Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Không có dấu tích của kẻ thứ hai


Nhận là mắc bệnh tự kỷ nhưng Nguyễn Tố Như, SN 1974, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội, khá hoạt ngôn khi trình bày trước tòa. Bị cáo thừa nhận, có đánh anh Nguyễn Ngọc Thắng, SN 1987, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội; nhưng nói đó chỉ là vài cái tát, đấm vào mặt. “Bị cáo chỉ có hành vi cố ý gây thương tích chứ không hề giết người” – Như quả quyết.


Nhưng nữ kiểm sát viên, VKSND TP Hà Nội, khẳng định, đầu giờ chiều 15-6-2011, Như ngồi uống rượu ở một quán vỉa hè gần hồ Thiền Quang. Sau đó, gã đi vào nhà tròn trong công viên Thống Nhất tìm chỗ ngả lưng. Lúc ấy, anh Thắng cũng đang nằm ở ghế đá trong công viên. Thấy ghế đá bên cạnh không có ai ngồi, Như tiến đến. Ít phút sau, anh Thắng sang chỗ Như xin tiền, Như cho 5.000 đồng.


Nếu chỉ có vậy sẽ không xảy chuyện, đằng này, anh Thắng lại quấy rầy Như, còn chọc ghẹo đôi trai gái trong công viên. Nghĩ bị xin đểu lại bị làm phiền, Như đấm rồi dùng tay túm tóc đập đầu anh Thắng vào cột nhà tròn trong công viên. Khi anh Thắng gục ngã, Như giật lại 5.000 đồng trước đó đã cho nạn nhân. Tối cùng ngày, một số người phát hiện anh Thắng bị trọng thương nên báo CQCA. Anh Thắng được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi vì tổn thương não nặng.


Bị cáo Như tỏ ra hoạt ngôn khi trình bày trước tòa.

Bị cáo Như tỏ ra hoạt ngôn khi trình bày trước tòa.

Giai đoạn điều tra, Như thừa nhận đã đánh khiến anh Thắng tử vong. Nhưng ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu, bị cáo phản cung, không thừa nhận túm tóc đập đầu anh này vào cột nhà tròn. Lần xử này cũng vậy, Như giữ nguyên thái độ. Bị cáo luôn miệng thao thao khiến phía bị hại bất bình. Cảm thông với hoàn cảnh của mẹ con Như, họ không đề nghị bồi thường, cũng đề nghị tòa “giơ cao đánh khẽ” nếu Như thật sự ngộ ra sai lầm. Bỏ ngoài tai lời chị gái của anh Thắng, Như phủ nhận cáo buộc của VKSND TP Hà Nội. Chuyện anh Thắng chết, Như cho rằng, có thể do người có tên Đạt, Hải “con”.

Sự “láu cá” của Như khiến kiểm sát viên cất giọng hỏi: “Bị cáo mắc bệnh tự kỷ thì chỉ ru rú ở trong nhà sao lang thang ở công viên, giao du với bao người như thế?”. Nữ cán bộ quả quyết, lời khai của Như bất nhất. Giai đoạn điều tra, bị cáo nói, không hề đánh anh Thắng. Giờ lại khai là có tát, đấm vài cái vào mặt nạn nhân. Thậm chí, hồ sơ vụ án có lời khai rằng, Như từng tâm sự với cô bạn gái tên Trang, đã đánh anh Thắng và rất lo sợ anh bạn lang thang chết. Quá trình lấy lời khai với sự có mặt của luật sư bào chữa cho bị cáo, Như khai, đã túm tóc anh Thắng và đập đầu...


Như chẳng vừa, thẳng thừng cãi kiểm sát viên rằng, anh Thắng cắt đầu cua thì làm sao bị cáo có thể tóm được tóc. Nghe bị cáo nói vậy, vị chủ tọa đã cho Như và những người dự tòa xem bức ảnh của nạn nhân, tóc anh Thắng lúc ấy khá dài. Bức ảnh rõ mồn một, Như nín lặng.


“Bị hại sức khỏe yếu mà bị cáo đấm, tát vào mặt có thể gây nguy hiểm cho anh Thắng hay không?” – vị thẩm phán hỏi, Như quanh co rồi cuối cùng cũng phải đáp: “Có ạ!”.


Bà Nguyễn Thị Hà, làm tại công viên Thống Nhất, cho hay, từ khi bà của anh Thắng mất, anh này không còn chỗ dựa. Là chỗ họ hàng, bà Hà chỉ có thể chăm ăn, tối tối, anh này lại tìm ghế đá công viên ngả lưng. Về số tiền anh Thắng mang theo trong người trước khi vụ án xảy ra, bà Hà nói, khi bà tắm cho Thắng, bà sờ trong túi quần thấy có 50 nghìn đồng và vài đồng tiền lẻ. Người phụ nữ cho hay, anh ta hay rượu và nát rượu nên người lúc nào cũng như “cua bấy”. Khẳng định cháu mình yếu, bà Hà cho biết thêm, tắm cho anh Thắng xong, bà bảo cháu lên ghế nằm thì anh Thắng đòi nằm dưới sàn vì bị choáng.


