Khu phố của người Việt luôn đông đúc người da đen mua sắm. Ảnh: Phong Cầm.
Phố lập nghiệp
Để đến được chợ São Paulo ở Thủ đô Luanda, tôi phải dậy từ sáng sớm. Đường từ chỗ nghỉ đến São Paulo dài chừng 20km. Vì là một trong những trục đường chính ở Thủ đô Luanda nên thường xuyên tắc đường. Giữa hàng ngàn xe ô tô chen chúc, xe chúng tôi phải nhích dần từng mét một. Sau gần hai tiếng đồng hồ vật lộn, cuối cùng tôi cũng đến được phố São Paulo - thủ phủ của người Việt tại Angola.
Trước mặt là đoạn phố dài chừng 800m, đông đúc người da đen vào ra mua sắm. Dãy phố này tầng trên dùng làm nhà ở, còn tầng dưới là các cửa hàng kinh doanh của người Việt. Hàng hoá ở đây đa chủng loại, nhưng nhiều nhất là quần áo, giày dép, đồ trang sức. Có lẽ vì khu phố được chia nhỏ thành từng ô để người Việt tiện buôn bán, kinh doanh (giống ở Chợ Đồng Xuân - Hà Nội) nên cái tên Đồng Xuân ra đời từ đó chăng?.
Một trong những ông chủ có nhiều cửa hàng cho thuê của khu phố này là anh Nguyễn Toàn Thắng (hay còn gọi là Thắng Victor). Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh chợ, Thắng Victor cho biết, anh thuộc vào thế hệ thứ hai sang Angola kinh doanh. Mẹ anh là bà Việt Anh - một chuyên gia y tế công tác lâu năm tại Angola. Bà Việt Anh hiện là ủy viên Hội người Việt Nam tại Angola và cũng là một doanh nhân thành đạt tại Luanda.
Nếu buôn bán kinh doanh và nộp thuế đầy đủ cho nước bạn, sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi. Vấn đề là người lao động phải biết tiếng Bồ Đào Nha, giấy tờ hợp pháp và chăm chỉ làm ăn mới có thể trở nên giàu có |
Anh Thắng cho biết, công ty của anh hiện làm về dịch vụ vận chuyển hàng hoá và xây dựng, sử dụng khoảng hơn 100 lao động Việt Nam. Họ chủ yếu buôn bán ở chợ và tham gia các công trình xây dựng với mức lương bình quân 1.000 USD/người/tháng.
Ngoài ra, tại São Paulo, rất nhiều người Việt thuê lại ki-ốt của anh Thắng để tự buôn bán kinh doanh. Khi chúng tôi đến khu phố này, nhiều tiểu thương tỏ ra phấn khởi. Họ tiếp đón niềm nở và kể nhiều câu chuyện kinh doanh tại xứ sở này.
Thu Hương gốc ở phố Quán Thánh (Hà Nội) mở cửa hàng bán quần áo ở São Paulo được vài năm nay. Thu Hương 22 tuổi, trẻ trung, xinh xắn. Hương cho biết, đến Angola thông qua giới thiệu của người quen. Khi đến Luanda, Hương thuê một ki-ốt tại São Paulo để bán quần áo, vải vóc.
Để chiều những khách hàng khó tính, Hương phải nói bằng tiếng Bồ Đào Nha, phân tích để khách hàng thấy đó là đồ thật, giá rẻ. Hương vui vẻ cho biết, trừ chi phí thuê ki-ốt và các khoản khác, mỗi tháng thu được khoản tiền lãi hơn 1.000 USD từ buôn bán quần áo.
Chị Hà Thị Hương đang bán quần áo cho người Angola.
Kế bên cạnh ki-ốt của Hương là ki-ốt của chị Hà Thị Hương. Chị Hương cũng là người quê gốc Hà Nội. Chị Hương sang Angola kinh doanh đã 8 năm. Chị thuê ki-ốt lại của chủ người Việt với giá 800 USD/tháng. Ki-ốt của chị Hương mặt tiền rộng chừng 3m. Bày bán chủ yếu là quần áo, vải vóc, giày dép. Khi nán lại nói chuyện, chị Hương tâm sự rằng, nói chung buôn bán ở đây dễ kiếm tiền hơn tại Hà Nội. Những tháng thường có thể cho lợi nhuận từ 1.000-1.500 USD, nhưng vào những tháng Tết của người Angola (Lễ Giáng sinh), hàng hoá thường bán chạy hơn.
“Dù phải xa nhà, xa gia đình nhưng vì kinh doanh thuận lợi nên ở lại Luanda thêm thời gian nữa để buôn bán. Khi có đủ vốn, sẽ về Hà Nội kinh doanh tiếp”, chị Hương chia sẻ.
Trong câu chuyện với tôi, anh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, São Paulo là cái nôi của người Việt tại Angola. Những đại gia người Việt tại Angola đều đã từng buôn bán kinh doanh ở nơi này. “Khi có vốn, họ mới bắt đầu đổ bộ đến các tỉnh, thành phố khác của Angola để tiếp tục kinh doanh và mở rộng sản xuất”, anh Thắng nói.
Kinh doanh không đụng hàng
Tại chợ São Paulo, ngoài buôn bán quần áo, có nhiều người còn nghĩ ra được những chiêu kinh doanh riêng. Họ nói vui với nhau là kiểu kinh doanh không đụng hàng. Với 17 năm ở Angola, chị Trương Thị Thanh Hoà, nhà ở phố Thái Hà, TP Hà Nội (hiện là ủy viên Hội người Việt Nam tại Angola) lại chuyên buôn bán kinh doanh về áo cưới, áo thời trang.
