Bà Dung (thứ ba từ trái sang) với cổ vật vừa vớt lên từ con tàu đắm Bình Châu. Ảnh: Trần Tuấn.
Ngửi đồ cổ
Năm 1991 của thế kỷ trước, dân chơi đồ cổ Sài Gòn xôn xao vì những món hàng độc vừa được ngư dân “âm thầm” vớt lên từ con tàu cổ Thái Lan bị đắm tại khu vực Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang). Hàng ngàn cổ vật bằng gốm men ngọc, men thúy lam, men nâu thuộc dòng gốm Sawankhalok và Singburi (Thái Lan) thế kỷ 15 đã bị ngư dân vét sạch, trước khi Nhà nước kịp can thiệp. Cả xác con tàu cổ dài 5-6 chục mét cũng chỉ còn sót lại vài mảnh ván.
Cùng con gái tại điểm khai quật tàu đắm Bình Châu Chi phí xả mặn, ngâm tẩm, bảo dưỡng con tàu to lớn này sơ tính phải ngốn hàng chục tỷ đồng, nhưng thuận lợi là Cty Đoàn Ánh Dương và bà chủ mê tàu đắm sẵn sàng đáp ứng theo phương thức “xã hội hóa”. Để Việt Nam lần đầu tiên có một tiêu bản xác tàu cổ nhất và hoàn chỉnh nhất được trưng bày. |
Khi ấy vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, cô gái 28 tuổi quê Đức Phổ (Quảng Ngãi) Võ Thị Hạnh Dung không hiểu sao bị hút ngay vào “nghề” chơi rất kén người này. Ban đầu cũng chỉ tìm cách mua lén những món lẻ tẻ của ngư dân mang lên thành phố, rồi đem bán lại cho phố đồ cổ Lê Công Kiều để mưu sinh. Khi ấy rẻ lắm, mỗi món đồ đâu chỉ trên dưới 20 ngàn đồng. Nhưng rồi mỗi lần cầm lên những chén đĩa, tô, hũ gốm xanh biếc men ngọc, đẹp quá thấy tiếc, nên hai vợ chồng cứ giữ lại dần, dù cuộc sống lúc ấy còn lắm chật vật. Cái bảo tàng tư nhân chuyên bày cổ vật dưới đáy biển rộng tới 50ha trên đảo Phú Quốc như đang thực hiện bây giờ, chắc đôi vợ chồng trẻ tha hương khi ấy không hề tưởng tượng tới.
Lập gia đình từ năm 1983 với chàng trai cùng làng Đoàn Sung, sớm sinh con, cô gái xinh xắn Hạnh Dung mở một tiệm may nhỏ ở quê nhà để có thời gian chăm sóc con cái. Những tưởng an phận thêu thùa vá may, nhưng cuộc đời rẽ ngoặt khi năm 1990 đôi vợ chồng trẻ ôm con Nam tiến.
Đi theo cái nghề đến một cách tình cờ, hai vợ chồng bắt đầu dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về đồ cổ, chủ yếu đồ vớt dưới biển. Từ thời ấy đồ cổ làm giả đã tràn lan. Nhiều thứ cổ quái nhìn tưởng như đã ngủ quên cả nửa thế kỷ dưới đáy biển, nhưng kỳ thực vừa được người ta vớt lên từ… hồ nuôi tôm, cá mú, sau khi gắn vào đó đủ thứ xác hàu, vụn san hô. Có nhiều cách phân biệt giả thật, nhưng ít ai nghĩ ra cách… ngửi đồ cổ như cô gái miền biển Quảng Ngãi. Bởi mùi tanh của bùn dưới hồ tôm khó giấu vào đâu được. Chưa kể phải biết vùng biển nào có san hô, vùng nào không, để xác định chính xác lớp vỏ bên ngoài cổ vật...
