Mặt trước hòn đá lạ.
Dù chỉnh sửa một chữ cũng phải có hồ sơ, tuy nhiên, hòn đá lạ đã được lén lút đưa vào đền Hùng từ gần 4 năm trước, nay mới được phát hiện.
Hòn đá lạ không có trong hồ sơ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: Năm 2009, khi tu sửa khu đền Thượng đã có một doanh nhân công đức hòn đá trên. Việc này do Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông (Hiệp hội Unessco Việt Nam) chứng kiến và làm lễ.
Thường thì các bác ở đây (ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử đền Hùng - PV) sẽ mời pháp sư về làm lễ. Tôi không biết việc đưa hòn đá đó vào đền Thượng đúng hay không đúng, nhưng hòn đá xuất hiện ở đền Thượng là có thật. Thời gian gần đây, rất nhiều người hỏi tôi về ý nghĩa của các dòng chữ trên hòn đá đó, nhưng thú thật là tôi không biết.
“Thứ nhất, đền Hùng vốn dĩ là vùng đất rất linh thiêng, không cần phải yểm. Trên hòn đá có chữ Phạn và chữ Hoa lẫn lộn, nếu làm đúng, nó sẽ mang ý nghĩa quốc thái dân an, nhưng nếu làm sai, nó sẽ rất tệ hại. Trong hồ sơ tôn tạo tu bổ đền Thượng là không có cái đó (hòn đá lạ - PV).
Nguyên tắc là nguyên tắc, tôi lên đây tiếp quản từ năm 2011, hòn đá lạ không có trong hồ sơ, nếu nó có hồ sơ thì không phải là câu chuyện để chúng ta hôm nay phải ngồi với nhau để bàn”, ông Các nói.
Ông Các phân tích thêm: Hiện nay, hồ sơ về đền Hạ, đền Giếng chặt chẽ tới mức sửa một chữ cũng phải đóng dấu. Hoành phi câu đối có 4 chữ, chúng tôi phải thành lập hội đồng xong rồi mời Viện Hán Nôm nghiên cứu, phân tích mới cho in 4 chữ treo lên đó, 4 chữ phải đóng 4 dấu. Khi đóng dấu xong thì thợ mới khắc, thợ khắc xong rồi lại phải lập biên bản thống nhất các nét chữ với nhau.
Các dòng chữ, họa tiết trên đó tôi không biết nó có ý nghĩa như thế nào, nhưng nó chỉ chệch đi một tí là khác rồi. Điều đó thể hiện sự quản lý chặt chẽ và nghiêm minh trong việc chấp hành Luật Di sản.
“Đền Hùng vốn dĩ là vùng đất rất linh thiêng, không cần phải yểm. Trên hòn đá có chữ Phạn và chữ Hoa lẫn lộn, nếu làm đúng, nó sẽ mang ý nghĩa quốc thái dân an, nhưng nếu làm sai, nó sẽ rất tệ hại”. |
“Từ câu chuyện đó, những nhà quản lý cần phải rút kinh nghiệm. Hai năm nay tôi về đây, tôi làm căng lắm, như tháng 2 vừa rồi, tỉnh Phú Thọ có văn bản đề nghị trồng một cây, tôi cũng không cho trồng. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ra đây, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ giao cho Sở NN&PTNT làm quyết định để trồng 1 cây ở đền Thượng, nhưng không bao giờ có chuyện như vậy. Trong quy định thể hiện rất rõ chức vụ nào mới được trồng cây ở đó, trồng ở vị trí nào. Làm thế tức là ép tôi, tôi nói luôn, các ông ép tôi là cây sẽ chết.
Giám đốc BQL đền Hùng Nguyễn Xuân Các.
Tôi làm việc ở đây là những việc tâm linh, trồng cây trước đền là cực kỳ khó khăn. Còn ở vườn cây lưu niệm, mỗi tỉnh chỉ được trồng 3 cây, lãnh đạo trước đã trồng đủ 3 cây rồi thì thôi, làm gì còn chỗ mà trồng nữa. Thời gian gần đây, có người đề nghị công đức bằng cây nến nặng 1 tấn, cao 1,2 mét, nhưng tôi không đồng ý. Tôi khẳng định rằng, bây giờ không có gì có thể mang vào đền Hùng được, trừ hương, hoa”, ông Các nhấn mạnh.
Trước đó (tháng 3/2012), ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc BQL khu di tích đền Hùng khẳng định với phóng viên Tiền Phong rằng: Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: Dù chặt một cành cây cũng phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục.
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/den-hung-dat-thieng-khong-can-yem-1647833.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12