Gặt mò trong đáy nước.
Gặt mò
Trời tiếp tục đổ mưa trên những đồng lúa chín vàng nằm ven quốc lộ 61B thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang bị ngập nước. Trong lúc đó, ông Lê Văn Lực (Út Lực) đang thuê nhân công vớt từng bông lúa đã gục sâu trong nước với hy vọng vớt vát những gì còn sót lại sau chuỗi ngày mưa liên tục. “Lúa này giờ chỉ còn bán được cho mấy người nuôi vịt, coi như phủi tay”, ông Lực nói. Hiện giá lúa IR 50404 “cắt ngầm” (lúa chìm trong nước) chỉ khoảng 3.000 – 3.100 đồng/kg, tương tự lúa hạt dài cũng chỉ khoảng 3.600 – 3.700 đồng/kg.
Tại xã Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), nước đang ngập sâu thêm từng ngày. Phần lớn diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập hơn nửa thân lúa, nên máy gặt liên hợp chỉ còn biết nằm bờ “nhìn” nông dân “lặn hụp” dưới đồng nước cùng những bó lúa sũng ướt. “Vụ này, nông dân đành chịu ăn một nửa, bỏ một nửa. Nếu cắt sâu để lấy luôn cả những bông lúa đã ngâm vài ngày trong nước, những hột lúa hư lẫn lộn sẽ lây cả những phần lúa còn nhóng cao hơn mặt nước khi đựng chung trong bao”, nông dân Nguyễn Minh Phước ở ấp Đông Giang (xã Đông Bình) phân tích.
Ở tỉnh Vĩnh Long, do mưa suốt nhiều ngày liền, đã làm cho những cánh đồng lúa nằm kẹp giữa sông Cổ Chiên – sông Hậu. Do đó, nông dân Lê Văn Năm ở huyện Trà Ôn đã phải “năn nỉ” chủ máy liên hợp gặt đập cho máy cắt lúa vào làm việc ngay cả ban đêm nếu trời không mưa. “Làm lúa ban đêm chắc chắn sẽ thất thoát lúa nhiều hơn ban ngày, nhưng thà vậy mà có lúa tốt, còn hơn để nó hư hết ngoài ruộng vì mưa dầm”, ông Năm tính toán.
Thiệt hại kép
Hôm trước đợt mưa bão, theo đánh giá của nông dân về lúa vụ 3 ở xã Đông Bình (Thới Lai – Cần Thơ), năng suất vụ này đạt khoảng 5 – 5,2 tấn/ha, giá lúa tươi hạt dài lúc đó khoảng 4.600 – 4.800 đồng/kg, tính ra, nông dân kiếm lời gần 1 triệu đồng/công lúa (1.000m2). Tuy nhiên, hiện nay, chi phí cho giá nhân công thu hoạch lúa bằng thủ công khoảng gần 1 triệu đồng, gấp gần ba lần giá thuê máy gặt đập liên hợp. Hiện tại, giá lúa tươi hạt dài được thương lái mua giá 4.000 – 4.200 đồng/kg, nhưng hầu hết thương lái đã tạm ngưng mua lúa tươi tại các cánh đồng đang thu hoạch thủ công với lý do các lò sấy đã quá tải. Do vậy, nếu thu hoạch trong đợt này, nông dân phải tự làm khô lúa và tự lo việc tồn trữ. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất thoát lúa chắc chắn sẽ tăng và lúa hàng hoá sẽ giảm chất lượng và bị rớt giá thảm hại.
Ở tỉnh Đồng Tháp, hệ thống máy bơm tiêu úng tại những vùng sản xuất lúa vụ 3 ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự… hiện đang hoạt động ngày đêm để bảo vệ lúa vụ 3. Do nhiều trà lúa ở những vùng này chỉ mới ở thời kỳ làm đòng, nên nếu cộng thêm chi phí cho việc bơm tiêu nước sẽ làm giá thành hạt lúa tăng cao, nông dân chắc chắn sẽ không còn lãi được bao nhiêu qua việc trồng lúa vụ 3.
Nếu so với mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc cùng kỳ này năm 2011 đều đã vượt báo động 3 khoảng 20cm, mực nước lũ năm nay ở thượng nguồn vẫn còn thấp hơn khoảng 1m, nhưng thiệt hại của nông dân ở vùng hạ lưu năm nay lại đến sớm hơn, “liệu khi vào lũ chính vụ, lượng nước có đổ về nhiều hơn, gần phân nửa diện tích lúa vụ 3 còn lại chưa thu hoạch có hy vọng kiếm ăn được?”, trưởng ấp Đông Giang (xã Đông Bình, Thới Lai, Cần Thơ) lo ngại. Nhưng ngay trong lúc này ở Hậu Giang, “lúa vụ 3 năm nay từ lỗ tới… lỗ”, ông Út Lực,nông dân huyện Châu Thành A đoan chắc như vậy.
Mực nước đầu nguồn tiếp tục tăng Thông tin từ ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, mực nước khu vực đầu nguồn vùng ĐBSCL đang tiếp tục tăng, mực nước thực đo trên sông Tiền tại Tân Châu hôm qua (26.9) đã xấp xỉ mức 3,7m, vượt báo động 1: 20cm; trên sông Hậu tại Châu Đốc cũng xấp xỉ mức báo động 1 (3m). Dự báo của đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước vùng đầu nguồn tiếp tục tăng và có thể đạt 3,8m tại Tân Châu và 3,1m tại Châu Đốc vào cuối tháng 9 này. Vùng hạ lưu được dự báo mực nước giảm nhẹ theo triều, nhưng sẽ tăng trở lại trong vòng vài ngày tới. |
Theo SGTT
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/ngup-lan-thu-hoach-lua-vu-3-1808651.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12