Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với ĐB Dương Trung Quốc và ĐB Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thắng Ngọc.
Cảm xúc của ông ra sao sau khi bỏ lá phiếu của mình?
Phải nói thật rằng băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều nhưng lúc lâm việc thì rất nhanh. Tôi thấy mọi người đều bỏ phiếu rất nhanh. Cái lo lắng nhất khi vào cuộc là trách nhiệm.
Rất nhiều người đã nói, đây là cuộc bỏ phiếu kép. Chúng tôi cũng hồi hộp không kém những người được lấy phiếu là xem kết quả có được người dân, các cử tri của mình chia sẻ hay không? Mặc dù cử tri cũng có suy nghĩ rất khác nhau, ngay những người tôi biết cũng có ý kiến đôi khi ngược nhau. Nên tôi nghĩ cuối cùng mình vẫn phải quyết định.
Ông có cảm nhận được tâm lý khá e dè, lo lắng của người được lấy phiếu?
Tôi nghĩ không thể không e dè, lo lắng được. Bởi dẫu sao đây cũng là lần tác động trực tiếp đến sự đánh giá cho mỗi người. Nhất là những nhà lãnh đạo ở những vị trí rất cao thì lâu nay chắc chưa quen chuyện này. Nhưng tôi cho là sẽ quen dần thôi. Đó chính là biểu thị xu thế dân chủ. Nhưng dân chủ cũng là một kỹ năng, cần một quá trình, kể cả phương pháp thực hành, cách suy nghĩ và trách nhiệm của người ĐBQH.
Đến lúc quyết định bỏ phiếu thì ông đã thỏa mãn với thông tin mình có được chưa?
Chính cá nhân tôi cũng rất băn khoăn. Nhưng cuối cùng không phải là cảm tính mà mỗi đại biểu phải tự cảm nhận và đi đến quyết định. Nếu đặt trách nhiệm cao thì mỗi đại biểu sẽ có quyết định đúng đắn.
Trong các trường hợp lấy phiếu thì có trường hợp nào ông phải cân nhắc, đắn đo khi quyết định không?
“Tôi nghĩ không thể không e dè, lo lắng được. Bởi dẫu sao đây cũng là lần tác động trực tiếp đến sự đánh giá cho mỗi người. Nhất là những nhà lãnh đạo ở những vị trí rất cao thì lâu nay chắc chưa quen chuyện này”. |
Cũng có nhiều chứ. Tôi cho rằng những hiện tượng, áp lực xã hội tác động rất mạnh vào tâm lý mọi người. Tôi lấy ví dụ vấn đề giao thông. Không biết ngẫu nhiên hay không mà mấy hôm nay dồn dập những sự kiện (vụ TNGT nghiêm trọng- PV) như thế.
Tuy nhiên, chúng ta cần cái nhìn tỉnh táo, khách quan. Đây là vấn nạn lớn, kéo dài từ lâu, liên quan đến nhiều bộ trưởng chứ không chỉ mình bộ trưởng GTVT. Cho nên mình phải cân nhắc, lấy tinh thần khích lệ những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bởi người ta còn có những cơ hội khác, có thể lần lấy phiếu sau chúng ta sẽ có nhận thức đầy đủ hơn.
Ngoài vấn đề giao thông, ông còn băn khoăn với lĩnh vực nào nữa trước khi bỏ lá phiếu của mình?
Mỗi bộ trưởng phụ trách một mảng, tư lệnh một ngành. Nhưng hiệu quả đến xã hội thì liên đới đến nhiều ngành khác nhau. Ví như, mâm cơm của người dân liên quan đến cả bộ trưởng Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Như vậy để thấy, trước khi đánh giá chúng ta cần tinh thần chia sẻ và xây dựng rất cao.
Thông tin thì nhiều, nhưng ở đây cần tính quyết đoán của ĐBQH. Quyết đoán ở đây chính là chịu trách nhiệm đối với việc mình làm một cách nghiêm cẩn. Còn thông tin chính thống hay không chính thống thì cũng là thông tin. Do vậy, việc xử lý thông tin là quan trọng nhất.
Ông có dự đoán và bình luận gì về kết quả không?
Tôi không bình luận. Tôi chỉ muốn nói rằng, đây là lần lấy phiếu đầu tiên. Chúng ta phải nghiêm túc. Dẫu sao khi làm xong, tôi cũng thấy nhẹ nhõm là điều phải làm chúng ta đã làm.
Nếu trường hợp công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đều rất cao thì ông suy nghĩ sao?
Vấn đề là tôi kiểm nghiệm xem kết quả có khớp với mình không. Tại sao lại nghĩ phiếu thấp mới là tốt. Chúng ta phải hết sức khách quan và người dân sẽ chia sẻ với sự khách quan như thế. Tôi nghĩ lần lấy phiếu này sẽ để lại một dấu ấn rất sâu sắc đối với các ĐBQH tham gia.
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/dai-bieu-quoc-hoi-duong-trung-quoc-mot-xu-the-dan-chu-1702654.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12