Cô gái bệnh tâm thần tên Trần Thị Phượng, bên cạnh là Ba Đức.
Đến đời các con của Công tử Bạc Liêu, cái nghèo đã quay lại với gia tộc Trần Trinh. Tính ra từ lúc phát giàu đến khi khánh kiệt, gia tộc Trần Trinh trải qua chưa tới 3 đời, ít hơn cổ nhân đã đúc kết.
Công tử Bạc Liêu hết “linh”
Vào cuối thập niên 1960, Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã về sống hẳn ở Sài Gòn với cô vợ cuối cùng, nhỏ hơn ông 40 tuổi, có với ông 4 người con, cùng những mối tình “vắt vai” chợt đến rồi chợt đi. Chuyện về Công tử Bạc Liêu cũng nổi tiếng ở đất Sài Gòn không kém gì ở xứ Bạc Liêu hay vùng nông thôn miền Tây Nam Bộ. Cuộc đời của Ba Huy dành thời gian nhiều nhất cho 2 thứ: Rượu và gái. Các nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Sài Gòn như Soái Kình Lâm, Rex, Caravell, Bát Đạt... đều quen mặt Ba Huy, xem ông như người nhà.
Sự giàu có, hào hoa, lịch lãm, chịu chơi... đã làm cho Công tử Bạc Liêu như có ma lực trong chốn tình trường, những bông hoa nào mới nhất, đẹp nhất ở những nơi ông hay lui tới đều phải dành cho ông. Thế nhưng, Ba Huy cũng có một lần thất bại, mà lại thất bại thảm hại, làm cho ông thất tình, suy sụp thật nhanh.
Một tối nọ, ông đến nhà hàng Soái Kình Lâm cùng vài người bạn để “giải sầu” bằng rượu Tây và nghe ca nhạc. Ba Huy chợt sững sờ trước ca sĩ trẻ T.T mới nổi, vừa ký hợp đồng phục vụ hàng đêm ở nhà hàng này. Đôi chân dài ẩn hiện trong chiếc váy ngắn, thân hình bốc lửa trong chiếc áo thun màu hồng bó sát và đặc biệt là đôi mắt long lanh, sâu thẳm như thôi miên Công tử Bạc Liêu. Cùng với sắc đẹp cháy bỏng ấy là giọng hát mượt mà trong các ca khúc lãng mạn buồn man mác của Lam Phương, Phạm Duy...
Lâu lắm rồi Ba Huy mới diện kiến một người con gái tài sắc vẹn toàn đến vậy, làm mê hồn người đàn ông đệ nhất đa tình Ba Huy. Ba Huy kêu người bồi bàn tới, dúi cho một nắm tiền và bảo: “Cậu nói với ca sĩ T.T có Công tử Bạc Liêu mời một ly rượu làm quen”. Thế nhưng, cô ca sĩ trẻ không mảy may đếm xỉa đến Công tử Bạc Liêu lừng danh đang dõi mắt về phía cô. Có thể cô ca sĩ trẻ kia chưa từng được nghe nói Công tử Bạc Liêu là ai, nên cô mới xúc xiểm như thế, Ba Huy tự an ủi.
Đêm sau, Công tử Bạc Liêu một mình đến nhà hàng, ông đưa một xấp tiền dày cho chủ nhà hàng, rồi bảo: “Ông nói rõ cho cô T.T biết Công tử Bạc Liêu là ai rồi "bo" cho cô ta tất cả số tiền này. Bảo là tôi mời cô ta đến bàn uống một ly làm quen”. Người chủ nhà hàng đã hết lòng thuyết phục, nên đêm đó, sau khi trình diễn, ca sĩ T.T đến gật đầu chào, uống với Công tử Bạc Liêu một ly rồi lẳng lặng ra đi, chỉ để lại cho Ba Huy một ánh mắt vô hồn.
Không chịu thua, ngày hôm sau, Ba Huy lại đến nhà hàng vào lúc trưa, nói với người chủ: “Đêm nay, tôi muốn bao nguyên nhà hàng của ông, chi phí bao nhiêu tôi trả đủ. Ông chỉ dọn một bàn thật sang với thức ăn ngon nhất cho một thực khách, còn trên sân khấu thì chỉ có ca sĩ T.T hát phục vụ”. Chủ nhà đăm chiêu trả lời: “Thưa công tử, doanh số của nhà hàng tôi một đêm đến 100 ngàn đồng lận...”. Công tử Bạc Liêu móc ngay 100 ngàn đồng (tương đương gần nửa ký vàng) ra đập xuống bàn.
Đêm ấy, Công tử Bạc Liêu một mình ngồi giữa nhà hàng rộng mênh mông vừa uống rượu vừa nghe T.T hát hết bản này đến bản khác. Cú chơi “không đụng hàng” này của Công tử Bạc Liêu một lần nữa làm chấn động giới ăn chơi Sài Gòn, tạo ra thêm một giai thoại về Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Hôm sau, nhiều tờ báo đồng loạt viết bài tường thuật giật gân về chuyện “một mình một nhà hàng” của Công tử Bạc Liêu. Có tờ báo lại vẽ biếm họa cảnh Công tử Bạc Liêu tay chống cằm nhìn như muốn rớt tròng mắt vào một nàng con gái sexy trên sân khấu. Kể cả cái đêm “độc quyền” ấy, cô ca sĩ T.T cũng chỉ ghé lại bàn uống với Ba Huy vài ly rượu rồi chia tay.
