Sau hàng loạt sự cố liên quan đến tiêm chủng xảy ra với trẻ em, ngày 27-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm “xốc” lại công tác an toàn tiêm chủng.
Cán bộ Bộ Y tế kiểm tra việc bảo quản vắc-xin tại tỉnh Ninh Bình..
Nhiều vi phạm tại các điểm tiêm chủng
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết trong 2 tháng qua, ngành y tế đã thanh tra, kiểm tra hơn 6.600 điểm tiêm chủng trong tổng số gần 17.000 điểm trên toàn quốc. Trong đó, nhiều điểm có cơ sở vật chất không bảo đảm như chật hẹp, xuống cấp; tiến độ đào tạo nhân lực cho tiêm chủng chưa đạt yêu cầu... Theo ông Bình, trong số điểm tiêm chủng đã kiểm tra, nhiều địa phương chỉ có 30%-55% cơ sở đủ điều kiện.
Ông Bình thừa nhận tiến độ kiểm tra điểm tiêm chủng chậm, trong khi yêu cầu phải đạt 100% trước khi tiêm vắc-xin Quinvaxem trở lại. Chỉ những điểm đủ các điều kiện an toàn mới được tiêm chủng Quinvaxem.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, kết quả kiểm tra 60 điểm tiêm chủng tại các xã, khoa sản và điểm tiêm dịch vụ mới đây cho thấy có đến 85% số điểm chưa đạt điều kiện về an toàn tiêm chủng. Đáng chú ý, trong số 20 điểm tiêm chủng bệnh viện được kiểm tra, không điểm nào đủ điều kiện. Vi phạm chủ yếu là chưa có áp phích quy định về tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng và khám sàng lọc chưa được tập huấn, chưa có kế hoạch về tổ chức tiêm chủng. Nhiều điểm tiêm chủng bệnh viện chưa có hướng dẫn tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh...
Đánh giá công tác tiêm chủng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Điểm tiêm chủng tại khoa sản, khoa sơ sinh của các bệnh viện hiện còn nhiều vấn đề. Vì thế, cần giao trách nhiệm cho giám đốc các bệnh viện, trưởng khoa sản, khoa sơ sinh của các bệnh viện để bảo đảm chất lượng tiêm chủng”.
Không an toàn, người dân sẽ mất lòng tin
Tại hội nghị, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, đặt vấn đề cần xử lý hiệu quả tai biến sau tiêm chủng. Theo ông, Việt Nam đang tiêm chủng 11 loại khác nhau nhưng tai biến hay gặp chỉ rơi vào vắc-xin viêm gan B và Quinvaxem. Vì vậy, cần tập trung giám sát các loại vắc-xin có sự cố cao và xử lý hiệu quả tai biến sau tiêm. Ông Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho rằng nếu nguyên nhân gây tai biến sau tiêm vắc-xin không được làm rõ, người dân sẽ mất niềm tin vào tiêm chủng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định việc chấn chỉnh toàn diện công tác tiêm chủng đang được Bộ Y tế ráo riết thực hiện trước khi sử dụng lại vắc-xin Quinvaxem vào tháng 10 tới. “Ước tính, từ nay đến cuối năm 2013, số trẻ tiêm chủng tăng gấp 5 lần so với thông thường nên công tác an toàn tiêm chủng càng phải được chú trọng. Bộ Y tế yêu cầu mỗi huyện phải bố trí 3-5 đội cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố sau tiêm vắc-xin” - ông Bình nhấn mạnh.
Đề cập chất lượng vắc-xin được tiêm trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định loại hiện có là bảo đảm, riêng 1,5 triệu liều Quinvaxem chuẩn bị tiêm chủng đã được kiểm định chất lượng. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về tiêm chủng.
Sử dụng trở lại vắc-xin Quinvaxem Ngày 27-9, Cục Quản lý dược đã có văn bản đề nghị sở y tế và trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; y tế các ngành thông báo cho các cơ sở tiếp tục sử dụng vắc-xin Quinvaxem (phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng) SĐK: QLVX-0604-12 do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất. Đối với các vắc-xin Quinvaxem đang tạm ngừng sử dụng, tiếp tục bảo quản để sử dụng trong thời gian tới. |
Theo Tiền Phong Online
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/vua-tiem-chung-vua-run-1809114.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12