Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

'Lỗ hổng' lớn trong giáo dục



Số 108 báo PL&XH ra ngày 19-5-2013 đã đề cập về vấn đề một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chạy theo những kiểu mốt ăn mặc, chụp ảnh... theo kiểu “lố bịch”. Thực trạng này đã diễn ra trong vài năm trở lại đây và đang có xu hướng tăng nhanh, một điều hết sức nguy hiểm trong nhận thức văn hóa của một số bạn trẻ. Đây là một chủ đề “nóng” đã, đang và sẽ vẫn gây ra nhiều tranh luận giữa các nhà quản lý giáo dục, giữa những chuyên gia xã hội học.


Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, sở thích quái gở này của một bộ phận giới trẻ xuất phát từ sự hội nhập quá nhanh của hệ thống mạng internet cũng như của văn hóa phương Tây. Trong khi đó, nền giáo dục của chúng ta vẫn còn “lạc hậu”, chưa sát thực tế và không thể theo kịp với sự phát triển đời sống kinh tế xã hội thời kỳ mở cửa.


Ngồi trên di tích để chụp ảnh, hành vi biểu hiện sự lệch chuẩn.

Ngồi trên di tích để chụp ảnh, hành vi biểu hiện sự lệch chuẩn.

Thực tế, bất kỳ một đất nước hay một quốc gia nào cũng phải tiếp cận với sự phát triển chung của thế giới. Việc giao lưu về chính trị, thương mại.... tất yếu sẽ kéo theo sự tương tác về văn hóa. Nhưng nó chỉ mang tính chất tác động và hoàn chỉnh thêm cho văn hóa chứ không phải tiếp thu những điều “méo mó” hay hòa tan toàn bộ văn hóa truyền thống của dân tộc. Hơn nữa, những trò “chơi ngông” như vậy của một bộ phận giới trẻ không chỉ đi ngược với văn hóa dân tộc mà cũng không phù hợp với ngay cả văn hóa hiện đại.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, giảng viên khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV nhận định, một bộ phận giới trẻ có những hành động “khác thường” như vậy chủ yếu rơi vào giai đoạn thay đổi tính cách. Sự lỏng lẻo trong quản lý của gia đình cộng với những thiếu hụt về tình cảm khiến cho trẻ rất dễ bị dụ dỗ và bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có “truyền thống” cờ bạc, ma túy thì có đến 90% sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên, chúng ta không thể hoàn toàn trách các em mà nên nhìn nhận và trách chính mình, những người lớn. Bản thân những người lớn, đặc biệt là bố mẹ, phải là tấm gương, sống chuẩn mực về đạo đức cũng như trong văn hóa ứng xử để các em noi theo.


Đồng quan điểm, thầy giáo Vũ Lâm Phong, nguyên Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa số 3 quận Đống Đa, cho rằng, cái gốc phải là giáo dục gia đình. Trước đây, trẻ em được giáo dục khi ra đường đều tỏ ra lễ phép, chào hỏi trước những người lớn tuổi nhưng bây giờ thì không, chúng chẳng coi ai ra gì. Đó là hệ lụy của việc lỏng lẻo trong giáo dục gia đình, không còn được cẩn thận và nghiêm khắc như trước. Với những hiện tượng như ngồi trên mộ Tổ, đứng trên đầu rùa... là lỗi xuất phát ngay từ việc giáo dục con cái của mỗi gia đình. Các bạn trẻ này đã thể hiện rất rõ thói “chơi ngông”, coi thường tất cả mọi thứ chỉ để chạy theo sở thích “quái dị” của mình. Nếu như chúng ta không có những hình thức xử lý nghiêm khắc, hình phạt thích đáng, đến nơi đến chốn thì chắc chắn một số bạn trẻ khác sẽ vẫn tiếp tục làm điều đó. “Trong gia đình có sự giáo dục tử tế sẽ không bao giờ xuất hiện những người con như vậy”, ông Phong nhấn mạnh.


Trong xã hội, rất nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng được rèn luyện và giáo dục tốt từ gia đình nên vẫn trưởng thành và là người có ích cho xã hội. Nhưng cũng có những đứa trẻ sinh ra đã không nhận được sự giáo dục đầy đủ từ gia đình, người bố người mẹ lơ là việc giáo dục, sống không mẫu mực trong cuộc sống khiến chúng dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như: Nghiện hút, cờ bạc...


Có thể thấy, chúng ta đang có “lỗ hổng” khá lớn trong vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Phải chăng đó là do sự du nhập quá nhanh và quá “nóng” của văn hóa phương Tây? Trong khi đó, gia đình, nhà trường và xã hội lại chưa có nhiều ứng xử thích hợp. Đồng thời, xã hội đang tỏ ra “bất lực” trước các hiện tượng này, khi mà không có một hình thức giáo dục hay một sự răn đe nghiêm khắc nào đối với những bạn trẻ đó, những người có sự nhận thức lệch lạc về văn hóa.









PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, giảng viên khoa Xã hội học Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng, có nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhưng chủ yếu vẫn là ba môi trường cơ bản, đó là: Gia đình – nhà trường – xã hội. Trong đó, môi trường giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, nhà trường và xã hội chỉ mang tính chất tương tác và phối kết hợp. Trẻ em rất dễ “bắt chước” những cử chỉ, hành động của người lớn nên chúng ta cần phải sống mẫu mực, tránh có những việc làm “lệch chuẩn”, không phù hợp với văn hóa dân tộc, mà ở đây là văn hóa truyền thống.

Theo PL&XH





via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/lo-hong-lon-trong-giao-duc-1686566.htm Theo Blog.Kenh12.Com

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội