Hệ thống phòng chức năng kèm theo sân vận động vắng lặng. Ảnh: Minh Tuấn.
Ông nói “gà”, bà nói “vịt”
Sau khi Tiền Phong đăng bài “Hà Nội xây SVĐ cấp huyện chục triệu USD”, chúng tôi trở lại làm việc với lãnh đạo Trung tâm TDTT và UBND huyện Hoài Đức. Ông Nguyễn Trí Bình, Giám đốc Trung tâm TDTT phân bua rằng, nhà thi đấu và sân vận động của huyện Hoài Đức chỉ là hạng mục rất bình thường, chỉ có thể tổ chức giải bóng đá cấp huyện và không thể tổ chức được các giải thi đấu cấp quốc gia. “Cùng lắm là tổ chức được giải bóng đá sinh viên thôi”-ông Nguyễn Trí Bình nhấn mạnh.
Để chứng tỏ SVĐ Hoài Đức chất lượng “bình thường”, ông Bình dẫn ra ví dụ: Hôm trước, ở hàng ghế khách mời, nhiều người đã bị sơn từ ghế phai ra dính đầy vào áo, khiến nhiều người nói vui là “ông Bình đánh dấu cả khán giả”.
“Nhìn bên ngoài sân vận động đúng là cũng hoành tráng nhưng bên trong có gì đâu. Đường Pit có phải chất dẻo tổng hợp đâu, ghế nhựa vớ vẩn, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá về bảo thi đấu giải quốc gia nhưng sân này không được đâu, chỉ cho giải sinh viên thôi. Bóng đá nữ về đá cũng không được, chỉ tập tạm thời thôi. Sàn nhà thi đấu chỉ là sàn cao su ấy mà...”. |
Dẫn nhóm PV đi thực tế tại nhà thi đấu và SVĐ, ông Bình luôn miệng nói, tất cả đều bình thường thôi, mặt sân bình thường, nhà thi đấu bình thường. “Đúng là nhìn bên ngoài thì cũng hoành tráng thật nhưng bên trong có gì đâu”-ông Bình tiếp tục phân trần. Dù là giám đốc trung tâm nhưng ông Bình một mực khẳng định bản thân không biết gì về quá trình đầu tư, xây dựng, vốn đầu tư là bao nhiêu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Hoài Đức lại cho rằng, SVĐ đạt tiêu chuẩn quốc tế 1 sao, mặt cỏ nhân tạo, mái che với khán đài A 4.000 chỗ ngồi. Nhà thi đấu cũng được đầu tư khá hiện đại với 2.000 chỗ ngồi và chỉ riêng hệ thống loa thôi đã có giá lên tới 7 tỷ đồng!
Thực tế, ngay cửa vào SVĐ cũng treo tấm biển khá lớn: Sân cỏ nhân tạo đạt tiêu chuẩn FIFA 1 sao! Trong buổi làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức thừa nhận không chỉ có khán đài A hơn 3.500 chỗ ngồi đã xây dựng hoành tráng, mà theo quy hoạch được duyệt SVĐ này còn có cả khán đài B quy mô lớn, đã chuẩn bị đất nhưng chưa xây dựng. Ông Nuôi cho hay, việc xây dựng nhà thi đấu, SVĐ quy mô lớn là nhằm vừa đáp ứng yêu cầu của người dân địa phương, vừa thu hút người dân nội thành ra đá bóng, chơi thể thao.
Huyện Hoài Đức “xé rào”?
“Việc đầu tư xây dựng trung tâm hiện đại là tính cho cả tương lai, vì huyện Hoài Đức đang được quy hoạch lên quận. Xây dựng trung tâm hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu thể dục thể thao cho người dân trong huyện mà trong tương lai còn phục vụ cả giải thể thao của thành phố, quốc gia”. |
Trở lại Quyết định 3743 ngày 29/10/2010 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Sân vận động - Trung tâm VHTT huyện Hoài Đức do Phó Chủ tịch UBND huyện Đàm Văn Thông ký, PV Tiền Phong không khỏi bất ngờ, vì cũng chính tại văn bản này lại ghi rất rõ: “Mục tiêu đầu tư xây dựng: Phục vụ nhu cầu thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện, thi đấu và tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao trong toàn huyện”. Về loại và cấp công trình, quyết định này cũng ghi rõ là công trình dân dụng cấp III.
Trong văn bản tham gia ý kiến về quy mô công trình do Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Quang Long ký cũng yêu cầu thực hiện quy mô công trình, kích thước các sân thể thao phù hợp “Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 287: 2004 ban hành kèm theo Quyết định số 12/2004 của Bộ Xây dựng”. Theo tiêu chuẩn này, với sân bóng đá cấp III yêu cầu kỹ thuật gồm: Mặt đất tự nhiên được san phẳng và có độ dốc thoát nước mưa trên mặt... Vậy liệu có tình trạng huyện Hoài Đức “xé rào” trong đầu tư hay không? Đây là điều rất cần cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ.
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/huyen-hoai-duc-co-xe-rao-dau-tu-vu-svd-tram-ty-1752563.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12