Cù Lao Chàm - 10 năm vương nợ
Những năm 1997-1999 tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) diễn ra cuộc trục vớt cổ vật quy mô nhất từ trước tới nay từ một con tàu đắm. Với kinh phí bỏ ra trên 6 triệu USD, có sự tham gia của các chuyên gia khảo cổ của Anh và Việt Nam, nhà đầu tư là Cty Saga Horizon (Malaysia) phối hợp với Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal (Việt Nam) đã đưa lên bờ đến 240 ngàn cổ vật gốm Chu Đậu (Hải Dương) từ thế kỷ 15. Trước đó nhiều năm ngư dân đã phát hiện và lặn vớt trộm hàng ngàn cổ vật. Có tư nhân ở Đà Nẵng bị bắt giữ tới trên 1.500 cổ vật Cù Lao Chàm mua bán trái phép.
Người đàn bà mê tàu đắm (bìa phải) .
Cú đầu tư này khiến Saga Horizon chịu lỗ lớn. Để lại sâu 72m dưới đáy biển Cù Lao Chàm xác con tàu cổ bằng gỗ tếch dài gần 30m, rộng 7,2m với 19 khoang lớn gần như còn nguyên vẹn. Con tàu bỗng trở thành sức hút mạnh với vợ chồng bà Dung. Với cặp vợ chồng này, đam mê lớn nhất, còn hơn cả đồ cổ, đó là cái “thú” được khám phá chinh phục những con tàu đắm. Sau khi được nhà nước cấp phép khai quật con tàu cổ Cù Lao Chàm, Cty Trục vớt cứu hộ và Kinh doanh nhà Đoàn Ánh Dương ra đời. Ánh Dương là tên cô con gái đầu của hai người. Bà Dung làm giám đốc, còn chồng giữ vai trò “ông cố vấn”.
Đó là năm 2003. Quả là liều lĩnh, khi trước đó nhà đầu tư nước ngoài với hàng trăm chuyên viên, thợ lặn chuyên nghiệp với máy móc phương tiện hiện đại còn gặp khó, huống gì nay lặn vớt theo lối thủ công, với độ sâu “khủng” như vậy. Ngoài những thợ lặn thuê từ Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra, hiếm có thợ lặn nơi nào “chịu” được độ sâu tới 72 mét. Cũng lạ, những ngư dân vốn ngang tàng như những sói biển, vậy nhưng, lại “chịu phép” một người đàn bà chân yếu tay mềm.
Bà Dung bảo, gắn hai chữ “cứu hộ” vào tên công ty là có ý cả. Vì với điều kiện sóng gió biển cả Cù Lao Chàm miền Trung luôn khắc nghiệt, thất thường, nên không chỉ trục vớt, mà còn nhiều phen ra tay cứu hộ cứu nạn những tàu bè, ngư dân gặp nạn trên biển. Nhớ hồi cơn bão lịch sử tháng 10/2006, Cù Lao Chàm bị cô lập hoàn toàn. Lương thực trên đảo cạn kiệt nhưng tàu bè không thể ra ứng cứu. Bà Dung cùng chồng huy động 15 tấn gạo rồi cử con thuyền với những thợ lặn kiêm ngư dân quả cảm nhất vượt sóng dữ ra tiếp tế thành công cho người dân đảo.
Cứ thế suốt 4 năm trời từ 2003 đến 2007, người phụ nữ mảnh mai cùng chồng “quần” nhau với sóng gió để trục vớt được 16.000 cổ vật. Kinh phí bỏ ra 23 tỷ đồng là rất lớn ở thời điểm ấy. Nhưng do vướng luật, nên sau 10 năm trời, đến tận cuối tháng 5 vừa rồi, Công ty mới chính thức được chia lại một phần số cổ vật trên. Nhưng bà Dung bảo không tiếc, cũng không nặng chuyện lỗ lời, vì mơ ước chinh phục con tàu đắm lừng danh phần nào toại nguyện.
