Bởi, đằng sau cái sự đa thê ấy, không phải là hạnh phúc mà là những cay đắng, bẽ bàng chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu…
Đa thê dễ có mấy người?
Ở cái thời xa xưa, cảnh chồng chung vợ chạ được coi là bình thường. Nhưng theo thời thế, con người tiến bộ về suy nghĩ, hành xử. Cùng với quy định của pháp luật về chế độ một vợ, một chồng, những chuyện ngoại tình, cảnh đa thê bị xã hội lên án, đàm tiếu. Tuy nhiên, thực tế cũng không hiếm gặp cảnh một chồng có 2 vợ, có người công khai, có kẻ giấu giếm. Nhưng, thế cũng chưa phải là điều gì ghê gớm, khi bản thân người viết đã gặp 2 ông chồng có tới 3 và 6 vợ…
Người đàn ông thứ nhất mới ngoài 40 tuổi, đang sống hòa thuận (dù đó là vẻ ngoài) với 3 bà vợ, mở Cty kinh doanh bất động sản, kinh tế khá giả. Ngôi biệt thự 4 tầng rộng thênh thang nằm trong một con ngõ rộng đủ 2 chiếc ôtô tránh nhau. “Biệt phủ” của người đàn ông 3 vợ này được bao bọc bởi một bức tường rào thép gai kiên cố, những thành viên trong gia đình hầu như chẳng tiếp xúc, chuyện trò với hàng xóm, thỉnh thoảng cánh cổng sắt mở chỉ đủ để chiếc ôtô con từ trong nhà phóng vụt ra, rồi lập tức khép lại.
Sinh hoạt trong ngôi nhà của người đàn ông này cũng theo kiểu “gia đình trị”, người nào biết phần việc của người ấy, không tranh cãi, tị nạnh, không “vạch áo cho hàng xóm xem lưng”. Chính vì vậy, ở cạnh “biệt phủ” đó rất lâu, tôi và hàng xóm mới biết được chút chuyện của gia đình người đàn ông này. Bí mật lộ ra từ cô vợ 3 tên Ngân, 25 tuổi, gái quê nhưng rất xinh xắn. Ngân là “bà út” nên đảm nhiệm vai trò chợ búa, cơm nước, giặt giũ. “Bà hai” tên Nhàn làm nhiệm vụ trông coi, chăm sóc 4 đứa nhóc và quán xuyến nhà cửa. “Bà cả” tên Tuyết, 30 tuổi được anh Bảo cho đứng tên làm GĐ Cty bất động sản, thay chồng điều hành Cty. Theo lời Ngân thì cả 3 cô vợ trước đây đều là nhân viên làm trong Cty của Bảo. Vì muốn có chỗ đứng yên ổn nên các cô chấp nhận về chung một nhà, chấp nhận phân thứ bậc, đồng lõa với anh ta trong cuộc sống đa thê…
Người đàn ông thứ hai, tên Thành, đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cái sự nhiều vợ và tài điều hành một gia đình khổng lồ của ông khiến nhiều thanh niên phải chạy dài ngưỡng mộ. Nghe đâu ông Thành trước cũng là một người có vai vế ở một hãng truyền thông lớn. Ở cái vị trí nhiều người mơ ước đó, ông có nhiều quyền hành, khiến nhiều người đẹp sẵn sàng lao vào ông để “dựa hơi”. 6 bà vợ được ông lần lượt rước về nhà, ngoan ngoãn sinh đẻ cho ông gần chục đứa con. Ông Thành xây 6 căn nhà quây quần quanh thổ đất gần nghìn m² của ông, để các bà có chỗ ra vào.
Ai cũng phục tài cai quản gia đình của ông Thành, vì mấy chục năm sống chung một chỗ, ra vào nhìn thấy nhau, cùng chia sớt tình cảm của một người chồng, nhưng lạ lùng là hàng xóm không thấy 6 bà vợ đánh chửi nhau vì ghen tuông bao giờ. Còn ông Thành, mỗi khi xuất hiện trước mọi người, đều tề chỉnh lắm, miệng lúc nào cũng tươi cười mãn nguyện. Có lẽ, ông lấy làm hãnh diện cho cái sự sung túc, nhiều vợ lắm con của mình, trong cái “đại bản doanh” của mình, ông Thành tựa như một vị tướng lĩnh uy quyền…
Nỗi niềm người trong cuộc…
… Tuyết khóc nức nở, khi bị CA tra tay vào còng số 8, dẫn giải về đồn. CQĐT kết luận Tuyết chủ mưu chiếm đoạt tiền của người lao động, nhưng đến tận lúc CA lấy khẩu cung, Tuyết vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô chỉ là GĐ bù nhìn kí giấy tờ, còn mọi chuyện đều một tay Bảo sắp đặt. Đến lúc bị bắt, Tuyết mới biết Cty cô đứng tên đang chiếm đoạt gần chục tỷ đồng của người lao động…
