Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Người trẻ phạm tội dưới góc nhìn chuyên gia

TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Xã hội học tội phạm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: "Có học chưa chắc đã sống tốt..."

Trao đổi với báo Người lao động, TS Vỹ cho rằng chúng ta đang thực hiện giáo dục kỹ năng sống chưa hiệu quả. Chưa chỉ ra chính xác cơ quan nào, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.


TS Vỹ nhận định xã hội hiện nay ngày càng phức tạp, tội phạm phức tạp chứng minh cho một xã hội phức tạp. Nếu trước đây, từ ý đồ thực hiện một hành vi nào đó đến tội phạm là một quá trình dài thì hiện nay nó diễn ra rất nhanh, không kịp trở tay. Có những vụ giết người dã man chỉ do một cái “nhìn đểu” hay những mâu thuẫn rất nhỏ.


Một nguyên nhân góp phần dẫn tới hiện tượng này là đời sống của người dân ta còn nghèo nên nhiều bậc phụ huynh phải bươn chải kiếm sống, ít có thời gian dành cho con cái. Phần khác do nhiều bậc phụ huynh quá chiều chuộng con, trẻ “đòi gì được nấy”, dẫn đến việc cha mẹ khó kiểm soát được hành vi, mối quan hệ của chúng.


Chính vì thế, những người trẻ không đủ hiểu biết, thiếu kiên nhẫn, kiềm chế nên hành động nông nổi.


Cũng theo TS Vỹ, trường đại học chỉ đào tạo về chuyên môn, còn kinh nghiệm sống phải trải qua một quá trình ứng xử, giao tiếp và cả những va vấp trên đường đời, cho nên học giỏi chưa chắc đã sống tốt. “Có những người học lực rất tốt, được đào tạo từ những trường đại học hàng đầu, danh tiếng nhưng ứng xử với người khác rất tồi tệ. Vì đâu? Do cái tôi của họ quá lớn, kỹ năng ứng xử, giao tiếp còn hạn hẹp và thiếu sự quan tâm đến những người xung quanh”.


TS Vỹ cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ gặp phải những kẻ cuồng yêu rằng cần phải khéo léo trong việc cắt đứt mối quan hệ vì họ sẵn sàng hành động dại dột, liều lĩnh. Nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân cũng là một phương án tốt để tránh những hậu quả không đáng có.


PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: "Cần xác lập lại niềm tin"


Đánh giá về nguyên nhân chung của người trẻ phạm tội, thầy Sơn cho rằng điểm mấu chốt là do tính ngông cuồng của tuổi trẻ. Đặc biệt tội phạm ngày càng trẻ hóa, hành vi phạm tội ngày càng ghê rợn, tinh vi, phạm vi phạm tội rộng hơn.



Xã hội hiện đại với những thay đổi về giá trị sống, bạo lực gia tăng khiến một bộ phận bạn trẻ không định hình được về lòng nhân ái. Bạo lực có thể xảy ra ngay trong chính gia đình khi bố mẹ không dành đủ thời gian cho con, sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái không diễn ra.


Theo ông, một số người trẻ hiện nay mất niềm tin vào việc giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng. Một vài cá nhân không thực sự tin tưởng vào giá trị nhân văn, chưa đặt niềm tin vào sự công minh của pháp luật do phần nào có suy nghĩ tiêu cực.


Ông Sơn cho rằng việc xác lập lại niềm tin là vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề này và gia đình là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất. Vị giảng viên này khẳng định gia đình phải làm tròn chức năng giáo dục của mình thay vì chỉ giáo dưỡng. Bên cạnh đó, cần trang bị cho con cái những giá trị sống, những kỹ năng sống có liên quan như: quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề…; định hướng cung cách ứng xử hiện đại mang đậm giá trị nhân văn.






via Đời sống giới trẻ - RSS Feed http://2sao.vn/p0c1049n20130419090753673/nguoi-tre-pham-toi-duoi-goc-nhin-chuyen-gia.vnn Theo Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội