Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Còng lưng đẩy cửa mở

Mùa hoa phượng 2013. Ảnh: Q.M.H

Mùa hoa phượng 2013. Ảnh: Q.M.H

>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & Đời sống số 06


Sĩ tử mồ hôi mồ kê chui vào lò để luyện thi. 12 năm đèn sách, ném cả nửa già thời trai trẻ vào ba cấp học để đến hôm nay, như ở Hà Nội có lò luyện nhét 700 em, trời thì nóng như… Sài Gòn.


Thi cử mà như thế, học chỉ để mà thi, chế độ văn bằng của nước ta ngày càng nặng nề, phức tạp. Một khi đã “thương mại hóa giáo dục” thì kỹ năng, kiến thức là cử tạ, phải nâng đủ mấy trăm cân, trừ khi có quả tạ rỗng ruột, bằng thật học giả.


Học sinh đi thi đã đi một nhẽ, trẻ con vào “đại học vỡ lòng”, vào lớp bét (lớp 1) còn gian nan hơn nhiều. Chẳng ai gọi Hà Nội hiện nay là “đất học”, nhưng con số tuyển sinh năm học 2013 của thủ đô thật ấn tượng: 73.500 vào nhà trẻ, 362.250 vào mẫu giáo, 125.400 vào lớp 1, đa số là Heo vàng), 86.000 vào lớp 6, THCS tốt nghiệp 75.400, gần 70.000 được vào THPT. Ai cũng tranh nhau học chính quy, chỉ có 4.200 học từ xa, và trung cấp nghề cả thủ đô có 1.400 học sinh. Người làm thợ thì ít, người làm… gì đó với mớ bằng cấp thì nhiều.


Ở Hà Nội từ mấy chục năm nay có chuyện chọn trường điểm. Đã chọn là phải chạy, đã chạy là phải tiền, phải quen biết, quen cũng phải tiền, “càng quen càng lèn cho đau”. Lắm lúc gian nan chạy trường khiến đầu óc mất thông minh, mụ mị đi. Đành rằng chạy trường thì cả nước đều chạy, nhưng cuộc đua khốc liệt vào trường điểm chỉ có thủ đô. Thức trắng đêm xếp hàng chờ ghi tên cho con như thời bao cấp xếp hàng mua lương thực, thực phẩm. Thậm chí đạp đổ cả cổng sắt để vào ghi tên cho con đi học. Đã thế dù ngành giáo dục không chủ trương thi vào lớp 1 nhưng nhiều trường vẫn cố tổ chức thi, còn có cả lò luyện thi vào lớp 1. Đã có thi, có luyện phải “vấn đề đầu tiên”. Khổ chồng lên khổ, y như mùa mưa thủy điện xã lũ chồng lên lũ.


Tuần qua, ông phó GĐ Sở GD – ĐT Hà Nội trả lời phỏng vấn nhà báo một câu xanh biếc như nụ tầm xuân: “Hà Nội chưa có trường điểm cũng chưa có tiêu chí xác định trường điểm”. Câu trả lời của ông phó GĐ làm bàng hoàng cả thiên hạ. Các anh chị nhà báo xưa nay hay rút tít, dùng từ giật gân, câu khách, gây ấn tượng, lần này bỗng dưng im lặng trước một thực tế “trên cả bàng hoàng”. Hóa ra bấy lâu nay hàng chục vạn cha mẹ học trò dốc hết tiền của, công sức “còng lưng mở những cánh cửa đã mở sẵn”! Cửa đã mở rồi hãy để cho thiên hạ phán xét.


Hẳn chưa ai quên (trừ lớp trẻ) thời chiến có các phong trào “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”. Tất cả mọi người dân còn tuổi trẻ, còn sức lao động đều lao vào cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Ngày ấy còn có cả “ba khoan” (chưa yêu khoan yêu, yêu rồi khoan cưới, cưới rồi khoan đẻ) cũng nhằm một mục đích: Đi chiến đấu. Những năm sau này, nghe nói đoàn TNCSHCM tuyên bố chưa bao giờ phát động phong trào “ba khoan”, còn ai là “tác giả” thì chẳng ai biết, cũng giống như trường điểm ở Hà Nội chăng?


Thôi thì “ba khoan” hãy trả lại cho lịch sử. Cỏ đã xanh, xanh lắm trên Thành cổ Quảng Trị. Nhưng trường điểm liệu có “xanh cỏ” hay không, mong ngành giáo dục Hà Nội hãy trả lời và đi tới bến cho thế hệ “hoa phượng” Thủ đô được nhẹ gánh lên đường xa, còn xa lắm mới tới bến bờ nào đó…


Theo Lao Động






via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/cong-lung-day-cua-mo-1685790.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội