Người ta thường gọi người đồng tính là những người thuộc thế giới thứ ba. Được là chính mình luôn là khao khát mãnh liệt của họ.
Giữa hai mảng sáng - tối
Nguyễn Thiên Nhật (học sinh trường THPT Trường Chinh, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) luôn tự nhận mình là một người đồng tính. Năm học lớp 8, Nhật thấy tình cảm của mình chỉ hướng về con trai mà không chút rung động nào với các bạn nữ.
“Cảm giác đó thật đáng sợ”, Nhật nhớ lại. Mơ hồ nhận ra mình là kẻ khác biệt, Nhật thử thích một cô bạn gái nhưng không có cảm xúc.
Hè năm lớp 9, Nhật tỏ tình với một bạn trai cùng lớp. Đó là người bạn thân với Nhật bốn năm, gắn bó với nhau như hình với bóng. Khi nghe Nhật tỏ tình, người bạn trai im lặng một lúc rồi bảo: “Hai đứa con trai làm sao thích nhau được, mày pêđê hả?” và bỏ đi. Chuyện Nhật thích con trai được truyền đi khắp lớp, khắp trường.
Vết trượt dài
“Mọi người nhìn em bằng con mắt y như em là quái vật, các bạn trong lớp và trong trường bảo em là bóng, là pêđê, ô môi. Họ nói những điều ấy với giọng rất khinh bỉ, cứ nhìn thấy em họ lại cười sau lưng”, Nhật nói.
Không chịu nổi cú sốc tình cảm đầu đời, cộng với việc bị bạn bè xa lánh, đầu năm lớp 10, hai lần Nhật nhảy cầu và uống thuốc tự tử nhưng được cứu. Năm Nhật học lớp 11, cha mẹ Nhật biết con mình đang yêu một bạn trai. Mẹ Nhật hỏi: “Mày là người đồng tính phải không?”, Nhật gật đầu. Bà quát tháo dữ dội, bảo Nhật là bệnh hoạn, quái thai và bắt Nhật chia tay.
Với tất cả sự bướng bỉnh, hiếu thắng của tuổi mới lớn, Nhật nói với mẹ: “Con bỏ ai được chứ không bỏ anh ấy”. Mẹ Nhật tức giận cắt điện thoại, cắt Internet, cấm cửa Nhật ngoài giờ học.
Nhật bảo không nhớ mình đã bỏ nhà đi bao nhiêu lần, không nhớ bao nhiêu lần mình cứa cổ tay và uống thuốc ngủ tự tử. Cứ thích một người con trai, bị gia đình phản đối, Nhật lại cùng bạn trai bỏ nhà đi. Đi được một thời gian, không có tiền lại kéo nhau về.
“Trước đây em học giỏi đứng thứ ba toàn trường, bây giờ em đứng thứ 200-300 gì đó của trường. Em cũng không biết mình đang rơi ở vị trí nào nữa. Giờ bố mẹ bỏ mặc em rồi. Em muốn sao cũng được. Em biết em bất hiếu lắm. Em biết điều đó nhưng mỗi lần bố mẹ phản đối chuyện tình cảm, bạn bè miệt thị là em chỉ muốn bỏ nhà đi. Bạn bè nhiều đứa cười em là “gay lộ” nhưng em không sợ. Đời sống không phải là mình thì mệt mỏi quá”, Nhật trầm ngâm.
Điều Nhật cần là một người hiểu, chia sẻ và định hướng cho Nhật. Cha của Nhật làm nông, quanh quẩn với mấy sào lúa. Mẹ Nhật là giáo viên, luôn muốn con mình là một hình mẫu: học giỏi, chăm ngoan, có việc làm ổn định, lấy vợ, sinh con. Vùng quê nghèo ít biến cố ấy không chấp thuận sự khác biệt của Nhật. Tuổi mới lớn hiếu thắng và bồng bột, Nhật say mê yêu rồi tự mình rơi vào bế tắc khi thiếu sự cảm thông, định hướng của gia đình.
Chấp nhận con
Cùng là người đồng tính như Nhật nhưng Nguyễn Trần Đại Hải (21 tuổi, nhà ở ngõ Kiến Thiết, phố Khâm Thiên, Q.Ba Đình, Hà Nội) lại may mắn và hạnh phúc hơn khi được sự chấp thuận của cha mẹ.
Năm học lớp 10 Hải thấy mình có tình cảm với các bạn trai. Hải lên mạng tìm thêm thông tin mới biết những người như mình được gọi là “đồng tính”. Nhờ có Internet, Hải có thêm nhiều bạn bè trong giới và dần chấp nhận con người mình. Một buổi tối, Hải quyết định nói thật cho cha biết mình là người đồng tính.