Bảo tàng xác tàu đắm
Bà Hạnh Dung nhớ rành mạch những món “độc” trong kho tàng 62.000 cổ vật biển của mình. Không chỉ là gốm, sứ, mà còn có cả vàng bạc, đồ trang sức, cồng chiêng, các vật dụng bằng đồng, sắt của thủy thủ, cột bánh lái, những mảnh cột buồm… chìm theo những con tàu cổ. Có cả khẩu súng thần công cầm tay kích cỡ khác nhau dành cho chỉ huy trên tàu.
Vì xây dựng Bảo tàng cổ vật biển, nên lý lịch của từng món cổ vật phải rõ ràng, chính xác. Đầu năm 2007, ông Đoàn Sung qua Hà Lan trực tiếp tham gia phiên đấu giá tại Amsterdam để mua về 1.000 cổ vật niên đại thời nhà Thanh thế kỷ 17 từ con tàu đắm ở Cà Mau cũng chỉ nhằm có được lý lịch nguyên gốc. Năm 2010, bà Dung cũng đã nhờ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM giám định đợt đầu 15.000 cổ vật để xác quyết đó là những món đồ gắn liền với thân phận những con tàu đắm dọc theo “Con đường tơ lụa” trên biển lừng danh trong lịch sử mà Việt Nam là một chặng trung chuyển quan trọng.
Bảo tàng tư nhân chuyên đề đầu tiên về cổ vật biển ấy ban đầu dự định đặt tại Cù Lao Chàm. Nhưng do hạn chế về điều kiện thời tiết, nên sau quyết định đưa về đảo Phú Quốc. Với diện tích 50 ha được cấp tại khu vực cửa cảng Phú Quốc, Bảo tàng đang được Công ty xúc tiến triển khai.
Kể từ sau đợt trực tiếp khai quật ở Cù Lao Chàm, cả hai vợ chồng đâm “nghiện” với việc trực tiếp khám phá những con tàu cổ dưới đáy biển. Bởi bà giám đốc và ông chồng cố vấn cả hai đang “âm mưu” về một loại bảo tàng độc đáo hơn, là “bảo tàng xác tàu đắm” dưới đáy biển, để du khách lặn biển xem tàu. Nên hễ cứ nghe ở đâu phát hiện tàu cổ là cả hai liền tìm đến.
Đến nay, bà Dung đã thực hiện khảo sát thăm dò 11 chiếc tàu cổ đắm khắp các vùng biển. Như con tàu đắm dài tới 62m ở Bình Thuận. Hay con tàu cổ bị đắm đầu tiên được phát hiện tại Bình Định ở cửa biển Hà Ra (Phù Mỹ) năm 2009. Các chuyên gia nhận định con tàu trên thuộc thời Tống Nguyên (Trung Quốc) thế kỷ 13-14. Tiếc rằng tàu chìm mắc ở khu vực gành đá ngầm, trước đó bị dân dùng mìn đánh cá làm nát mất…
Với con tàu cổ 700 năm gần như còn nguyên vẹn đang lộ diện ở Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi), mơ ước về một khu lặn biển sinh thái ngắm tàu cổ chính tại cửa biển rất đẹp này lại dâng lên. Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, GĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, không phải ngẫu nhiên vùng cửa biển này từ lâu được gọi là eo Vũng Tàu - có thể là nơi cất giấu xác những con tàu cổ. “Hải biến tang điền”, nhiều trăm năm trước eo Vũng Thùng thông thẳng qua cửa Sa Kỳ cách đó mấy cây số. Nay thì bị đứt đoạn, đường sá nhà cửa bao đời đã án ngữ. Tiến sĩ Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện khảo cổ học VN cũng đặt câu hỏi liệu có một cảng cổ từ xa xưa tại đây?
Tuy nhiên, cái khó là nơi này theo quy hoạch sẽ xây dựng cảng Dung Quất 2. Trước thực tế trên, cuộc họp chuyên môn của các chuyên gia hàng đầu về khảo cổ, Bảo tàng, tàu cổ chiều 30/6 tại Quảng Ngãi thiên về việc trục vớt xác tàu đưa vào Bảo tàng.
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/nguoi-phu-nu-me-nhung-con-tau-dam-1723830.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12