Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: ngọc châu.
Kỳ quan
Đang đi trên cung đường lên thị trấn Mù Cang Chải, bỗng sửng sốt khi trước mắt mình phô bày không gian vàng rực lượn sóng nhấp nhô những bông lúa đang chín rộ của xã Chế Cu Nha. Ba xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Su Phình nằm sát cạnh nhau, tập trung ruộng bậc thang nhiều nhất của Mù Cang Chải. Nếu lấy dòng Nậm Kim và Quốc lộ 32 làm chuẩn thì Dế Su Phình nằm ở tả ngạn Nậm Kim, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha nằm bên hữu ngạn. Những “mâm xôi vàng”, “mâm xôi xanh” hiện lên hoành tráng giữa bạt ngàn núi rừng nơi vùng cao này, thu hút bất cứ ai đặt chân đến. Tới đây, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi từ chân tới đỉnh. Địa hình ruộng bậc thang thường hẹp, chỉ một hai đường bừa nhưng rất dài uốn lượn quanh quả đồi, từ sườn đồi đến lưng chừng núi thật sự là một tuyệt tác mà nghệ nhân sáng tạo ra không ai khác ngoài đồng bào cư trú lâu dài tại đây -tộc người Mông.
Nhiều núi cao, vực sâu, cắt xẻ liên tiếp nên mỗi “mâm xôi” ruộng bậc thang thường xen giữa các khe nước, suối lớn nhỏ, rừng thông bạt ngàn. Cứ thế, ruộng rừng khe suối...tầng tầng lớp lớp xếp lên nhau. Càng lên cao càng thấy choáng ngợp trước cảnh quan hùng vỹ, tiếng chim rừng hót véo von và cái mát lạnh trong lành của không gian thoáng đãng. Vào mùa xuân, đây đó những cây đào rừng (“tớ dảy”) trổ hoa ánh lên sắc hồng tự nhiên giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Mù Cang Chải.
Nghệ nhân ruộng bậc thang
Dưới chân ruộng bậc thang ở bản Trống Tông, tôi gặp vợ chồng Giàng A Chu đang gặt lúa. Giàng A Chu -người Mông, 25 tuổi - mặt sạm đen vì nắng gió sinh ra trong một gia đình làm ruộng bậc thang “gia truyền”. Cụ nội, ông nội, bố của A Chu đều thấm đẫm mồ hôi ở La Pán Tẩn. Họ khai phá núi đồi thành ruộng bậc thang, cày bừa cấy hái và tiếp tục khai phá. Họ để lại cho A Chu những kinh nghiệm làm ruộng bậc thang qua mấy đời mà cái giá phải trả không chỉ mồ hôi mà cả máu. A Chu tiếp nhận những kinh nghiệm ấy một cách tự nhiên như đã ngấm vào huyết quản. Trở thành “nghệ nhân” khi tuổi còn trẻ. Trước khi an phận canh nông cũng đã trải qua những năm tháng học hành dưới trường dân tộc nội trú nên lại biết ứng dụng cả khoa học kỹ thuật mới nữa.
Giàng A Chu - “nghệ nhân” ruộng bậc thang đập lúa cùng vợ trong mùa gặt .
A Chu ngừng đập lúa, nói với tôi: “ Các anh ở dưới xuôi lên nhìn lúa chín vàng thế này cứ tưởng làm ruộng bậc thang ngon ăn như dạo mát nhỉ. Gian nan lắm à! Để có ruộng phải khai khẩn, khai khẩn công phu, tốn sức lắm. Đầu tiên phải chọn đất. Đất phải có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá, cây to, cỏ mọc dày và tốt. Sau khi đã chọn được mảnh đất ưng ý việc tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn. Đó là chồng các cột đá cao khoảng 1m hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảnh đất đó làm dấu hiệu xác lập quyền khai khẩn”.
Việc khai khẩn thường vào mùa xuân (khoảng tháng 1, 2, 3) để có thể tháo nước và trồng lúa trong tháng 4, 5 cho kịp thời vụ.
Trước hết, phải phát cỏ và các loại cây nhỏ rồi dọn sạch mặt đất, sau đó dùng cuốc đánh các gốc cây to, đào và san ruộng. Làm thế nào để giữ được nước cho mảnh ruộng bé như dải yếm trên lưng chừng núi cao 1.000 m so với mặt nước biển?
A Chu chỉ tay vào cột đá trên bờ ruộng. Cột đá cao màu xám do cụ nội A Chu dựng lên cách đây đã trăm năm. Từ cái cột xác lập chủ quyền đó, công cuộc chinh phục đất đá, cỏ dại bắt đầu. |
A Chu cười, trả lời câu hỏi của tôi: “Việc này khó lắm à. Khó nhất là tạo mặt bằng cho ruộng. Tạo được mặt bằng sẽ giữ được nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Độ chênh lệch giữa thửa trên và thửa dưới thường ở mức 1 - 1,5m. Đào và san ruộng phải có kỹ năng lắm, chứ không dùng sức được. Kỹ năng này ông nội truyền lại cho bố, bố truyền lại cho A Chu đó. Ruộng bậc thang đạt tiêu chuẩn phải đạt hai tiêu chí căn bản nhất là mặt bằng ruộng và nước ngâm chân lúa”.