Cha Hải đang nằm bỗng bật ngay dậy. Trong tích tắc thấy phản ứng của cha như vậy, Hải đã nghĩ đến điều xấu nhất là hi sinh hạnh phúc được sống với giới tính thật vì hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng trái với suy nghĩ của Hải, cha Hải chỉ ngạc nhiên rồi hỏi “đồng tính là thế nào cơ?”.
Hải được dịp giải thích cho cha hiểu cặn kẽ về con người mình. Hải nói với cha đồng tính là chỉ yêu con trai, tình cảm đó xuất phát từ con người Hải, sinh ra đã vậy chứ không phải đua đòi hay bệnh hoạn như mọi người vẫn nghĩ. Hải nhắc đi nhắc lại cho cha hiểu ngoài việc thích con trai, Hải vẫn là con ngoan của cha mẹ và chăm lo học hành.
Cha Hải sau cả đêm nghe con trai nói chuyện đã hiểu ra đôi điều. Sau khi tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, ông nói chuyện với vợ mình. Bà Lê Thị Khánh Vân (49 tuổi, mẹ Hải) nhớ lại: “Khi nghe chồng nói, tôi không hiểu được tại sao nó lại yêu con trai. Cứ nghĩ nó đua đòi bạn bè. Hải dẫn tôi đi gặp nhóm các bà mẹ, họ cũng khóc lóc, đau khổ vì có con là người đồng tính. Tôi bỗng thấy thương con vì nó chịu quá nhiều thiệt thòi”.
Bà Lê Thị Khánh Vân và con trai tại nhà riêng.
Vợ chồng bà Vân không nặng nề chuyện Hải là người đồng tính. “Miễn là nó học giỏi, ngoan và thương ba mẹ là được rồi. Tôi nghe nói nhiều bậc phụ huynh đánh nhốt con khi biết con là người đồng tính, tôi thấy không nên. Con mình đẻ ra đã chịu thiệt thòi, nó không hận mình thì thôi tại sao mình lại hận nó”, bà Vân nói. Cha Hải thường xuyên dành thời gian tâm sự với con trai. Ông bảo thấy day dứt vì suốt thời gian dài ông không hiểu điều ấy để chia sẻ với con.
Hải hiện là sinh viên trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội. Vốn năng động, nói tiếng Anh khá, Hải được nhận vào làm quản lý cho một khách sạn lớn ở Hà Nội và là tình nguyện viên tích cực cho các hoạt động của người đồng tính. Bây giờ, nhiều bạn bè trong giới vẫn ghen tỵ với Hải khi cậu được sự chấp nhận của gia đình - điều mà các bạn là người đồng tính luôn mong muốn.
Chồng mất sớm, chỉ có một cậu con trai duy nhất nhưng khi phát hiện con mình là người đồng tính, bà Lý Thanh Vân (Cao Thắng, Phú Nhuận, TP.HCM) đã chấp nhận sự thật này. “18 tuổi, tui thấy nó quen bạn trai không hà, không quen bạn gái. Có lần thấy nó lén mặc áo đầm, tui cũng buồn lắm. Hồi đó có phong trào xìke, đập đá tùm lum, tui sợ quá vì chỉ có mình nó là con trai. Nhưng rồi lớn lên nó vẫn ngoan, vẫn thương mẹ, thế là tốt rồi”.
Mẹ con bà Lý Thanh Vân ở TP.HCM.
Con trai bà Vân là Trần Hoàng Dương (25 tuổi). Thấy bạn trai của Dương thuê phòng trọ sống một mình, bà Vân đã gọi về nhà ở. Thế là bạn trai Dương dọn về sống chung với Dương và bà Vân dưới một mái nhà. Dương làm chuyên viên trang điểm, bạn trai Dương làm cho một công ty nước ngoài. Hai người đi làm cả ngày, bà Vân ở nhà lo cơm nước cho hai con. Dù hàng xóm có nói ra nói vào việc Dương đưa bạn trai về nhà sống nhưng bà Vân vẫn bỏ ngoài tai. Với bà, niềm vui giản dị là có thêm một đứa con trai, thấy các con ngoan ngoãn, tu chí làm ăn và biết thương yêu nhau.
“Nhiều người nói tui một thân một mình, lại chỉ có một đứa con trai, sao không bắt nó lấy vợ, có con cháu cho vui cửa vui nhà. Nhưng tui nghĩ chúng thương nhau là được rồi. Biết thương nhau là có một gia đình chứ đâu cần phải có cháu mới là gia đình, mới vui đâu”, bà Vân tâm sự.
Theo Zing
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/nhay-cau-uong-thuoc-tu-tu-vi-bi-ghe-lanh-dong-tinh-1775494.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12