Tuyết bị kết án 10 năm tù giam, còn Bảo thì ung dung tại ngoại, nhưng anh ta chẳng mấy khi ở nhà. Ngôi biệt thự thênh thang giờ chỉ còn “bà hai, bà ba” và mấy đứa trẻ. Thỉnh thoảng Ngân xuất hiện ngoài chợ với đôi mắt trũng sâu, buồn thăm thẳm. Gặng hỏi chuyện, Ngân sụt sùi: “Nếu không thương mấy đứa trẻ, em cũng chẳng ở lại cái nhà này làm gì. Ai cũng tưởng chúng em sung sướng, nhưng nào có phải thế đâu. Không nghề nghiệp, không bằng cấp, chấp nhận làm “bé” để kiếm chỗ trú chân, giờ có con cái rồi, mình chán mà bỏ đi thì ai nuôi chúng?”. Rồi Ngân kể về những đêm dằn vặt, tủi thân khi chồng nằm cạnh các bà vợ khác, rồi thì ngấm ngầm đua tranh để lấy lòng chồng, để giành giật tình cảm. Tuy nhiên, do Bảo quán triệt: “Muốn có chỗ dung thân tự biết bảo nhau, đừng để hàng xóm cười”, vậy là Tuyết, Ngân, Nhàn cứ lặng lẽ sống, mãi rồi quen, mỗi người “mặc kệ” cuộc sống của nhau, cốt sao yên thân mình, chấp nhận cho rằng im lặng là cách vớt vát chút danh dự cho đời đàn bà chung chồng…
…Lại nói về gia đình ông Thành, ông và 6 bà vợ chấp nhận nhường nhịn nhau, nhưng các con của ông thì không chịu cắn răng nhường nhau mọi sự. Chúng chẳng bao giờ có thể ngồi với nhau quá 15 phút, trừ khi bị ông Thành bắt buộc, hay khi phải cười cợt để qua mắt hàng xóm. Tháng rồi, ông Thành chuẩn bị cưới vợ cho con trai cả, cậu này không muốn tiếp tục sống chung “một ổ” với bố mẹ và các em, nằng nặc đòi ra ngoài. Ông Thành lấn cấn mãi, rồi cũng quyết định mua cho con trai bà cả một cái nhà. Nhưng, 5 bà vợ kia, cùng các con ông Thành nhất định không chịu, lời qua tiếng lại thế nào mà mấy thanh niên xông vào đánh nhau đến chảy máu đầu.
Đến nước này, thì các bà vợ của ông Thành cũng chẳng chịu nín nhịn nhau nữa, người nào cũng muốn bênh con mình, thế là cãi nhau ỏm tỏi như chợ vỡ. Bao chịu đựng dồn nén, ấm ức mấy chục năm, các bà được dịp xả ra hết. Nào là chuyện ứng xử, chuyện tiền bạc, cả chuyện “chung đụng” với ông Thành…
Những đoạn kết buồn…
Sau bữa đó, người ta thấy gia đình ông Thành không còn cái vỏ bọc “trên kính dưới nhường” như cũ. Các bà vợ công khai ngấm nguýt nhau, các con ông Thành thỉnh thoảng lại lôi nhau ra cãi cọ, đỉnh điểm là “choảng” nhau tới số. Thằng cả làm đám cưới rồi bỏ ra ngoài thuê nhà, bà cả cũng khăn gói theo con trai. Bà hai thì xin phép về quê ít hôm… Mỗi khi ra ngoài, ông Thành không còn cái vẻ chỉn chu, xênh xang, mãn nguyện như trước. Mái tóc ông bạc hơn và đôi mắt ông trũng xuống, nặng trĩu ưu tư.
Còn câu chuyện về gia đình Bảo, dù hẩm hiu, nhưng vẫn chưa thể viết lên hồi kết, khi Tuyết còn ở trong tù, Ngân, Nhàn vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” tiếp tục cảnh sống chung chạ, để tìm những tháng ngày không phải lo cơm áo, gạo tiền. Ai biết chuyện cũng không khỏi chép miệng băn khoăn “không biết cái gia đình đa thê này sẽ tồn tại ra sao?”. Cuối cùng thì ai cũng rõ, những chốn đa thê, không phải là nơi hạnh phúc. Bởi đằng sau sự ham hố, lòng tham chiếm hữu và cuộc sống tình dục chung chạ, sẽ là những nỗi buồn, day dứt không thể sẻ chia.
“Đa thê” là chế độ hôn nhân đi ngược với luật pháp, với luân thường đạo lý. Đa số những người hiện đại không ai chấp nhận cảnh “chồng chung vợ chạ”. Những người đàn ông đa thê như anh Bảo, ông Thành không phải là nhiều. Thông thường, đàn ông chỉ thích “ăn phở” bên ngoài, bởi không mấy ai dũng cảm chịu trách nhiệm với cùng lúc nhiều vợ, nhiều con. Những người phụ nữ chấp nhận làm lẽ thường có mục đích về tiền bạc, địa vị, chỗ ăn ở, phần khác là để đáp ứng nhu cầu dục vọng. Thường thì những gia đình đa thê không bền vững, trừ khi người đàn ông nhiều vợ đó hoặc là có rất nhiều tiền, hoặc rất có quyền uy. Những thành viên trong gia đình đa thê, đều không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn và ít nhiều bị xâm hại quyền cá nhân” (Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quỳnh Nga – GĐ Cty Tư vấn Đầu tư và Phát triển con người Nhật Minh) |
via Pháp luật - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/noi-niem-o-chon-da-the-1720015.htm Theo Blog.Kenh12.Com