Sau khi có ruộng, phải tìm được nguồn nước để dắt nước về. Giữ nước ngân ngấn chân lúa ở những thửa đất bậc thang treo trên núi chơi vơi chẳng khác nào trò làm xiếc với ông trời. Nhưng những nông dân người Mông bao đời nay đã làm nên những thảm vàng uốn lượn trong mây gió, có gì đó mong manh nhưng lại hết sức bền vững. Tôi có cảm giác ruộng bậc thang đã vượt khỏi giới hạn của chuyện canh nông mà trở thành tác phẩm điêu khắc và những nông dân lưng dắt dao, tay cầm cuốc chẳng khác nào nghệ sỹ.
Việc tiếp theo là làm bờ ruộng, như “bức tường” giữ nước, điều hòa mực nước cho ruộng lúa. A Chu cầm cuốc “thị phạm” cho tôi vài động tác làm bờ. Chiếc cuốc bướm cào đất thành bờ, chỗ nào thấp và thiếu đất thì tiếp tục cào từ chỗ cao sang, sau đó dùng chân dẫm rồi dùng gáy cuốc đập mạnh để nén chặt bờ ruộng. Bờ thường cao 15- 20cm so với mặt ruộng và rộng từ 20 -25cm, có vị trí thông nước dích dắc từ ruộng cao xuống ruộng thấp.
Chiếc cuốc bướm trong tay A Chu sáng quắc và sắc lẹm, được truyền lại từ đời ông nội. Chiếc cuốc này cùng với cuốc lưỡi gà và chiếc cày, chiếc bừa trong nhà được A Chu coi như gia bảo dù giá trị vật chất không đáng bao nhiêu nhưng lại gắn liền với cả một quá trình khai khẩn ruộng bậc thang của gia đình này. Cụ nội A Chu đến xã La Pán Tẩn cũng chỉ với những nông cụ ấy và đối diện với quả núi cao đầy cỏ dại, đất đá. Cụ nội bắt đầu vung cuốc khai khẩn mảnh ruộng bậc thang đầu tiên. Sau một thời gian, lúa đã lên xanh dưới chân núi. Nhưng nhìn lên vẫn ngút tầm mắt đất đá, cây dại. Tiếp nối cụ nội, ông nội A Chu lại làm thêm những bậc thang xanh… Đến bố A Chu thì những bậc thang xanh đã vươn lên gần chỏm núi. Và khi A Chu biết cầm cuốc, cầm cày thì lại tiếp tục chinh phục đất đá, đưa những ruộng bậc thang chót vót vấn quanh chóp núi.
Tôi nhìn lên khu ruộng bậc thang nhà Giàng A Chu, 1 bậc, 10 bậc, 30 bậc, 50 bậc… Cổ đã mỏi nhưng vẫn chưa đếm hết được những bậc thang vàng càng lên cao càng như lẫn vào mây khói mùa thu. Gia đình này chinh phục đỉnh núi này như một cuộc chạy tiếp sức và đến đời A Chu thì mới về tới đích, nhưng không biết bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ xuống cùng với chiều lên của những bậc thang. Cụ nội bị rắn cắn phải chặt đứt ngón tay, đá rơi từ trên cao gãy chân ông nội, bố A Chu cuốc nhầm đứt cả ngón chân. Còn A Chu thì bàn tay đã chai sạn, đầy những vết sẹo... Mỗi lần gặp tai nạn, gia đình A Chu theo tục lệ người Mông lại làm lễ cúng với lễ vật gồm 1 bát gạo, 1 con gà, 1 chén rượu, 1 quả trứng, 1 que hương. Lễ vật đặt ngay góc ruộng. Rồi gắn với ruộng bậc thang còn những nghi lễ như cầu mưa, mừng cơm mới…
Giàng A Chu trở nên trầm tư: “Ông tôi từng nói nhờ có ruộng bậc thang mà no cái bụng không phải sống cảnh du canh du cư phá rừng đốt rẫy làm nương nay đây mai đó. Cho nên, chúng tôi cố chết mà khai khẩn ruộng, không bao giờ bán ruộng cả. Ruộng là tài sản đặc biệt, cha truyền con nối. Truyền từ đời này sang đời khác, ai có nhiều ruộng bậc thang thì được xem là giàu có”.
Bao nhiêu gia đình người Mông ở Mù Cang Chải, như nhà Giàng A Chu, tiếp nối qua nhiều thế hệ khai khẩn núi đồi để tạo nên những ruộng bậc thang mà các thảm lúa vàng giờ đây đang nở bung ra trùng điệp. Họ đã biến Mù Cang Chải (tiếng Mông nghĩa là: làng cây khô thành đồi ruộng mùa màng tươi tốt).
Cho tới bây giờ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là kỳ quan từ bàn tay người Mông và làm sao để làm nên những bậc thang vàng vững chãi giữa lưng chừng trời trên nền đất dễ lún sụt vẫn là một bí ẩn với nhiều người.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: Ruộng bậc thang là một công trình mang ba đặc tính: đẹp, bền vững và thân thiện với thiên nhiên. Đã đến lúc cần tập trung đánh giá để đúc kết một công trình khoa học về ruộng bậc thang cũ và mới.
(Còn nữa)
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/mua-vang-lung-chung-troi-1809484.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12