“Treo” tất cho…công bằng
Do cha có mâu thuẫn cự cãi với anh Hà Văn Chiến ở cùng thôn Tỉnh Thủy (xã An Hòa, huyện An Dương, TP Hải Phòng), chiều 27/4/2009, Bùi Văn Tới đã tới nhà anh Chiến chửi bới một chập. Không thấy Chiến bắt lời, Tới liền điện thoại cho nhóm chiến hữu gồm Đoàn Văn Thùy, Đào Ngọc Tuyền, Nguyễn Văn Chiến và Phạm Văn Hải ở xã bên kéo đến dằn mặt anh Chiến.
Công an huyện An Dương bắt giữ các đối tượng tại một “trường gà” ở xã Đại Bản cuối năm 2011.
Cả nhóm mang theo 2 thanh kiếm kéo tới nhà anh Chiến. Anh Chiến sợ hãi chạy vào trong nhà đóng chặt cửa. Nhóm Tới liền lấy gạch đá phang tới tấp vào căn phòng anh Chiến ẩn nấp rồi phá cửa buồng ập vào đấm đá, vung kiếm chém cho tới khi nạn nhân gục xuống mới bỏ đi.
Theo kết quả giám định pháp y, anh Chiến bị chấn thương sọ não với 2 vết chém ở đầu, đa chấn thương ở vai, ngực, làm giảm 15% sức khỏe.
Sau khi gây án, Tới và Thùy bị bắt, còn 3 đồng phạm là Hải, Chiến, Tuyền bỏ trốn. Phiên tòa sơ thẩm ngày 29/1/2010, TAND huyện An Dương nhận định vụ án có tính chất nghiêm trọng, các bị cáo đã dùng hung khí nguy xâm phạm sức khỏe người khác, gây mất ANTT là hành vi “côn đồ hung hãn”. Mặc dù tòa đánh giá Tới có vai trò cao nhất nhưng chỉ tuyên phạt 3 năm tù treo, Thùy 2 năm tù treo về tội cố ý gây thương tích.
Nhưng, trong phiên xử ngày 14/5/2010 đối với ba bị cáo bỏ trốn sau đó ra đầu thú, tòa huyện An Dương lại tuyên phạt Hải 3 năm tù, Chiến và Tuyền cùng mức án 2 năm 6 tháng tù giam. Ba bị cáo Hải, Chiến, Tuyền kháng cáo vì cho rằng mình bị án tù là quá nặng trong khi Tới và Thùy được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/7/2010, TAND TP Hải Phòng nhận định tòa huyện xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, nhưng cho rằng mức án của tòa huyện dành cho 3 bị cáo “có phần nghiêm khắc so với bị cáo khác trong cùng vụ án”. Tòa TP tuyên đã giữ nguyên mức án tòa sơ thẩm nhưng cho Hải, Chiến, Tuyền được hưởng án treo như hai chiến hữu Tới và Thùy.
Phòng xử án TAND TP Hải Dương một ngày đầu tháng 8/2010 diễn ra phiên xử vụ cướp tài sản. Ba tên cướp người Hải Phòng còn khá trẻ là Đặng Duy Minh (SN 1986), Hoàng Văn Luân (SN1988) và Vũ Đức Lâm (SN 1991) tỏ ra ăn năn, ngược với bản tính hung hãn khi ra tay ăn cướp. Minh và Luân đã dùng bình xịt hơi cay, súng colt Trung Quốc gây ra 3 vụ cướp xe máy. Còn Lâm đang là sinh viên một trường cao đẳng nghề, được đồng bọn rủ rê cùng nhập cuộc.
Tối 14/3/2010, Lâm đi xe máy chở Minh và Luân mang theo bình xịt hơi cay, súng colt lượn lờ ở khu vực Hải Dương “săn” những người đi xe ga đắt tiền. Theo phân công, khi gặp con mồi, Lâm sẽ áp sát để Luân xịt hơi cay vào mặt nạn nhân, còn Minh nhảy qua cướp xe chạy.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị ra tay cướp chiếc xe Nouvo Lx ở cầu Phú Lương thì tổ tuần tra công an xuất hiện. Công an truy đuổi trên đoạn đường dài, bắt gọn 3 tên cướp với đầy đủ hung khí chuẩn bị gây án.
Đứng trước tòa, 3 bị cáo thừa nhận bị truy tố về tội cướp tài sản theo Điểm d Khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự là đúng (sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm), chỉ đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Thẩm phán Nguyễn Thị Yến đánh giá, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của công dân, gây mất trật tự xã hội nên cần xử một cách nghiêm khắc mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe.
Thế nhưng, kết thúc phiên xử, tòa tuyên phạt bị cáo Minh 4 năm tù, bị cáo Luân 3 năm 6 tháng tù, riêng bị cáo Lâm được xử tù treo 33 tháng, 56 tháng 20 ngày thử thách.
Căn cứ xử Lâm tù treo được Tòa đưa ra là sau khi bỏ trốn Lâm đã tự thú, khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu; dù tham gia cướp tài sản nhưng bị cáo có nhân thân tốt, có nơi ở rõ ràng nên cho hưởng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục. Thẩm phán chủ tọa công bố trả tự do cho bị cáo Lâm ngay tại tòa, giao cho UBND xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng giáo dục.
Huyện có gần 130 án treo
Tương tự, trên địa bàn huyện An Dương còn có 5 người phạm tội cướp, cưỡng đoạt tài sản khác có mức án từ 12 đến 30 tháng tù được tòa án cho hưởng án treo, gồm: Bùi Văn Hiếu (ở xã Nam Sơn), Nguyễn Duy Thắng (xã Bắc Sơn), Phùng Văn Lập (xã Tân Tiến), Lê Văn Hanh (xã An Hòa) và Trần Thái Hùng (xã An Đồng).
Theo thống kê của cơ quan chức năng, huyện An Dương hiện có tới 123 người phạm tội được hưởng án treo. Dẫn đầu là các xã An Hòa với 23 trường hợp, xã An Đồng 20 trường hợp, xã Hồng Phong 15 trường hợp.
Trong đó, ngoài những trường hợp phạm tội cướp còn có hàng chục trường hợp phạm tội đánh bạc, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt cóc đòi nợ thuê cũng được hưởng án treo. Có những trường hợp được hưởng án treo về tiếp tục hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc, thậm chí buôn bán trái phép chất ma túy…
Theo một cán bộ công an, việc những đối tượng phạm tội nghiêm trọng được tòa hưởng án treo không chỉ ảnh hưởng tới công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn mà còn gây mất lòng tin của người dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tội cướp hầu như không được hưởng án treo Luật sư Trần Hồng Lĩnh (Đoàn Luật sư Hải Phòng) cho biết theo quy định của pháp luật, nếu người phạm tội có 4 yếu tố mức án dưới 3 năm, có 2 tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt và không có điều kiện tiếp tục phạm tội (già yếu, bệnh tật) thì có thể được tòa xem xét cho hưởng án treo. “Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra, xét xử tội cướp và cưỡng đoạt tài sản là những tội đặc biệt nguy hiểm cho xã hội hầu hết đều không được tòa cho hưởng án treo. Hiện nay, tình trạng tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng, việc để những người phạm tội cướp cải tạo ngoài xã hội có thể sẽ tái diễn tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”-luật sư Lĩnh nói. |
via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/loan-an-treo-1701606.htm Theo Blog.Kenh12.Com