Suốt thời gian dài, người ta thấy bữa nào Ba Huy cũng đến nhà hàng Soái Kình Lâm và gửi tiền boa cho T.T, nhưng đáp lại chỉ là ly rượu xã giao cùng nụ cười bí hiểm, ngoài ra không có gì hơn. Là người từng bách chiến bách thắng trên tình trường, Ba Huy như càng bị cám dỗ, kích thích, lại lao vào như con thiêu thân, gửi tặng cô ca sĩ trẻ rất nhiều tiền của, nhưng cô vẫn một mực khước từ những “lời đề nghị khiếm nhã” của Công tử Bạc Liêu. Lần đầu tiên một người vang danh trong chốn tình trường như Ba Huy cảm thấy "lực bất tòng tâm", nhưng ông cũng bắt đầu nhận ra mình đã quá già, không còn sức hút đối với các cô gái trẻ, dù có vung ra bao nhiêu tiền đi nữa.
Suy tàn gia tộc Trần Trinh
Từ sau lần bị thất tình đó, sức khỏe của Ba Huy sút giảm thật nhanh. Chứng bệnh thận được phát hiện trước đó vài năm, giờ phát triển mạnh, liên tục hành hạ Ba Huy. “Đa tửu hại tâm, đa dâm hại thận”, sự đúc kết của ông bà xưa chỉ đúng một nửa ở Ba Huy, ông không bị mắc bệnh tim, trong khi chứng suy thận thì hành hạ ông suốt những năm tháng cuối đời.
Trong khi ấy, ở nơi trời Tây, vợ Ba Huy (bà chánh thất Ngô Thị Đen) cũng mắc bệnh hiểm nghèo – ung thư não. Bà được đưa sang Thụy Sĩ để chữa trị và mất ở đó đầu năm 1972.
Vợ chồng cô con gái Hai Lưỡng sống ở Paris đã rước mẹ về Pháp, tẩm liệm xong thuê máy bay Dakota chở thẳng về Sài Gòn, rồi đưa về Bạc Liêu quàn 3 ngày trước khi đưa đi chôn ở nghĩa trang Trần gia ở Cái Dầy, cách Bạc Liêu gần 10 cây số. Chôn cất vợ xong, Ba Huy quay lại Sài Gòn tiếp tục chữa trị chứng bệnh thận.
Trần Trinh Huy chủ yếu sống trong bệnh viện, ở bên ngoài những đứa con, cháu của ông tiếp tục ăn chơi vô độ, tàn phá gia sản của gia đình. Đầu năm 1973, sức khỏe của Công tử Bạc Liêu càng suy sụp nặng nề. Ba Huy từ giã cõi đời trong cô độc, dù ông có hàng chục bà vợ, hàng trăm cô nhân tình, 4-5 dòng con.
Theo lời trăng trối của Ba Huy, người nhà đã trang trí quan tài của ông màu trắng, cho lên xe song mã sơn trắng, được hai con ngựa trắng chạy một vòng quanh Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau đó linh cữu được đưa sang xe tang trực chỉ miền Tây đưa Công tử Bạc Liêu về nơi ông đã ra đi, nơi đã để lại cho ông danh xưng “Công tử Bạc Liêu” bất hủ. Tại Bạc Liêu, quan tài chỉ được quàn ở Nhà Lớn vài giờ, xong đưa thẳng ra Trần gia chi mộ ở Cái Dầy, kết thúc cuộc đời một con người làm xôn xao giới ăn chơi Nam Kỳ hơn nửa thế kỷ.
Sau khi Công tử Bạc Liêu mất, chính quyền Sài Gòn đã quản lý Nhà Lớn của Trần Trinh Trạch. Lúc đầu dành cho các cố vấn Mỹ ở, sau làm tổng hành dinh của Sư đoàn 21 ngụy. Chính trong thời gian này, nội thất của ngôi nhà và nhiều đồ vật quý hiếm đã bị xâm hại, thất lạc. Sau ngày miền Nam giải phóng, dòng họ Trần còn lại một ít điền sản ở Cái Dầy, khoảng chục căn phố lầu ở Sài Gòn và vài ngôi nhà ở thị xã Bạc Liêu. Tất cả cũng chỉ đủ cho con cháu của gia tộc Trần Trinh tiêu xài thêm một thời gian nữa là hết.
Những người con của Công tử Bạc Liêu một số đã mất, một số định cư ở nước ngoài, chỉ còn vài ba người sống ở Việt Nam, tất cả đều nghèo khó, sống thầm lặng, ít người biết đến. Trong đó, chỉ duy nhất Trần Trinh Đức (Ba Đức) là về sống những năm cuối đời nơi quê cha đất tổ sau một thời gian sống bằng nghề chạy xe ôm khắp đó đây. Ông trở thành người con duy nhất của Công tử Bạc Liêu có đủ tư cách là người thừa kế cha mình hiện nay.
Ba Đức có hai người con trai, một của vợ trước, mang họ mẹ, đang sống nghèo khó đâu đó ở tỉnh Đồng Tháp, cả chục năm rồi ông không gặp lại; một đang sống không nhà ở Đồng Nai, nhiều năm rồi ông cũng không gặp.
Người cháu thừa kế chính thức của Công tử Bạc Liêu chính là đứa con gái của Ba Đức tên Trần Thị Phượng, đang cùng cha mẹ sống ở Bạc Liêu. Thế nhưng do bị tình phụ nên Trần Thị Phượng bị “điên”.
Kết cục của câu chuyện ba đời dòng họ Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy sao mà quá bi đát, không ai có thể tưởng tượng nổi!
Theo Lao Động
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/nui-vang-tieu-tan-ket-cuc-bi-dat-cua-cong-tu-bac-lieu-1724346.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12