Tài nguyên hang động ở đây đang là động lực để Quảng Bình quảng bá hình ảnh và phát triển bền vững.
Rừng thì ở Việt Nam nơi nào cũng có. Hang động cũng vậy, hễ địa phương nào có núi đá vôi, thì đều có hang động. Từ Nghệ An, Thanh Hoá lên vòng cung Tây Bắc đều có những hang động làm mê say lòng người. Tuy nhiên, hang động ở Kẻ Bàng lại khác lạ với các hang động khác. Nó kỳ vĩ về độ lớn, tráng lệ về thạch nhũ, cầu kỳ về cấu trúc, kỳ lạ về độ dài và kỳ bí về không gian.
GS Nguyễn Quang Mỹ, chủ tịch hiệp hội Hang động Việt Nam nhận xét: “Nhiều năm nghiên cứu về hang động của các vùng karst (đá vôi) khắp đất nước, có thể nói, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Phong Nha một cảnh đẹp tuyệt vời. Những hàng cột nhũ đá lóng lánh bạc, những bộ ngai vàng kim cương, những cụm thạch nhũ hồng tươi trên dòng sông ngầm... Nếu so về độ dài thì Phong Nha – Kẻ Bàng không thể sánh với hang Gió của Mỹ (đến 530km), hay hang Ease Gill của Anh (52km), nhưng không nơi đâu hang động lại kỳ ảo, huyền bí và rực rỡ như Phong Nha – Kẻ Bàng. Người ta nói, đó là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Bất cứ ai cũng vậy, càng khám phá, càng bất ngờ.
Mỗi đợt tìm kiếm, các nhà khoa học Anh đều tuyên bố phát hiện từ 15 – 40 hang động mới.
Như một giấc mơ
Có một quá trình 23 năm tìm kiếm hang động ở Kẻ Bàng, Howard Limbert, trưởng đoàn khám phá hang động Anh đang có mặt tại Quảng Bình nhận xét: “Chúng tôi tìm kiếm ở đây như một giấc mơ. Nghĩa là mỗi năm tìm kiếm, bạn đều có những phát hiện hang động mới để tuyên bố trước thế giới, bổ sung một nguồn lực hang động vô giá cho con người hiểu thêm về một góc của vỏ trái đất ở xứ nhiệt đới này”.
Hồ sơ 23 năm khám phá đã đưa lại gia tài độc đáo về hang động cho Quảng Bình và Việt Nam. Từ hang Phong Nha vào thời điểm được UNESCO phong tặng danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới lúc mười năm trước, thế giới đã kinh ngạc ở vùng đất cằn cỗi này lại có một không gian rực rỡ địa mạo địa chất với bãi đá ngầm cổ nhất, bãi cát ngầm đẹp nhất, dòng sông hang dài nhất... Nhưng khi các chuyên gia chứng thực có hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới ở vùng đất hẹp nhất của Việt Nam, đã làm thế giới một lần nữa ngả mũ kính chào trước vùng đất đá vôi đồ sộ của Kẻ Bàng này.
Sau 23 năm tìm kiếm, các chuyên gia hang động của nước ngoài đã ghi nhận đến 300 hang động lớn nhỏ, chủ yếu bằng ba hệ thống hang gồm: hệ thống hang Phong Nha, hệ thống hang Vòm và hệ thống hang Chày. Tổng cộng có hơn 153km hang động được đo vẽ bằng dẫn liệu của hệ thống định vị vệ tinh. Nó càng độc đáo hơn nữa, khi các hệ thống này gần như chạy song song với đường 20 – Quyết Thắng giữa rừng già Phong Nha. Một hệ thống phía trên không với 16km có 20 hang động xen kẽ, dài hàng chục kilômét, hệ thống hang dưới nước với đường hang chủ đạo là Khe Ry dài đến 18km. Chúng bổ trợ cho nhau để thoát lũ vào mùa mưa.
Các chuyên gia khuyên chúng tôi hãy để ý rằng, hệ thống hang ở đây chứa trong lòng nó những bảo quản không gian tối từ hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu năm trước, hoàn toàn không có tác động nào, rất ít thay đổi. Đó là một hệ thống không gian rất cổ mà con người mới khám phá trong hơn hai chục năm qua. Đó là giấc mơ để Quảng Bình bật lên như chàng “Thánh Gióng” trong tài nguyên phát triển du lịch.
Cho dân hưởng lợi
Chị Nguyễn Thị Vững ở Sơn Trạch đang luôn tay dọn món thức ăn cho hàng chục du khách ghé quán ăn trưa. Quán của chị đã mở được mười năm nay, có bốn nhân viên phục vụ và khách chủ yếu là người đi tham quan hang động. Không ai biết mười năm trước, gia đình chị Vững rất vất vả, họ đi lên từ mái nhà lá, rồi xây được nhà hàng khang trang, với giá cả không “chặt chém”, nên khách ngày mỗi đông. Nhờ vậy mà gia đình chị đã nuôi được con cái vào đại học, xây được nhà hai tầng. Cũng nhờ hang động mà nhiều gia đình khác ở đây đã tự nguyện chuyển đổi nghề từ “lâm tặc” sang làm dịch vụ ăn uống, nhà hàng với nguồn thu nhập ổn định.
Du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình ngày càng nhiều bởi tài nguyên hang động như bất tận.
Ông Nguyễn Văn Hoà, bí thư Đảng uỷ xã Sơn Trạch, cho biết người dân xã Sơn Trạch hưởng lợi rất lớn từ ngày hệ thống hang động ở Kẻ Bàng được nêu danh và ngày một nổi tiếng. Ở các xã lân cận như: Phúc Trạch, Xuân Trạch, hay chính vùng trung tâm đón khách Sơn Trạch, hiện có nhiều người dân làm các dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn, đến ăn uống, mở công ty tư nhân đón khách. Nhiều lớp thanh niên đã không bám rừng mưu sinh như cha anh họ trước đây mà đã tham gia chở khách bằng thuyền du lịch, hoặc vào hang động chụp ảnh dạo với thu nhập khá ổn định. Theo thống kê của huyện Bố Trạch, địa phương này có hơn 20.000 người trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ hệ thống hang động, đó là con số đáng khích lệ và như một câu chuyện cổ tích. Các vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình xem dịch vụ du lịch hang động là động lực phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần đưa “giấc mơ” độc đáo này ngày càng gắn kết với người dân.
Mười năm là di sản, Phong Nha – Kẻ Bàng có nhiều việc phải làm, nhưng nét đẹp của hình ảnh di sản này vẫn là hấp lực cuốn hút các du khách trong và ngoài nước. Tất cả các du khách đến đây, họ đều phải chi trả các chi phí từ ly càphê, đến suất ăn, phòng ngủ, chai nước, dịch vụ thuê người gùi thồ, thuyết minh du lịch, đi thuyền bè, hoặc chi trả cho việc thưởng thức các món hải sản hoặc các món ăn địa phương... Tuy nhiên, đó chỉ là nguồn lợi trước mắt. |
Theo SGTT
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/phong-nha-muoi-nam-nhu-mot-giac-mo-1683903.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12