Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa cho biết, thành phố hiện có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp với tổng công suất thiết kế 1.200 con lợn, tương ứng với 60 tấn/ngày và 65.400 con gia cầm, tương ứng với 117 tấn/ngày.
Tuy nhiên, thực tế các cơ sở giết mổ công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, hiện tại chỉ đạt mức giết mổ trung bình là 200 con heo và 15.500 con gia cầm, đạt khoảng 16,6% công suất thiết kế. Ngoài ra, thành phố còn có 3 cơ sở giết mổ bán công nghiệp (2 cơ sở giết mổ lợn và 1 cơ sở giết mổ gà), công suất giết mổ 2.500 con lợn/ngày và 3.000 con gà/ngày.
Theo đánh giá của Chi cục Thú y, giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu thịt lợn và 13% nhu cầu thịt gia cầm trên địa bàn Hà Nội.
Trong khi các lò giết mổ trên chỉ đáp ứng lượng nhu cầu nhỏ như trên thì trái lại, các lò giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh lại đang chiếm phần lớn nhu cầu của thị trường.
Theo khảo sát của Chi cục Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 2.571 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Các cơ sở này đang cung cấp đến 83% sản phẩm giết mổ thịt lợn và 87% sản phẩm thịt gia cầm cho nhu cầu tiêu dùng. Như vậy, hầu hết người dân Hà Nội đang phải sử dụng thực phẩm bẩn từ thịt heo, thịt gia cầm từ các lò mổ không đảm bảo chất lượng.
Ruốc thịt làm từ sắn dây lừa dân Hà Nội bao năm nay
Ruốc thịt (chà bông) là mặt hàng được bày bán phổ biến tại các cửa hàng giò, chả lớn nhỏ. Tại khu vực chợ đầu mối của Hà Nội, giá ruốc loại hai được đổ buôn với giá khá “bèo”, chỉ từ 120.000-150.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người ta phải hồ nghi về chất lượng của ruốc. Bởi 3 kg thịt mới làm được 1 kg ruốc, chưa kể công chế biến, nên giá thành phẩm phải trên dưới 400.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng ruốc tại Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội), ngoài việc dùng nguyên liệu rẻ tiền, không tươi ngon, một lượng lớn ruốc bán trên thị trường hiện nay còn được làm từ bã sắn dây. Bã sắn dây sau khi sấy khô sẽ được xé tơi thành sợi như ruốc. Để có hương vị đậm đà, bã sắn dây được tẩm ướp thêm gia vị, bột hương thịt heo, phẩm màu… để đánh lừa vị giác người tiêu dùng.
GS-TS Bùi Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, bã sắn dây là mặt hàng thải loại, không còn chất dinh dưỡng. Bản thân bã sắn dây không độc hại nhưng qua quá trình tẩm ướp, chế biến, đặc biệt là sử dụng các loại phẩm màu không đảm bảo vệ sinh có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm ruốc trên thị trường. Theo đó, hơn 50% số mẫu kiểm tra không đạt về hàm lượng chất tạo ngọt hóa học, chất bảo quản và nhiễm E.coli.
Nem chua chứa độc tố gây ung thư
Tại Hà Nội, có đến hàng nghìn quán nhậu lớn nhỏ, mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thực phẩm, trong đó, nem chua là món được nhiều dân nhậu ưu thích. Hầu như quán nào cũng có món nem chua để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên, trên vỏ ngoài của các sản phẩm này gần như không có một thông tin gì chứng minh độ an toàn của nó đối với người sử dụng.
Chính bản thân các chủ quán nhậu nhập nem chua về bán cũng không biết rõ về hạn sử dụng và chất lượng của nem. Anh Hùng - chủ một quán bia trên đường Láng cho biết: “Hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất và cung cấp nem chua trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh nhưng độ 'chuẩn' của món này ra sao, chúng tôi cũng không thể biết được. Ngay cả nguyên liệu để làm món này có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, tôi cũng không dám chắc. Để hạn chế rủi ro có thể, chúng tôi luôn yêu cầu loại nem mới, và lấy với số lượng ít, để làm sao có thể tiêu thụ hết trong vòng 2 đến 3 ngày”.
