Tai nạn giao thông đường bộ luôn là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm. Hàng loạt quy định, chính sách liên quan nhằm hạn chế những tác nhân gây ra tai nạn đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng đưa ra như quy định xử phạt đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá quy định, nghiêm cấm và xử phạt nặng đối với hành vi bán mũ bảo hiểm giả, xử lý vi phạm đối với các xe chở quá tải.... Và một quy định khác mà ít người quan tâm, đó chính là việc quảng cáo trên phương tiện giao thông.
Đây là nguồn thu không nhỏ của một số đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là các hãng taxi.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quảng cáo “ngộ nghĩnh” trên các loại xe tải, xe chuyên dụng... của một số đơn vị. Nhưng quy định quảng cáo như thế nào lại là vấn đề mà nhiều người dân chưa thực sự được biết.
Vi phạm Luật Quảng cáo của thương hiệu Taxi 3A ...
Kể từ khi có hiệu lực (ngày 1-1-2013), Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 thể hiện sự thông thoáng hơn trong việc xin cấp giấy phép quảng cáo cũng như những quy định liên quan đến quảng cáo trên phương tiện giao thông. Ngày 3-1-2013, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL đã có văn bản số 04/VHCS-QCTT hướng dẫn về việc tổ chức và triển khai thực hiện Luật Quảng cáo. Theo đó, bãi bỏ việc cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng biển, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di dộng khác.
Trước đây, việc quảng cáo trên phương tiện giao thông bắt buộc phải có giấy phép của Sở VH-TT&DL. Không những thế, việc quảng cáo này cũng cần phải có sự đồng ý của Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT). Đó chính là giấy thỏa thuận quảng cáo trên phương tiện cơ giới đường bộ.
Theo luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, sở dĩ có 2 đơn vị quản lý về vấn đề này bởi giấy thỏa thuận quảng cáo của Sở GTVT mang tính chất xác nhận vị trí được phép quảng cáo cũng như diện tích được phép quảng cáo, nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ. Còn giấy phép của Sở VH-TT&DL sẽ xác định rõ nội dung quảng cáo, hình ảnh quảng cáo có phù hợp với các quy định theo pháp lệnh quảng cáo.
Đã gần 6 tháng trôi qua, những chồng chéo và mâu thuẫn trong văn bản của các Bộ liên quan đến vấn đề thực thi luật quảng cáo như Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL và Bộ GTVT vẫn đang là “trở ngại”, chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể nào được đưa ra. Ví dụ, Luật Quảng cáo thì bãi bỏ giấy phép quảng cáo nhưng trong mục d, khoản 4, Điều 33 của Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại quy định mức phạt từ 2 – 4 triệu đồng đối với hành vi “vẽ, dán quảng cáo trên xe không đúng quy định”. Các đơn vị vận tải sẽ dựa vào đâu để chứng minh họ đang vẽ, dán quảng cáo trên xe theo đúng quy định? Vô hình trung, Luật Quảng cáo và Nghị định 71 đang có mâu thuẫn, cản trở việc thực thi. Đó là “khó khăn” cần tháo gỡ của một số đơn vị kinh doanh vận tải.
Song song với điều đó, một số đơn vị lại vi phạm quy định trong Luật Quảng cáo nhưng lại không hề bị các cơ quan chức năng “sờ tới”. Qua tìm hiểu của PV, một số xe taxi thuộc thương hiệu Taxi 3A (Taxi Group) đang quảng cáo cho “Toyota Thanh Xuân” ở ngay đằng sau xe. Mặc dù không cần giấy phép quảng cáo nhưng điều này đã vi phạm Điều 32 của Luật Quảng cáo về quảng cáo trên phương tiện giao thông, cụ thể: “1.Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông; 2. Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, lô-gô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”.
Hình thức quảng cảo này của Taxi 3A đã và đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô trong vài tháng trở lại đây nhưng lại không có một cơ quan chức năng nào quan tâm và có biện pháp xử lý. Bởi, đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến người điều khiển phương tiện bị “phân tâm”, dễ gây ra tai nạn giao thông đường bộ.
Mặt khác, những giấy tờ pháp lý liên quan đến điều kiện tổ chức và thực hiện quảng cáo cũng như hợp đồng hợp tác với đơn vị khác trong lĩnh vực quảng cáo trên phương tiện giao thông của Taxi 3A cũng cần được làm rõ. Ngày 22-5, PV đã liên hệ để phản ánh và đề nghị có lịch hẹn làm việc với lãnh đạo Taxi Group. Ngày 23-5, một nữ nhân viên của Taxi 3A đã điện thoại cho PV nhưng rất tiếc là lãnh đạo Cty đang đi vắng nên chưa thể sắp xếp được buổi gặp gỡ và trao đổi về vấn đề này.
Báo PL&XH sẽ tiếp tục liên hệ với Taxi Group và các cơ quan chức năng để thông tin sớm đến quý độc giả. Rất mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp và phản ánh của độc giả về vấn đề quảng cáo trên phương tiện giao thông đường bộ, một hoạt động liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, thông qua email bvntieudung@phapluatxahoi.vn
via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/quang-cao-tren-phuong-tien-giao-thong-vi-pham-tuong-nho-ma-hau-qua-khong-nho-1686481.htm Theo Blog.Kenh12.Com