Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Qua chuyện 'mắm tôm' bàn về những hành vi tương tự


Có ý kiến cho rằng, việc định tội “Làm nhục người khác” đối với bà chủ quán bán thịt chó khiến họ băn khoăn. Nhân chia sẻ của bạn đọc, PV xin mở rộng câu chuyện dính đến “mắm tôm” này.


Từ chuyện của bà chủ hàng thịt chó…


Sau bài báo về bị cáo Nguyễn Thị Minh Huyền, SN 1983, trú tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội, chủ hàng bán thịt chó gần khu Lăng Quang Trung, xã Ngọc Hồi, báo PL&XH nhận được nhiều ý kiến của độc giả. Bà chủ hàng thịt chó phải đứng trước vành móng ngựa khi hắt mắm tôm vào cán bộ thi hành công vụ.


Theo đó, ngày 26-9-2012, tổ công tác liên ngành gồm lực lượng CA, quản lý thị trường, y tế của xã Ngọc Hồi và huyện Thanh Trì đi kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn xã, đã yêu cầu các hộ phải tháo dỡ phần lều, lán lấn chiếm; trong đó có cửa hàng của Huyền. Bị cáo kê bàn ghế dưới lòng đường, bày bán thịt chó sống. Tổ công tác thu chiếc bàn đưa lên ô tô, Huyền cùng 2 người trong nhà chạy ra giật lại. Không lấy lại được tài sản, Huyền lấy xô nhựa đựng mắm tôm hắt vào Tổ công tác. 7 cán bộ đã bị dính mắm tôm vào người. Vì phút “cả giận mất khôn”, Huyền phải trả giá 1 năm tù về tội “Làm nhục người khác”. Tòa các cấp nhận định, bà chủ hàng thịt chó phải chịu nhiều tình tiết tăng nặng (phạm tội đối với nhiều người, phạm tội với người thi hành công vụ) nhưng được xem xét giảm án vì nuôi con dưới 36 tháng tuổi.


Sau phiên phúc thẩm của TAND TP Hà Nội, PV trở lại nhà Huyền hỏi chuyện. Trong cái nắng trưa gay gắt, anh Đông, chồng Huyền “đánh vật” với cái máy quay nước mía. Từ ngày Huyền vướng vào vụ án, hai vợ chồng nghỉ bán thịt chó, họ đổi nghề. Huyền (được tại ngoại vì nuôi con dưới 36 tháng tuổi) chuyển sang bán hàng đa cấp, lương tháng hơn 2 triệu đồng. Anh Đông bán nước mía, ngày được khoảng 70 nghìn đồng. Hai vợ chồng thu nhập chỉ chừng ấy mà phải “gánh” 7 miệng ăn (trong đó có 2 con nhỏ). Cuộc sống chật vật, Huyền kháng cáo, mong được giảm án nhưng bị HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Cho rằng, bị tuyên án nặng quá, Huyền tính làm đơn kiến nghị mong TAND TC xem xét lại các bản án.


Bị cáo Nguyễn Thị Minh Huyền tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị Minh Huyền tại tòa.

Đòi tiền không được, dùng mắm tôm… “rửa hận”!

Gần 1 tháng sau vụ việc của Huyền, hai người đàn ông khác cũng dùng mắm tôm như “vũ khí” để tấn công một thương gia Nhật Bản. Đó là Phạm Quang Chiến, SN 1978, quê Quảng Ninh và Đào Văn Minh, SN 1980, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.


Đáng nói, Chiến và Minh không có “ân oán” với ông Makoto Ikejiri, mà là anh Vũ Văn Bằng, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, cách đây khoảng 10 năm, anh Bằng hợp tác với ông Makoto Ikejiri. Do mối quen biết từ lâu, tháng 2-2012, ông Makoto Ikejiri nhờ anh này giúp thành lập Cty tại Việt Nam và hứa trả lương 3.000 USD/tháng. Anh Bằng đã nhiệt tình giúp ông Makoto Ikejiri thuê địa điểm để làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Nhưng khi Cty của vị này được thành lập, anh Bằng đòi lương, ông Makoto Ikejiri không trả.


Anh Bằng đem hậm hực này kể cho Chiến và rủ cùng đến gặp ông Makoto Ikejiri đòi tiền. Đòi không được, khoảng 8 tháng sau, Chiến tìm gặp ông Makoto Ikejiri tiếp tục “truy nợ” nhưng thương gia “ủy quyền” cho bạn gái, chị Trần Thị Doan, trao đổi với Chiến. Chị này nói rằng, vấn đề tiền nong không phải việc của chị. Bức xúc trước thái độ ấy, Chiến nảy sinh ý định trả thù. Tối 23-10-2012, biết ông Makoto Ikejiri và chị Doan bay về Nhật Bản, Chiến rủ Minh tới sân bay Nội Bài, Hà Nội. Khi đi, Minh cầm theo lọ mắm tôm. Đến khoảng 23g30 cùng ngày, khi chị Doan và ông Makoto Ikejiri bước xuống xe ôtô, Minh chạy tới tát 2 cái vào mặt chị Doan rồi hắt lọ mắm tôm vào 2 người.