Có lời tương tự, đại diện cho bị hại trước tòa, chị gái của anh Thắng, nói, sức khỏe của em trai mình không tốt. Có bận, chị đưa em trai đi khám phải “bơm” ít rượu thì anh Thắng mới chịu cất bước đến BV.


Còn Như, gia cảnh cũng chẳng sáng sủa hơn. Người mẹ già đeo cặp kính lão bồn chồn suốt phiên xử. Mẹ Như chia sẻ, bị cáo đã lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình vì mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ. Như suốt ngày lủi thủi ở nhà, không ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Hơn 1 năm trước, bà động viên con mở lòng, đi đây đó giao du; không ngờ, Như lại gây họa.


Cho rằng, tâm lý Như không bình thường, luật sư Đinh Nhung, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nói, khoảng 10 năm, Như tự nhốt mình trong nhà và gần 1 năm nay mới bỏ đi lang thang. Bà Đức, mẹ Như, cũng không thể chịu nổi tính khí bất thường của cậu con trai. Như thường đập phá đồ đạc, đêm đến là gào thét; thậm chí, tự hành hạ bản thân (đấm đá vào tường nhà).


Về vụ án, luật sư khẳng định, nhiều điểm chưa được các cơ quan tố tụng làm rõ. Cụ thể: VKSND TP Hà Nội kết luận, Như túm tóc và đập đầu anh Thắng vào cột nhà tròn là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Nhưng ngoài lời khai của bị cáo, không có bất kỳ thông tin, chứng cứ nào chứng tỏ Như đã thực hiện hành vi trên. Ngay cả chị Huyền, nhân chứng duy nhất chứng kiến sự việc ẩu đả giữa Như và anh Thắng, tại tòa cũng khẳng định, chỉ thấy Như dùng tay không đấm hoặc tát vào mặt anh Thắng. Như còn có lời khai rằng, sau khi đánh anh Thắng, Như cảm thấy áy náy đã quay lại nhà tròn và thấy Thắng đang nằm uống bia. “Chúng tôi đã dàn hòa với nhau và cùng uống hết chai bia. Thấy tình hình anh Thắng đã ổn định và không có gì nguy hiểm, tôi đã chia tay anh ấy và quay lại hồ Thiền Quang ngồi uống nước” – Như khai.


Luật sư lý giải, Như không hề có mục đích tước đoạt sự sống của anh Thắng; thực tế cũng không có những hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.


Ngoài ra, sau khi đánh anh Thắng, trong 3 tiếng đồng hồ sau, có nhiều người tiếp xúc với bị hại, trong đó có người tên Đạt và Hải “con”. Tại biên bản trao đổi ngày 17-6-2011, khi anh Thắng được đưa đi cấp cứu, bị hại có khai: “Chúng nó xin đểu, cháu không cho nên chúng nó đánh”. Điều này đồng nghĩa với việc, phải có từ 2 người trở lên đánh anh Thắng.


Vậy, người có tên Đạt, Hải “con” có liên quan hay không vẫn chưa được làm rõ. Sau khi được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu cho đến khi tử vong, trên người anh Thắng không còn bất cứ một đồng nào. Trong khi đó, ngoài 5.000 đồng anh Thắng bị Như lấy lại thì bị hại vẫn còn 14.000 đồng (tiền thừa khi mua 3 chai bia). Vấn đề ở đây: “Ai là người đã lấy số tiền còn lại của anh Thắng?” – luật sư thắc mắc và yêu cầu HĐXX làm rõ những tình tiết mờ.


Nhưng HĐXX nhận định, đủ cơ sở để khẳng định Như phạm tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Vụ án không có dấu hiệu của kẻ thứ 2 gây án. Tòa tuyên phạt Như mức án 23 năm tù cho 2 tội. Gia đình nạn nhân không yêu cầu bồi thường nên tòa không xét vấn đề này. Trước đó, giai đoạn điều tra, mẹ Như đã thay con đưa cho bà Hà khoảng 3 triệu đồng để lo ma chay cho anh Thắng.


Vị chủ tọa vừa dứt lời tuyên án, khuôn mặt mẹ của Như biến sắc. Bà Đức lập cập chạy theo con trai ra xe chở phạm nhân mặc cho cơn mưa té tát.


Theo PL&XH





via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/khong-co-dau-tich-cua-ke-thu-hai-1716802.htm Theo Blog.Kenh12.Com

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội