8 giờ 20 phút: Tòa triệu tập ông Hoàng Việt, giám định viên, đại diện Trung tâm Pháp y Phú Yên, để đối chứng về kết quả khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân chết của anh Ngô Thanh Kiều.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy anh Ngô Thanh Kiều chết do chấn thương sọ não. Ông Việt còn cho biết phần lớn các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương như tim, phổi, gan, thận, dạ dày, lách, ruột non, ruột già, tinh hoàn… Anh Kiều bị sung huyết và phù não cấp, một số nội tạng bị sung huyết cấp tính, phù phổi trên nền phổi viêm, các tạng còn lại đã hoại tử sau khi chết.
Các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương nặng
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành truy vấn ông Hoàng Việt: "Vì sao hầu hết các cơ quan nội tạng của nạn nhân Kiều bị tổn thương nặng như vậy nhưng cơ quan giám định pháp y lại cho rằng đó không phải là nguyên nhân gây nên cái chết của anh Kiều?". Ông Hoàng Việt thẳng thắn: “Khi nào luật sư dự hội nghị khoa học thì tôi sẽ trả lời!”- ông Việt nói tại tòa. Ông cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi của vị luật sư này.
9 giờ: HĐXX mời gia đình bị hại trình bày ý kiến. Đại diện gia đình là bà Trần Thị Tâm (SN 1985, vợ Ngô Thanh Kiều) và Ngô Thị Tuyết (chị ruột Kiều).
Tại tòa, bà Tâm yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần 414 triệu đồng, yêu cầu cấp dưỡng nuôi hai con của Kiều trong 367 tháng, mỗi tháng 1,5 triệu đồng với tổng số tiền 844 triệu đồng, yêu cầu bồi thường chi phí mai táng 200 triệu đồng. Tòa hỏi “Gia đình chị yêu cầu ai phải bồi thường?”. Bà Ngô Thị Tuyết nêu ý kiến: "Cơ quan nào gây ra cái chết của em tôi thì cơ quan đó phải bồi thường. Ở đây, Công an tỉnh Phú Yên và Công an TP Tuy Hòa phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường".
Trả lời câu hỏi của tòa về kiến nghị hình phạt đối với các bị cáo, bà Ngô Thị Tuyết yêu cầu tòa xử bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành với mức án cao nhất. “Từ khi em tôi bị đánh chết đến nay, gia đình bị cáo Thành chưa hề có một lời hỏi thăm, chia sẻ với nỗi đau của gia đình tôi, cũng chưa hề bồi thường một đồng. Khi đến tòa, bị cáo còn có cười ngạo nghễ trên nỗi đau của gia đình tôi” - bà Tuyết nói.
Ông Ngô Văn Cộ, cha bị hại thần thờ trước những lời khai bị cáo đánh đập con mình
Đối với bị cáo Nguyễn Minh Quyền và bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy,cán bộ Công an TP Tuy Hòa), đại diện gia đình bị hại yêu cầu chuyển từ khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù lên khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự có mức án từ 5 năm đến 12 năm tù.
Bà Tuyết nói: “Từ đầu phiên tòa đến nay, bị cáo Quyền luôn quanh co chối tội, không hề có thái độ ăn năn, hối cải. Trước đây, gia đình anh Quyền đến gia đình tôi nói rằng do phải làm nhiệm vụ mà anh Quyền gây ra cái chết đối với em tôi và xin gia đình tôi tha thứ. Nói như vậy là ngụy biện vì chính cá nhân các anh gây ra cái chết của em tôi chứ không phải do làm nhiệm vụ mà gây ra”.
Với bị cáo Mẫn, chị Tuyết nói: “Tuy gia đình bị cáo Mẫn có đến xin lỗi, xin gia đình tôi tha thứ nhưng bản thân bị cáo không hề ăn năn, hối cải. Ngược lại bị cáo Mẫn cũng luôn quanh co chối tội. Gia đình tôi không thể tha thứ cho Mẫn. Mong gia đình Mẫn thông cảm”.
