Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

'Dưới ăn chưa no, trên lo chưa tới'


Theo nội dung của chương trình thu mua tạm trữ, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 0% vốn vay để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tạo điều kiện cho người nông dân xoay xở đồng vốn và trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dường như những quy định về nghĩa vụ đi kèm với “quyền lợi 0%” chưa được rõ ràng, thiếu tính minh bạch để nông dân nắm bắt ứng xử.


Tạm trữ lúa gạo: chưa thấy lợi cho người trồng lúa


Điều này dẫn đến việc không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp chủ quan, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước hơn là tự vận động, hoặc có doanh nghiệp “ém thông tin” để thu lợi từ nguồn vốn được vay ưu đãi. Như vậy, mục đích “lợi đôi bề” – cho doanh nghiệp lẫn người nông dân – dường như chưa thể đạt được khi doanh nghiệp có lợi, nông dân vẫn gặp khó khăn.


Dưới ăn chưa no, trên lo chưa tới


Số lượng 1 triệu tấn gạo được mua tạm trữ chỉ chiếm 20% sản lượng gạo còn lại của vụ Đông Xuân. Ảnh: vtv.vn

Bên cạnh đó, lộ trình thu mua tạm trữ vẫn còn nhiều bất cập khi lúa sản xuất ra vẫn còn ùn ứ do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra thời gian thu mua chưa kịp thời. Điều này dẫn đến hiện tượng cung vượt quá cầu chưa được giải quyết, và người chịu thiệt vẫn chính là người sản xuất – chính là người nông dân.


Tuy nhiên, điều đáng nói nhất chính là bài toán “hậu mua tạm trữ”. Theo số liệu từ Thông tấn xã Việt Nam, số lượng 1 triệu tấn gạo được mua tạm trữ chỉ chiếm 20% sản lượng gạo còn lại của vụ Đông Xuân. Nghĩa là 80% sản lượng còn lại vẫn đang còn… nằm ngoài ruộng. Trong khi đó, vụ xuân hè đang đến gần, điều này đặt ra câu hỏi lớn về: i) người nông dân trữ lúa ở đâu?, và ii) nguồn vốn ở đâu để người nông dân tiếp tục sản xuất. Chưa kể, bài học về “được mùa mất giá” vẫn còn ám ảnh người nông dân khi họ phải “bán đổ bán tháo” lo cho cuộc sống, cũng như xoay xở cho vụ mùa tiếp theo.


Như vậy, đối chiếu với mục đích ban đầu, chương trình tạm trữ dường như chưa thành công về mặt thực tiễn khi việc giải cứu sự “ùn tắc” về gạo cũng như cải thiện đời sống người trồng lúa chưa mang về hiệu quả cao.


Ba kịch bản cho sản xuất gạo


Thứ nhất, cần biết rằng quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân chính là quan hệ cung – cầu, thế nên việc Chính phủ điều tiết để đảm bảo lợi nhuận cho cả hai thì “khoảng trống” thâm hụt sẽ do Nhà nước gánh chịu. Thực tế, đây là mô hình mà Trung Quốc đang áp dụng. Chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách thu mua lúa gạo với giá rất cao trong nước. Sự chênh lệch giá tạo điều kiện cho nông dân Trung Quốc thu nhiều lợi nhuận sau thu hoạch, đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Trung Quốc thu lợi nhuận qua hoạt động mua gạo rẻ từ các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam để nhập khẩu. Trường hợp này đòi hỏi Chính phủ phải chi ra một lượng lớn ngân sách nhà nước để đảm bảo lợi cho cả hai. Chính phủ cũng chấp nhận thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, chương trình thu mua gạo của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này cần một lượng lớn lương thực trong nước, đồng thời nền kinh tế quốc gia đảm bảo được sức gồng gánh cho cả hai (doanh nghiệp và nông dân). Việt Nam rất khó thực hiện kịch bản này trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách đang trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.


Kịch bản thứ hai là Nhà nước chú trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu, làm thông thoáng “con đường gạo” từ người nông dân đến nhà xuất khẩu. Nghĩa là khi doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động tốt, lượng hàng tồn nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vấn đề này còn bất cập, điển hình là việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn 0% lãi suất thu mua tạm trữ thời gian qua. Không ít doanh nghiệp dùng tiền hỗ trợ sai mục đích nhằm trục lợi nếu những quy định vẫn chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy dù giá gạo có cao hay thấp thì doanh nghiệp xuất khẩu – với vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng gạo – vẫn dễ có lời. Thế nên nếu Chính phủ chỉ tập trung vào doanh nghiệp, “lợi bất cập hại” sẽ xảy ra.


Kịch bản còn lại diễn ra khi Chính phủ tập trung mạnh mẽ vào người nông dân – mua gạo trữ trực tiếp từ người nông dân với giá cao trong thời gian cho phép (một, hai hay ba vụ tuỳ theo năng lực tài chính quốc gia). Điều này, về mặt lý thuyết sẽ xảy ra một số khó khăn mà điển hình là nguy cơ tổn thương hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hoạt động xuất khẩu gạo sẽ gặp khó k hăn trong năm 2013 do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ lớn như Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, kịch bản này đảm bảo lợi ích trông thấy của người nông dân khi lợi nhuận của họ không mất đi thông qua đối tượng trung gian như thương lái gạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ không ỷ lại vào Chính phủ, tăng cường phát triển khả năng cạnh tranh...


Thiết nghĩ đã tới lúc, Việt Nam nên chú trọng lợi ích hạt gạo vào số đông – người trồng lúa để đảm bảo lợi ích lâu dài cho chuỗi cung ứng gạo Việt Nam.


Theo SGTT







via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/duoi-an-chua-no-tren-lo-chua-toi-1634924.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội