Chiều 3/12, trong buổi họp giao bán báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ với báo giới về lý do chọn tên gọi dự kiến cho hai quận mới của Hà Nội.
Ông Long cho hay: “Đây là thời điểm thích hợp, phù hợp để lập quận mới. Thể theo ý chí nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương, TP. Hà Nội báo cáo với Chính phủ, Chính phủ đã họp cho ý kiến và đồng ý với dự kiến của Hà Nội là đề nghị thành lập 2 quận mới trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số của huyện Từ Liêm”.
Tuy nhiên, việc thành lập quận mới có nhiều ý kiến và vấn đề được quan tâm nhất là tên gọi. Cho đến lúc này, HĐND TP. Hà Nội chưa biểu quyết, phê duyệt về tên gọi của hai quận mới này. Có ý kiến cho rằng nên đặt tên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, quận Mỹ Đình… Theo tờ trình, dự kiến tên gọi vẫn là Từ Liêm, lấy trục đường 32 chia tách ra thành: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm”.
Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Tuấn Nam)
Lý giải về việc chọn tên dự kiến là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, ông Phan Đăng Long cho biết: “Nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng, đó là ý chí và nguyện vọng của người dân. Khi tham khảo và qua thực tế, chúng tôi thấy tâm lý của người dân Việt Nam nói chung và người dân Từ Liêm nói riêng là rất gắn bó với địa danh nên ai cũng muốn giữ tên cũ.
Khi có ý kiến đặt tên một phần là Từ Liêm, phần còn lại là một tên mới nhưng phần được đặt tên là Từ Liêm thì tán thành, còn phần được đặt tên mới thì không tán thành… kể cả tên Mỹ Đình”.
Được biết, trước đó, trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội, ngày 28/11, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 428/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm) nhất trí chủ trương, giao thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập thành lập 2 quận và 23 phường.
Liên quan đến tên gọi của hai quận mới này, ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm (TP. Hà Nội) cho hay việc dự kiến sẽ giữ nguyên tên Từ Liêm là để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 quận tiếp tục nâng cao niềm tự hào về truyền thống của huyện, kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, phấn đấu xây dựng 2 quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, luôn xứng đáng với quá khứ hào hùng mà cha ông đã xây dựng.
Huyện Từ Liêm vẫn đang tiếp tục xin ý kiến nhân dân trên địa bàn về tên gọi của 2 quận mới cũng như tên gọi các phường trực thuộc. Dự kiến việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm sẽ được thực hiện chính thức vào đầu quý III năm 2014.
Theo đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, với ranh giới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía nam và theo địa giới hành chính 364 đã được thiết lập từ năm 1993, dự kiến quận phía Bắc sẽ có tên là quận Bắc Từ Liêm, quận phía nam sẽ có tên là quận Nam Từ Liêm.
Quận Bắc Từ Liêm được xác định ranh giới phần đất phía bắc của huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía tây sông Nhuệ, với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2. Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: 5 phường giữ nguyên tên cũ là Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai; 8 phường được hình thành và tách từ 4 xã cũ có tên mới là Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1 và Phú Diễn 2.
Còn quận Nam Từ Liêm có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Địa giới của quận là phần đất ở phía nam huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 7 xã: Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, phần lớn diện tích xã Xuân Phương và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32). Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Nam Từ Liêm gồm 10 phường: 4 phường giữ nguyên tên cũ là Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cầu Diễn; 6 phường được hình thành và tách từ 3 xã gồm Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2, riêng xã Mễ Trì được tách thành 02 phường là Mễ Trì (bao gồm thôn Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng), thôn Phú Đô thành lập phường Phú Đô.
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/tiet-lo-ly-do-chon-ten-du-kien-cho-hai-quan-moi-cua-ha-noi-1869855.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12