Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hoang mang bún bẩn, bún sạch

Nhiều cửa hàng bán bún tươi, bánh canh ế ẩm sau tin bún nhiễm chất độc. ảnh: L.N.

Nhiều cửa hàng bán bún tươi, bánh canh ế ẩm sau tin bún nhiễm chất độc. ảnh: L.N.

Ế ẩm


Từ mỗi ngày sản xuất 3 tấn bún, bán và bỏ mối cho các siêu thị nhưng gần một tuần nay, cơ sở sản xuất bún tươi Kiều Trang ở quận Gò Vấp, TPHCM chỉ sản xuất được chưa tới một tấn.


“Sau khi có thông tin bún nhiễm chất tinopal gây ung thư, người dân è dè với bún, vì vậy việc sản xuất chỉ cầm chừng”- bà Phạm Thị Trang, chủ cơ sở phàn nàn. Người này cho biết rất mong cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ đâu là bún sạch, đâu là bún bẩn để trả lại quyền lợi cho những người làm ăn chân chính.


Bà Hồ Thị Hảo, ở ấp Vườn Trầu, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TPHCM hơn một tuần nay rầu rĩ vì lượng bún, hủ tiếu sản xuất ra bán cầm chừng. Mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất 500kg hủ tiếu, cung cấp sỉ ở các chợ khu vực huyện này nhưng mấy hôm nay, theo bà Hảo, lượng bán đã sụt giảm.


“Tôi làm hủ tiếu đen nên tôi không dùng chất tẩy. Hầu hết những người làm hủ tiếu trắng mới dùng chất tẩy và chất làm sáng. Vậy mà mình cũng vạ lây”- bà Hảo nói. Ông Vui, chủ một lò bún tại “phố” Lò Bún ở khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 mỗi ngày làm 2-3 tấn nhưng nay chỉ làm 500kg.









Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức bảo vệ môi trường Hoa Kỳ thì các chất làm trắng quang học có khả năng gây độc cho con người là các hợp chất dẫn xuất từ aminotriazine và stilbene. Các chất này ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của con người.



Trong khi các cơ sở sản xuất bún tươi, bánh canh, bún gạo… ế ẩm thì các tiểu thương bán ở chợ cũng than trời. “Trước đây cứ 8-9 giờ sáng là tui bán sạch 50kg bún nhưng mười ngày nay chỉ lấy 20kg mà bán tới chiều cũng không hết”- bà Hải bán bún tươi ở chợ Tân Mỹ, quận 7 cho biết.


Các tiểu thương bán bún, bánh canh ở chợ Tân Định, quận 1 cũng kêu trời vì chịu ảnh hưởng của bún bẩn. “Một tuần nay lượng bún bán ra giảm hơn 50%, ai mua cũng hỏi bún có đảm bảo không”- một tiểu thương ở chợ Tân Định nói.


Nhiều tiểu thương bán các loại bún tươi, hủ tiếu, bánh canh, bánh phở ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cùng chung tình trạng ế ẩm. Ông Đào Sĩ Long- Phó Ban quản lý chợ Tân Định, quận 1 cho biết hiện trong chợ có 14 sạp bán bún tươi, bánh canh… đều có địa chỉ sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thông tin bún nhiễm chất huỳnh quang tẩy trắng nên sức mua những ngày qua giảm rõ rệt.


“Cam kết”… muộn


Hôm qua, 29/7 Sở Y tế và Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức cuộc họp cùng với các cơ sở sản xuất bún có thương hiệu ở TPHCM để yêu cầu các cơ sở ký cam kết không sử dụng chất độc tinopal trong bún.


Một lò sản xuất bún ở Bạc Liêu. Ảnh: k. phượng.

Một lò sản xuất bún ở Bạc Liêu. Ảnh: k. phượng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái này là không cần thiết bởi đến thời điểm này các cơ sở sản xuất vẫn cho rằng “sản phẩm của mình luôn sạch”. “Vấn đề còn lại là lâu nay các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm tra các cơ sở sản xuất như thế nào, chứ không phải đến khi mất bò mới lo làm chuồng”- chuyên gia xin giấu tên này nói.


Khác với việc công kích đơn vị công bố bún bẩn là Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng ở cuộc họp lần trước, hôm qua bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết đã công khai thông tin các cơ sở sản xuất sạch.


Bà Đào cho biết, đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra và phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra theo đoàn và đột xuất, hậu kiểm các cơ sở sản xuất.


“Hiện toàn TPHCM có 201 cơ sở sản xuất bún tươi, và trong 6 tháng đầu năm đã xử lý 17 trường hợp do không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. “Một số siêu thị cũng đã cam kết kiểm tra mẫu từ đầu vào”- bà Đào nói và cho biết các cơ sở sản xuất cũng đăng ký sử dụng bao bì, mẫu mã và cam kết không dùng chất huỳnh quang tẩy trắng.


Kết quả kiểm tra từ Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM trong tháng 7 vừa qua cũng cho thấy 7/7 mẫu bún nhiễm chất quang học còn có hai mẫu khác chứa acid oxalic, chất cấm dùng trong thực phẩm và chất bảo quản, tẩy trắng.


Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM, các cơ sở kinh doanh thực phẩm biết được chất phụ gia nào được dùng và bị cấm nhưng vẫn làm ngơ cho vào thực phẩm vì hám lợi, bất chấp gây ra mối nguy sức khỏe cho người tiêu dùng.


Theo Tiền Phong Online






via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/hoang-mang-bun-ban-bun-sach-1752551.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội