Bị “đổ vấy”?
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hà Nội, giữ quyền công tố tại tòa, đã đề nghị HĐXX của TAND TP Hà Nội tuyên ông Phạm Đình Tiếng 17-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 2 - 3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng phần tranh luận, 3 luật sư bào chữa cho ông Tiếng (luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bắc Giang, luật sư Đỗ Ngọc Quang – Đoàn LS TP Hà Nội và luật sư Vũ Quang Ninh – Đoàn LS tỉnh Quảng Ninh) khẳng định, thân chủ của mình không phạm tội.
Luật sư Quang, phát biểu, quy kết ông Tiếng về tội “Nhận hối lộ” thì phải chứng minh được chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn, đã làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sau khi đã nhận hoặc thỏa thuận sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. Thực tế, ông Tiếng không phải là người có chức vụ quyền hạn. Tại tòa, bị cáo khai, chỉ là cán bộ trinh sát của PC17, CATP Hà Nội và chỉ làm công tác trinh sát (tiền tố tụng). Theo đó, khi phát hiện người phạm tội có các yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển cho CQĐT tố tụng (lúc đó là PC16, CATP Hà Nội). Rõ ràng, ông Tiếng không có thẩm quyền ra các quyết định tố tụng, người ra các quyết định tố tụng phải là thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT. Đáng nói, ông Tiếng còn không có thẩm quyền thiết lập các chứng cứ tố tụng trong vụ án mà chỉ được lập hồ sơ nghiệp vụ trinh sát rồi viết báo cáo, đề xuất Thủ trưởng cơ quan về chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ tố tụng để người có thẩm quyền khởi tố, điều tra.
Ngoài ra cũng cần xem xét, ông Tiếng có làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của Bảy để nhận 12.000 USD hay không? VKSND TC kết luận, bản danh sách 20 đối tượng trong chuyên án do ông Tiếng lập ngày 14-12-2000 đã xác định rõ vai trò, vị trí tham gia của từng đối tượng trong vụ án. Bản danh sách này, bị cáo đã không báo cáo các thành viên trong Ban chuyên án, không chuyển cho PC16. Luật sư Quang khẳng định, bản danh sách đã được thể hiện trong báo cáo kết quả điều tra vụ án 609D gửi Trưởng Ban chuyên án, BCH Đội 2 – PC17. Ông Tiếng từng đề xuất bắt khẩn cấp và tạm giữ Bảy nhưng đã không được chấp nhận. Điều này cho thấy, bị cáo cương quyết dùng các biện pháp mạnh để đấu tranh với Bảy.
Bảy khai, đặt vấn đề với ông Tiếng để “cắt đuôi” cho Bảy, Lan, Đường, Địch, Huyền, giá 12.000 USD. Như vậy, nếu ông Tiếng đồng ý nhận số tiền này thì tại sao lại có báo cáo đề xuất ngày 29-12-2000 gửi BCH PC17 ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Thị Địch về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Điều vô lý nữa, Bảy “cắt đuôi” cho 5 người trên nhưng lại không “chạy” cho Mạnh. Để đến khi, Mạnh bị bắt, Bảy “tự dưng” mất thêm 8.000USD nữa(?).
Về mâu thuẫn cho lời khai của vợ chồng Bảy, Lan, luật sư Quang “mổ xẻ”, ở nhiều bản khai và tại tòa, vợ chồng này nói, cầm 70 triệu đồng mang ra hiệu vàng Kim Cương đổi được 5.000 USD. Nhưng sau đó, Bảy, Lan khai lại, cầm 80 triệu đồng ra hiệu vàng Kim Cương đổi được 5.000 USD. Thời điểm tháng 6-2006, trong khi Bảy không nhớ thời gian chạy án cho Lành nhưng lại nhớ chính xác tỷ giá USD đổi ra tiền VND vào cuối năm 2004 (15.600 đồng đổi được 1 USD). Một điểm “vênh' nữa trong lời tố ông Tiếng nhận hối lộ để “lo” cho Mạnh, tại CQĐT, Bảy khai rằng, lúc Mạnh bị bắt, mẹ của Mạnh (bà Nguyễn Thị Thua) đến báo tin cho Bảy và nhờ giúp. Nhưng tại biên bản ghi lời khai của bà Thua, bà này khai, không gặp Bảy và không quan tâm đến việc Mạnh bị bắt.
Ông Tiếng tự bào chữa cho mình.
Bị cáo tự bào chữa bằng bản viết khá “dày công”!
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Quang Ninh, Đoàn LS tỉnh Quảng Ninh, trình bày, tại phiên xử lần này, Mạnh từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của luật sư, không xác nhận vì sao biết biết được những tình tiết trong vụ án. Vì vậy, tình tiết Mạnh khai nhìn thấy ông Tiếng lấy tiền từ cổ chân trái, đưa lên cất vào túi áo ngực trái là “bịa đặt”, không logic. Mạnh còn khai, viết xong bản cam đoan, ông Tiếng dẫn Mạnh ra cổng CA quận Ba Đình và nói: “Mày đi xe ôm về báo với chú Bảy là chú Tiếng đã thả mày rồi”. Nhưng Mạnh được thả là do quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của PC16 và ông Tiếng chỉ là người thừa hành.
“Là những người cùng bị tạm giam với vợ chồng Bảy, Lan trong Trại T16, các nhân chứng Nguyễn Đại Dương, Dương Trường Giang, Nguyễn Đức Minh, Bùi Quang Hưng đã có đơn đề nghị được cung cấp thông tin về việc Bảy, Lan bị ép cung, khai báo những điều không có thật cho ông Tiếng; Bảy được cho gặp vợ để thống nhất lời khai liên quan đến ông Tiếng; được thông cung với nhau vu khống cho bị cáo. Tòa cũng đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung những nội dung của những nhân chứng nêu ra nhưng CQĐT không thực hiện, không lấy lời khai của các nhân chứng này” – luật sư Ninh cho biết.
Dù các luật sư bào chữa phân tích khá kỹ những buộc tội thiếu căn cứ đối với mình nhưng ông Tiếng vẫn có một bài tự bào chữa “dày công”. Nguyên cán bộ CA cho rằng, ông là “nạn nhân bị giăng bẫy”. Trình bày trước tòa, ông Tiếng giãi bày, nguyên nhân bị “hàm oan” xuất phát từ mối “thâm thù” với cán bộ của C17. Nhiều năm trước, ông điều tra đối tượng tên Hải và sau này, Hải bị tuyên 20 năm tù. Việc làm này đã phát sinh mâu thuẫn giữa cán bộ C17 và PC17 khi hai luồng quan điểm trái chiều. Nói mình bị oan, ông Tiếng đề nghị làm rõ vụ án vu khống mà bị cáo là “nạn nhân” và đề nghị khởi tố vụ án về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án (dấu hiệu đánh tráo bản danh sách gốc về 20 đối tượng mà ông Tiếng lập). Bị cáo còn nói, nghe nhắc đến phố Phạm Sư Mạnh (phố có quán cà phê mà Bảy khai đã đến gặp đưa tiền) ông còn không biết con phố này và phải hỏi, phố đó cách trụ sở CA quận Ba Đình bao xa. “Đầu óc tôi có vấn đề không khi mà nhận tiền của Bảy, nhét vào tất mà trên đoạn đường mấy km từ quán cà phê trên phố Phạm Sư Mạnh về trụ sở CA quận Ba Đình lại không lấy tiền ra nhét vào túi áo?” – ông Tiếng nói. Cũng theo lời nguyên cán bộ CA này, việc cúi gập người xuống để lấy tiền từ tất đưa lên túi áo là khó khăn vì “nặng cân và bụng to”.
Chờ đợi sự đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội nhưng KSV đã “né” nhiều vấn đề mà các luật sư đưa ra. Luật sư Ninh phải “thốt” lên rằng, KSV đã đọc lại bản luận tội nhiều hơn tranh luận và ông yêu cầu người giữ quyền công tố đối đáp cụ thể, không chung chung. Đồng quan điểm, luật sư Quang bày tỏ, nhiều mục mà ông nêu, KSV chỉ trả lời có 1 vấn đề. Dù các luật sư đề nghị tòa tuyên ông Tiếng không phạm tội nhưng đại diện VKSND TP Hà Nội vẫn giữ quan điểm mà VKSND TC đã truy tố đối với ông Tiếng.
Sau khi nghị án, khoảng 19g ngày 26-4-2013, HĐXX quyết định sẽ tuyên án vào sáng 27-4-2013.
Sau ngày xét xử đầu tiên, luật sư Tú, Ninh, Quang đã làm đơn gửi HĐXX, KSV và các cơ quan chức năng, khiếu nại và kiến nghị đối với 1 vị hội thẩm nhân dân (HTND) vì cho rằng, vị này có dấu hiệu không vô tư, khách quan. Các luật sư nêu, sau khi chủ tọa phiên tòa hoàn thành phần xét hỏi đối với ông Tiếng và các nhân chứng. Theo trình tự tố tụng, đến phần hỏi của HTND, 1 vị HTND đã yêu cầu bị cáo Tiếng đứng dậy để trả lời câu hỏi. Nhưng vị này không hề đặt các câu hỏi đối với ông Tiếng mà điềm nhiên quy tội luôn rằng, bị cáo Tiếng là người được giao nhiệm vụ trinh sát trong Chuyên án 609D, làm trinh sát viên thì cũng như làm điều tra viên. Chính vì bị cáo không làm hết chức trách của mình, làm sai, làm quá nhiệm vụ của mình thì mới dẫn đến tình hình như hiện nay, bị cáo nên chuyên tâm cải tạo, tu dưỡng tốt để còn trở về với gia đình… Ngoài những lời trên, vị HTND không hỏi thêm bất kỳ nhân chứng nào khác trong toàn bộ phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại tòa. Luật sư cho rằng, khi bị cáo luôn kêu oan, thời hạn tố tụng bị vi phạm (ông Tiếng bị tạm giam gần 7 năm), có dấu hiệu tráo đổi tài liệu, làm sai lệch hồ sơ vụ án... mà vị HTND quy chụp như vậy là không khách quan. Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 42, 43 BLTTHS, 3 luật sư đã đề nghị HĐXX thực hiện việc thay đổi HTND; yêu cầu giải trình làm rõ động cơ, mục đích của vị này. Trước yêu cầu trên, HĐXX phiên tòa đã tạm nghỉ để hội ý và vị chủ tọa công bố, không đủ cơ sở để kết luận vị HTND không khách quan; tòa tiếp tục làm việc. |
via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/dai-dien-vks-ne-nhieu-van-de-luat-su-dua-ra-1658819.htm Theo Blog.Kenh12.Com