Tại đây, chị Hoà có hai cửa hàng bán áo cưới và một láp ảnh. Dắt tôi vào cửa hàng, chị Hoà cho biết lý do vì sao lại chỉ bán áo cưới tại khu phố sầm uất này. Hoá ra văn hoá cưới hỏi của người Angola khác với Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam, theo thông lệ, các cặp uyên ương thường cưới hỏi đàng hoàng rồi mới về ở với nhau thì ở Angola, có thể ở với nhau đến đầu bạc răng long rồi mới tổ chức đám cưới.
Theo chị Hoà, chỉ khi họ thực sự có tiền, lúc đó họ mới đi mua áo cưới cho lễ thành hôn. “Đặc thù cưới hỏi của họ lạ thế nên mình phải đáp ứng nhu cầu. Cái hay của người Việt Nam ở Angola là người bản địa cần gì, mình đáp ứng được cái đó”, chị Hòa chia sẻ.
Chị Trương Thị Thanh Hoà bên cửa hàng váy cưới.
Giống chị Hòa, chị Lê Kim Oanh, nhà ở Quận 2, TP Hồ Chí Minh, có thâm niên hơn 13 năm ở Angola. Để không đụng hàng, chị chọn làm nhà phân phối chính các loại tấm vải dùng để cuốn quanh người (người Angola rất thích loại vải cuốn này của Việt Nam) tại chợ São Paulo.
Các lái buôn tỉnh lẻ tại Angola thường tập trung về đây mua, sau đó phân phối đi khắp nơi trong cả nước. Để đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường Angola, chị Hương phải nhập hàng từ TP Hồ Chí Minh.
Trung bình mỗi năm, chị nhập vào Angola khoảng 1.000 kiện hàng với giá khoảng 1.000-2.000 USD/kiện. Nghe chị kể, tôi hỏi liệu chị đã thành triệu phú đô la? Chị cười bảo, con phố São Paulo này đúng là sản sinh ra nhiều triệu phú đô la người Việt tại Angola. Những người thành danh ở Angola hiện nay ít hay nhiều, đều đã từng buôn bán kinh doanh tại chợ này. Về phía mình, chị Oanh nhận mình chỉ là người bán buôn nhỏ lẻ.
Trong căn phòng rộng rãi, từng tấm vải được xếp chất chồng lên nhau. Các thương lái da đen vào ra liên tục. Chị Oanh cho biết, ngoài một số ông chủ thực sự, người buôn bán tại chợ São Paulo chủ yếu đi bán thuê. Ngày xưa thuê ki-ốt dễ, còn bây giờ rất khó. “Chị buôn bán ở đây có sợ cảnh sát bắt không”- tôi hỏi.
Chị cười: “Họ chỉ bắt giữ những người không có giấy tờ hợp lệ hoặc làm việc không đúng công ty mà thôi. Hơn nữa, nhiều người vì buôn bán trốn thuế nên mỗi lần gặp cảnh sát là cắm đầu cắm cổ bỏ chạy”. “Những trường hợp này dù không nhiều nhưng chút gì đó ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt tại Angola”, chị Oanh nói.
Điều mà chị Oanh lo nhất hiện nay không phải là chuyện cảnh sát hoạnh họe hay thiếu thị trường mà lo nhất là hàng hóa Trung Quốc đang ngày càng ồ ạt nhập vào Angola. Tại chợ São Paulo đã bắt đầu manh nha các cửa hàng của thương lái Trung Quốc.
“Người Việt thường xé nhỏ cửa hàng ra để cho thuê nhưng người Trung Quốc lại thuê hẳn từng cửa hàng lớn, ít nhất là ba ki-ốt một lúc nên cửa hàng họ nhìn ngon mắt hơn. Với lại, người Việt thường kinh doanh đơn lẻ, người Trung Quốc lại chung nhau cùng làm cửa hàng nên khả năng cạnh tranh tốt hơn”, chị Oanh cho biết.
Trong câu chuyện, tôi vu vơ hỏi rằng, ở Angola, ai là người Việt Nam giàu nhất, chị Oanh cười bảo, nói ai là người giàu nhất rất khó, vì một 9, một 10. Với các tiểu thương ở phố São Paulo, ai cũng biết đến ông Đoàn Văn Viện, Chủ tịch Công ty Salomas. Ông Viện được cho là người luôn hết mình giúp đỡ bà con tiểu thương tại chợ São Paulo.
“Ông Viện mở công ty và thành danh ở Luanda, đã trở lại giúp đỡ bà con người Việt. Nghe đâu ông ấy cũng là một trong những triệu phú người Việt tại Angola”, chị Oanh cho biết.
Chia tay với chị Oanh, tôi trở lại đường phố São Paulo nhộn nhịp. Trong vô số người da đen, thi thoảng lại vang lên tiếng nói của người Việt Nam. Dù quen hay không, hễ gặp là hỏi “người Việt Nam à?”. Sáng đó, ở São Paulo trời se lạnh nhưng với tôi, gặp được một người Việt ở nơi xa xôi này lòng ấm lại và thấy không hề lẻ loi.
Còn nữa
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/cho-dong-xuan-giua-long-luanda-1775302.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12