Gặp Mai ở quán cà phê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) với một bên má bầm tím và đôi mắt sưng húp, cô bạn chia sẻ mình mới chia tay với bạn trai sau bốn năm yêu nhau. Dù vẫn còn tình cảm nhưng Mai thật sự thấy sợ hãi và mất lòng tin.
“Tối qua mình đi ăn sinh nhật bạn, điện thoại hết pin nên anh ấy gọi không được. Lúc mình về gần tới nhà thì anh đã đứng đợi ở đầu ngõ, chặn xe mình rồi lao vào tát, đấm. Không tin lời mình giải thích, anh khăng khăng cho rằng mình đi chơi với người con trai khác mới khóa máy” - Mai kể trong nước mắt.
Không chỉ vậy, những lúc nhắn tin hay gọi điện thoại mà Mai lâu trả lời thì người yêu cô cũng quát nạt lớn tiếng, nghi ngờ này nọ rồi hai người xảy ra cãi vã, “chiến tranh lạnh”. Hễ cứ không vừa ý điều gì ở Mai, anh chàng người yêu cũng sẵn sàng “động tay động chân” cho… bõ tức.
Cũng chia tay người yêu như Mai nhưng Quang gặp phải nhiều cảnh dở khóc dở cười hơn khi cô người yêu thích thể hiện trước đám đông. Mới đây, khi nhóm bạn đi hát karaoke, Quang mải nói chuyện không nghe thấy Xuyến gọi bấm bài hát, nàng liền hùng hổ lao tới và tát người yêu mình trước mặt mọi người, xưng mày tao. Bị mất sĩ diện vì cô người không biết tôn trạng bạn trai, Quang đã nói lời chia tay trong sự đồng tình của bạn bè.
Ảnh minh họa
Cần làm gì để tránh bạo lực trong tình yêu?
Sử dụng bạo lực là hành vi nguy hiểm có thể gây thương tích cho đối phương thậm chí thiệt mạng. Vì thế, việc kiểm soát và phòng tránh bạo lực trong tình yêu là vô cùng cần thiết.
“Đánh người yêu là chuyện khó chấp nhận” - đó là ý kiến của Kevin Châu (người Việt định cư tại New Zealand). Cũng theo Kevin: “Tình yêu thật sự là phải trân quý và chăm sóc nhau, đừng mang nắm đấm ra để khiến đối phương sợ hãi, sớm muộn bạn cũng sẽ đánh mất hạnh phúc của chính mình”.
Vậy, nên làm thế nào khi người yêu bạo lực và tránh bạo lực trong tình yêu?
Tôn trọng lẫn nhau:
Theo ý kiến của Nguyễn Thị H.T (12A8 THPT Trần Phú - Móng Cái, Quảng Ninh): "Điều tiên quyết là hai người cần có ý thức tôn trọng lẫn nhau. Gặp vấn đề phải bình tĩnh cùng nhau tìm cách giải quyết. Một khi thực sự tôn trọng nhau sẽ khó xảy ra bạo lực”.
Đặt mình vào vị trí của đối phương:
“Làm gì cũng nên nghĩ đến phản ứng của người kia, đặt mình vào vị trí của đối phương trước khi hành động. Dù sao cũng đừng làm điều quá đáng vì ai cũng biết tức giận. Nếu chuyện không có gì mà người yêu có xu hướng dùng đến bạo lực thì nên chia tay để đảm bảo an toàn cho mình và cũng tránh những điều đáng tiếc” – bạn Phạm Anh T (Lâm Đồng) nhìn nhận.
Kiềm chế bản thân:
Việc kiềm chế bản thân trong cơn tức giận biết là khó nhưng lại vô cùng cần thiết không chỉ trong tình yêu mà cả trong công việc, cuộc sống.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), có rất nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến một người có xu hướng sử dụng bạo lực trong tình yêu như môi trường sống và học tập, gia đình, tiền sử yêu đương trong quá khứ…. Để có thể kiểm soát bản thân và tránh gây ra những chuyện đáng tiếc, cần phải có một số kỹ năng đưa thần kinh về mức cân bằng như uống nước, đếm, tự bấm tay vào da mình hay siết nắm tay. Tìm ra nguyên nhân kiến mình khó chịu và bực tức rồi cùng người yêu tìm cách khắc phục.
Đối với người bị bạo lực, nên xem xét và suy nghĩ kỹ xem mối quan hệ này có đáng để phải chịu đựng hay không. Và đặc biệt cần công khai hóa hành vi của đối phương để bên thứ ba can thiệp (như gia đình hoặc pháp luật) để có thể bảo vệ bản thân.
Theo Đất Việt
via Đời sống giới trẻ - RSS Feed http://2sao.vn/p0c1049n20130507140311198/khi-nguoi-yeu-thich-thuong-cang-chan-ha-cang-tay.vnn Theo Blog Kênh 12