“Rửa hận” xong, Chiến, Minh đào tẩu và bị truy nã. Vừa qua, Chiến ra đầu thú và CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Chiến, Minh về hành vi gây rối trật tự công cộng.



Hành chính hay hình sự?


Ở hai vụ án trên, hành vi hắt mắm tôm đã rõ nhưng vấn đề định tội danh thế nào cho tương xứng lại được độc giả quan tâm. Với vụ án của bà chủ hàng thịt chó, anh Hữu Hưng, trú tại Hà Nội, bày tỏ, hành vi của Huyền chỉ đáng phạt hành chính; nếu có tội, hình phạt cũng chỉ dừng ở án treo cũng đủ sức răn đe. Độc giả này còn băn khoăn về tội danh, xử Huyền tội “Làm nhục người khác” có phù hợp? Còn với vụ án của Chiến, Minh, chị Nguyễn Hiền, trú tại Hưng Yên, cho rằng, căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi gây rối trật tự công cộng cần được cân nhắc lại.


Với những ý kiến của bạn đọc, PV đã có cuộc trao đổi với các luật sư để tìm hiểu kỹ hơn về việc định tội với những hành vi dính đến thứ “vũ khí” này.


Trong vụ án trên, nếu quy kết, Minh, Chiến có hành vi gây rối trật tự công cộng thì các cơ quan tố tụng cần chứng minh được, việc Minh hắt mắm tôm vào ông Makoto Ikejiri, chị Doan gây ồn ĩ, ảnh hưởng đến trật tự chung. Nếu không đủ căn cứ thì có thể xem xét hành vi làm nhục người khác. Khác với vụ án của bị cáo Huyền, trường hợp này, ông Makoto Ikejiri, chị Doan là những cá nhân cụ thể. Nếu có căn cứ chứng minh họ bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể xem xét tội này.


Như vậy, cùng là hành vi hắt mắm tôm nhưng trong những tình huống cụ thể, với những con người trong các vai trò khác nhau lại cấu thành những tội danh không giống nhau. Thực tế cho thấy, nhiều người sử dụng mắm tôm như một thứ “vũ khí” gây án đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng không ít quan điểm cho rằng, không nhất thiết phải “đẩy” họ vào vòng lao lý, chỉ xử phạt hành chính cũng đủ sức răn đe, giáo dục.


Trong vụ án của Chiến, Minh, luật sư Phạm Thanh Tùng, Đoàn LS TP Hà Nội, đồng quan điểm với độc giả Nguyễn Hiền. Ông Tùng bày tỏ, Điều 245 BLHS nêu rõ, người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới phạm tội này.


Qua chuyện mắm tôm bàn về những hành vi tương tự

Cụ thể, hành vi gây rối trật tự công cộng là xâm hại trực tiếp đến trật tự chung, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của mọi người ở nơi công cộng; có trường hợp gây rối còn gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của những người trong cơ quan Nhà nước và xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng. Vậy thế nào là hành vì gây rối? Là người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự; hành vi sỉ nhục, đánh gây thương tích nhẹ… và chỉ có thể coi là phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” nếu hành vi đó ảnh hưởng đến trật tự chung.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Điều 121 BLHS quy định, khách thể của tội “Làm nhục người khác” là xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự cá nhân. Mặt khách quan của tội này thể hiện ở hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự của nạn nhân. Đó là cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công cộng.
Qua chuyện mắm tôm bàn về những hành vi tương tự

Việc xúc phạm thể hiện bằng lời nói (chửi rủa, xỉ nhục nơi đông người) hay những hành động có tính chất bỉ ổi (lột truồng, xé quần xé áo nạn nhân để bêu riếu…). Cần lưu ý, sự xúc phạm nhân phẩm, danh dự ở mức độ nghiêm trọng thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự và phải xem nạn nhân có bị tổn thương danh dự, uy tín đến mức nhận thấy bị nhục hay không. “Bị cáo Huyền hắt gần 1kg mắm tôm vào những người thi hành công vụ đã đủ cấu thành tội “Làm nhục người khác” hay chưa? Tôi cho rằng, hành vi của bà chủ quán thịt chó có dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ” thì xác đáng hơn. Tội này quy định, người thi hành công vụ trực tiếp, xâm phạm hoạt động bình thường, đúng đắn của cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan, tổ chức đó” – ông Thơm cho hay. Luật sư Thơm phân tích, tổ công tác (bao gồm cán bộ CA huyện Thanh Trì, CA xã Ngọc Hồi, Ban quản lý thị trường, Trạm Y tế xã Ngọc Hồi) không phải là những người mang danh nghĩa cá nhân, họ đại diện cho tổ chức nên không thể bị làm nhục.

Theo PL&XH





via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/qua-chuyen-mam-tom-ban-ve-nhung-hanh-vi-tuong-tu-1684491.htm Theo Blog.Kenh12.Com

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội