầy” vào thi, học trò được tập dượt các câu hỏi, các câu trả lời, học trò nào được phát biểu, học trò nào không được phát biểu. Nhất loạt phải giơ tay phát biểu, nhưng cách giơ tay cũng có “ký hiệu” riêng để thầy gọi đúng trò trả lời được.
Nhiều thầy cô cứ vô tình dạy trò nói dối. Dối trong dạy, dối trong học, dối trong thi cử và cả ứng xử. Không ít bậc phụ huynh cũng chỉ “vô tình” dạy con nói dối. Trẻ biết rõ đó là nói dối, nhưng các em còn quá nhỏ để nói không với nói dối và không ý thức được nói dối nguy hại như thế nào đến sự phát triển và hình thành nhân cách con người.
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/ai-day-cho-hoc-sinh-gian-doi-1635117.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12