Phóng viên báo Tiền Phong ghi lại hình ảnh CSGT nhận hối lộ. Ảnh: Tiền Phong
Quay phim, chụp ảnh cũng là cách chống tiêu cực
Bạn đọc Tuấn Hoàng đặt câu hỏi: Hiện nay nhiều tuyến phố, nhà dân, thậm chí những chiếc xe hơi cũng được gắn camera dẫn đường… vậy nếu cấm quay phim chụp ảnh CSGT thì sẽ xử lý thế nào? Chẳng lẽ cứ thấy bóng dáng CSGT là phải tắt chế độ quay phim hay sao?
Còn độc giả Việt Hùng cho rằng lực lượng công an ăn lương từ tiền thuế nhân dân đóng góp nên đương nhiên phải chịu sự giám sát của nhân dân. Riêng CSGT là những người hàng ngày tiếp xúc với đồng tiền, nếu không có sự giám sát của dân thì CSGT rất dễ làm ẩu, làm sai. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm, giám sát của báo chí mà nhân dân mới nắm bắt được một số sai phạm của CSGT gây bức xúc trong dư luận.
Ông Hùng khẳng định: “Quay phim chụp ảnh cũng là một cách đấu tranh với tiêu cực. Điển hình là các vụ CSGT ăn chặn tiền của người vi phạm, hay các vụ CSGT đánh, bắn người vi phạm giao thông...Xin chân thành cảm ơn các nhà báo đã dũng cảm theo dõi và đăng bài về các vi phạm của ngành công an. Nếu không được quần chúng và các nhà báo giám sát đúng mức thì CSGT rất dễ xảy ra tiêu cực".
Độc giả Dương Yến Thanh bức xúc: "Đây chỉ là công văn hành chính, biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Nhưng nhận được "chỉ đạo" này, CSGT các nơi sẽ hành xử thế nào? Biết đâu lại chẳng xảy ra chuyện còng tay, tạm giữ để xử lý những người dám 'to gan' quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ? Ban hành văn bản này, phải chăng ông Cục phó muốn nhắc nhở CSGT hãy nâng cao cảnh giác, kẻo bị chụp ảnh, quay phim cảnh làm tiền, ăn hối lộ thì nguy chăng?!
Đề nghị thu hồi văn bản 1042
CSGT vẫn giữ được hình ảnh đẹp trong con mắt người dân với những cảnh trần mình phơi nắng điều khiển giao thông hay dắt tay người già, trẻ em qua đường. Ảnh: Minh Đức
Cùng quan điểm, độc giả Khắc Phấn kiến nghị Cục CSGT ban hành văn bản trái luật yêu cầu phải hủy bỏ ngay, đồng thời Tổng cục Cảnh sát nên có hình thức xử lý cơ quan dưới quyền đã ban hành văn bản trái luật.
Luật Công an Nhân dân được Quốc hội phê chuẩn rất rõ ràng, hà cớ gì Cục CSGT lại ban hành văn bản vi phạm luật gây bức xúc trong dư luận? Rõ ràng Cục CSGT ban hành văn bản 1042 có dấu hiệu bao che cho việc làm khuất tất của những CSGT tiêu cực chuyên nhận tiền mãi lộ mà lâu nay cơ quan báo chí đã thông tin.
Còn độc giả Hà Bình Nguyên cật vấn: "Nếu cán bộ CSGT trong cả nước đều trong sạch, làm việc chí công vô tư; có thái độ cư xử đúng mực, chấp hành nghiêm điều lệnh CAND thì sợ gì bị người khác quay phim, chụp ảnh? Thay vì ký văn bản kỳ cục ấy, người ra văn bản nên dành thời gian để giáo dục cán bộ, chiến sĩ của mình sống trong sạch hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đừng để CSGT làm mất uy tín, thanh danh của lực lượng CAND nói chung".
Độc giả Thanh hài hước đặt vấn đề: "Thưa Đại tá Hà, phải chăng CSGT ăn hối lộ, em phải xin phép? Nếu anh CSGT ăn hối lộ đồng ý thì em mới được quay phim chụp ảnh để tố cáo à? Anh trong sáng thì sợ gì người ta quay phim, chụp ảnh".
Theo độc giả Nguyễn Ngọc Linh, văn bản 1042 này đã rõ mục đích là vô hiệu những ảnh chụp, đoạn phim quay lén của người dân đối với những CSGT có hành vi tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ, chúng sẽ không được công nhận mặc dù có thấy tiêu cực đi nữa.
Làm điều khuất tất mới sợ tống tiền
Phóng viên Tiền Phong 'chộp' được hình ảnh lái xe mãi lộ CSGT. Ảnh: Tiền Phong
Bạn Lê Trung cho rằng: Khi ai đó tống tiền một ai thì phải có cái bằng chứng gây bất lợi cho đối phương thì mới có thể tống tiền được. Phải chăng CSGT bị tống tiền đó có cái gì sai? Nếu anh minh bạch thì lo gì bị tống tiền, còn kẻ nào tống tiền thì cứ báo cáo lãnh đạo điều tra truy tố trước pháp luật. Nếu bị tống tiền mà không dám báo cáo chứng tỏ có cái gì đó không minh bạch.
Bạn đọc Văn Tuấn chia sẻ: Theo tôi, việc quay phim chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ mà phải xin phép CSGT đó thì còn quay làm gì? Tố giác tiêu cực mà báo cho người tiêu cực biết trước thì cũng như không. Nếu làm thế rồi đây, tiêu cực lại càng tiêu cực hơn. Sẽ không có người dân, phóng viên nào dám tố giác hành vi tiêu cực của CSGT nữa. Nhưng công bằng mà nói, không ít trường hợp hình ảnh quay CSGT đang làm nhiệm vụ gần đây sau khi đưa lên mạng được nhiều người dân ca ngợi như: CSGT Nguyễn Tuấn Mạnh, thuộc Đội CSGT số 4- Phòng CSGT Công an Hà Nội đổ xăng giúp thí sinh đi thi, rồi CSGT đưa người già sang đường vào giờ cao điểm...
Cũng có những độc giả như bạn Văn Chí Hảo bày tỏ thông cảm: "Có lẽ lý do ban hành văn bản này chắc là nhằm đấu tranh với các đối tượng giả danh nhà báo quay phim, chụp ảnh để tống tiền CSGT như đã xảy ra tại Thanh Hoá, Bình Thuận". Tuy nhiên, không lẽ nhà báo hay người dân quay phim, chụp ảnh chỉ để tống tiền CSGT? Và nếu đã hành động chí công vô tư trong khi thực thi công vụ thì còn sợ gì ai tống tiền?
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/khong-tieu-cuc-csgt-lo-gi-quay-phim-chup-anh-1775312.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12