Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Trong tập 21 – Rơi nhầm động bàn tơ, cảnh quay bảy nữ yêu nhện tinh nhả tơ, cuốn tơ... được sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, về điều kiện vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ cho những cảnh quay như thế này còn rất hạn chế, thiếu thốn và lạc hậu. Chỉ còn cách là phải sử dụng đến kỹ xảo tại trường quay để hoàn thành cho cảnh quay trên.
Cảnh quay yêu nhện nhả tơ vừa được thực hiện bằng kỹ xảo tại trường quay, vừa kết hợp kỹ xảo hậu kỳ.
Để cho cảnh quay đạt được hiệu quả như mong muốn, là vừa phải sinh động, chân thực, vừa nhuốm màu sắc ma quái, kỳ ảo, đội kỹ xảo của đoàn Tây Du Ký đã phải lao tâm khổ tứ, suy nghĩ và tìm tòi đủ mọi cách.
Một trong số những nhân viên đội kỹ xảo tại hiện trường khi đó của đoàn là diễn viên Hạng Hán, đến từ Đoàn tạp kỹ tỉnh Phúc Kiến. Hạng Hán là người thường xuyên cũng như có nhiều kinh nghiệm với công việc này, hơn nữa lại có đầu óc nhanh nhạy, thông minh và hoạt bát. Do đó, Hạng Hán đã thử nghiệm qua hàng trăm cách khi cùng phối hợp với quay phim chính của đoàn là Vương Sùng Thu, phó đạo diễn Nhiệm Phượng Pha, các nhân viên ánh sáng, khói lửa, mỹ thuật, đạo cụ...
Khi đó, chuyên gia khói lửa là Lưu Lễ đã đề xuất phương án, “áp” một loại trang phục đạo cụ lên khu vực bụng của những nữ diễn viên vào vai nhện tinh, sau đó làm phụt ra khí glycol để tạo ra những cột khí tượng trưng cho những cột tơ. Tuy nhiên, bước đi của những cột khí từ glycol lại quá ngắn, độ khuếch tán lại rộng. Trong khi yêu cầu là những cột tơ mảnh, tạo thành từng sợi dài. Do đó phương án trên đã bị loại bỏ.
Thất nữ yêu tinh nhện vây bắt Đường Tăng.
Cảnh yêu nhện chuẩn bị làm phép nhả tơ.
Nhân viên đạo cụ khi đó đã cho gắn lên khu vực rốn của các diễn viên vai nhện tinh một con quay quấn chỉ cỡ nhỏ. Khi tiến hành quay, mọi người sẽ nhanh tay kéo những sợi tơ từ con quay. Thế nhưng, khuyết điểm lại ở chỗ, những sợi tơ thường rất ngắn, tốc độ kéo cũng sẽ không được nhanh. Cách làm này cũng coi như thất bại.
Cuối cùng, khi thu nhận tất cả những ý kiến đóng góp của mọi người lại, những ưu điểm được tập hợp, đồng thời đưa ra phương án tối ưu nhất. Một vài nhân viên trong đoàn có nhiệm vụ cầm và điều chỉnh các sợi tơ được gắn vào rốn của diễn viên đóng vai nhện tinh. Khi bắt đầu quay, mọi người sẽ điều khiển tay sao cho những sợi tơ trong tay rung lắc nhịp nhàng. Khâu còn lại sẽ do bộ phận hậu kỳ xử lý, bằng cách tăng thêm hiệu ứng ánh sáng, từ đó tạo ra hình ảnh như trên màn hình mà khán giả được xem.
Cận cảnh bảy nữ yêu tinh nhện nhả tơ.
Yêu nhện vây bắt thầy trò Đường Tăng.
Hậu trường đoàn phim Tây Du Ký quay cảnh yêu nhện bay lượn và nhả tơ.
Trong cảnh bảy nữ yêu nhện tinh đồng loạt nhả tơ giam nhốt Đường Tăng, đầu tiên, đoàn phim tiến hành quay hình ảnh một bó tơ lớn bay trong gió, được tạo từ máy tạo gió công suất lớn. Trong quá trình quay, máy tạo gió được khởi động, kết hợp với việc tạo mây khói từ máy đốt băng khô. Việc này tạo ra hiệu quả đúng như mong đợi. Hơn nữa, động tác nhún nhảy vùng bụng của các nữ diễn viên khi “nhả tơ”, nhịp điệu tay chân... cũng tạo ra cảm giác họ đang “nhả tơ” thật vậy.
Cảnh yêu nhện nhả tơ vây bắt Đường Tăng.
via Tin tức 24h http://www.24h.com.vn/phim/cach-tao-to-nhen-trong-tay-du-ky-c74a566561.html