Gói nem chua này có hạn sử dụng nhưng tìm mỏi mắt cũng không thấy ngày sản xuất.
GS.TS Y học Trần Đáng cho biết: “Nem chua theo nguyên tắc là phải có thời hạn. Thời hạn sử dụng của nó thường chỉ từ 3 đến 7 ngày, tùy loại nem và tùy điều kiện bảo quản. Nếu không ghi rõ thời hạn là vi phạm pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Về cơ bản, nếu làm tốt, nem chua vẫn là món ăn ngon, bổ dưỡng.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nếu làm không đúng quy trình có thể sẽ gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng. Đặc biệt, trong nem chua quá hạn, luôn tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng có hại, tuy bị ức chế không hoạt động được nhưng chúng không chết mà sẽ sinh sôi nảy nở khi gặp điều kiện thuận lợi, gây bệnh nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng, trong đó có những loại độc tố nấm mốc, độc tố vi khuẩn có thể gây ung thư”.
Cốt dừa, mắm cá... từ hóa chất Trung Quốc
Tại TP. Hồ Chí Minh, chợ Kim Biên là đầu mối cung cấp đủ loại gia vị. Muốn hương vị nào cũng có gia vị chế biến sẵn dưới dạng bột, viên hoặc nước. Từ gia vị thịt, cá kho, cà ri, lẩu Thái, phở, bún, hủ tiếu cho đến các loại dầu giấm, nước mắm pha sẵn…, người mua dễ dàng tìm được tất cả các hương liệu nhưng rất khó xác định được xuất xứ, chất lượng cũng như mục đích sử dụng của chúng. Nhiều người bán hàng tiết lộ nguồn gốc chủ yếu là của Trung Quốc vì giá rẻ và “cần loại nào cũng có”.
Một quầy hàng bán đủ loại hương liệu tại chợ Kim Biên.
Không chỉ gia vị mà các loại bột làm sẵn cũng phong phú không kém. Thậm chí cả nước cốt dừa cũng được bán sẵn và gia giảm thêm bằng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Chỉ cần 1 gói nhỏ là pha được cả lít nước cốt béo ngậy, để cả ngày cũng không sợ ôi thiu.
BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh lưu ý, những mặt hàng gia vị trôi nổi chủ yếu làm từ hỗn hợp các hóa chất để đánh lừa vị giác người ăn chứ chúng không có giá trị về dinh dưỡng. “Được pha chế bằng các hóa chất tạo độ ngọt, dai, giòn... hương liệu và phụ gia tạo màu công nghiệp lẫn tạp chất và kim loại nặng nên nếu sử dụng thường xuyên, chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, là nguyên nhân dẫn đến ung thư” - BS Đào Thị Yến Thủy cảnh báo.
Hô biến kẹo bẩn thành kẹo sạch
Ngày 25/9, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) công an tỉnh Đồng Nai, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất kẹo Hải Âu (tại KP.4, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) do ông Vũ Mạnh Duyên làm chủ.
Tại đây, cơ quan chức năng kiểm tra tại khu vực sản xuất phát hiện 500 kg kẹo đã hết hạn sử dụng trong bao tải rất mất vệ sinh và 100 kg kẹo không đảm bảo vệ sinh chứa trong các thau nhựa đang chuẩn bị nấu lại thành kẹo mới. Bước đầu ông Duyên thừa nhận số kẹo trên đã hết hạn của cơ sở sản xuất thu gom lại trên thị trường đem về để tái chế và mang đi tiêu thụ.
Kẹo hết hạn sử dụng, mất vệ sinh được chuẩn bị tái chế.
Hiện cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của cơ sở trên để xử lý đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, lập biên bản vi phạm niêm phong số lượng kẹo bẩn trên.
Theo Trí thức trẻ
via Sự kiện xã hội - RSS Feed http://2sao.vn/p0c1048n20130929075359517/dan-ha-noi-an-thit-heo-ban-nguoi-sai-gon-xai-mam-ca-hoa-chat.vnn Theo Blog.Kenh12.Com