Gia đình bị hại xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Tấn Quang và Đỗ Như Huy
9 giờ 20 phút: Điều bất ngờ tại phiên tòa là gia đình bị hại xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, đều là cán bộ Công an TP Tuy Hòa).
Bà Tuyết trình bày: “Dù hai bị cáo này cũng gây ra cái chết của em tôi nhưng họ tự nhận thấy đó là lỗi lầm của cá nhân mình và tỏ ra ăn năn, hối cải. Không phải vì gia đình hai bị cáo này bồi thường tiền bạc mà chính thái độ xin lỗi chân thành của bị cáo Huy làm gia đình tôi tha thứ. Gia đình tôi cũng thông cảm với bị cáo Quang. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với hai bị cáo này”.
10 giờ 15 phút: HĐXX công bố lời khai của ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can.
Ông Hoàn thừa nhận có phân công Nguyễn Trần Nguyên Phúc đến mời Ngô Thanh Kiều về Công an TP Tuy Hòa làm việc. Khi Kiều được dẫn giải về Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn thấy sức khỏe bình thường, tay Kiều bị còng.
Khi cơ quan điều tra hỏi chỉ đạo mời, sao lại còng, như vậy có sai không, ông Hoàn trả lời: “Tôi không chỉ đạo Phúc mang theo vũ khí và dụng cụ còng tay. Việc còng tay như thế là sai nhưng thiết nghĩ cần thiết vì đề phòng Kiều bỏ chạy”.
Khi cơ quan điều tra hỏi về việc không có lệnh bắt nhưng còng tay, ông Hoàn trả lời: “Tôi thấy việc đó là sai nhưng vì vụ việc gấp rút nên tổ công tác không thực hiện kịp các thủ tục tố tụng”. Ông Hoàn thừa nhận có phân công các bị cáo Quyền, Mẫn và Quang tiến hành xét hỏi Ngô Thanh Kiều.
Khi cơ quan điều tra hỏi về việc xét hỏi nhưng lại còng tay Ngô Thanh Kiều, ông Hoàn thừa nhận là sai, nhưng chỉ vì điều tra viên sợ Kiều bỏ chạy. Khi cơ quan điều tra hỏi về việc dùng nhục hình dẫn đến Ngô Thanh Kiều bị chết, ông Hoàn thấy đó là việc làm sai trái của các điều tra viên. Riêng mình tự thấy thiếu trách nhiệm khi không ngăn cản kịp thời. “Tôi thấy việc khởi tố các điều tra viên về tội dùng nhục hình là đúng, nhưng mong cơ quan điều tra thông cảm, chỉ vì các điều tra viên này nóng vội, mong sớm kết thúc chuyên án nên mới xảy ra như vậy”- ông Hoàn khai.
Ông Hoàn khai trong ngày 13-5-2012, không nghe bất kỳ tiếng kêu la hay ai đánh đập gì.
Các bị cáo ra hầu tòa vào sáng 28-3
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Tuy Hòa, đầu tháng 3-2012, Công an TP Tuy Hòa lập chuyên án điều tra về vụ trộm cắp trên địa bàn do ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa làm Trưởng ban chuyên án. Chiều ngày 12-5-2012, ông Hoàn chỉ đạo thuộc cấp phối hợp với Công an huyện Tây Hòa mời Ngô Thanh Kiều về Công an TP Tuy Hòa làm việc.
Thế nhưng, lúc 3 giờ 15 phút ngày 13-5-2012, tổ công tác gồm 7 người ở Công an TP Tuy Hòa, Công an huyện Tây Hòa và Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay Kiều đưa về Công an TP Tuy Hòa. Tại đây, trong quá trình lấy lời khai, 5 sĩ quan công an nói trên đã thay nhau dùng dùi cui đánh vào người, vào đầu khiến anh Kiều tử vong trên đường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Kết quả giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Phú Yên cho thấy anh Kiều tử vong do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi.
Viện KSND TP Tuy Hòa đã truy tố công an đánh chết người Nguyễn Thân Thảo Thành về tội dùng nhục hình theo khoản 3 điều 298 của Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.
Trong khi đó, các bị can khác bị truy tố cũng về tội dùng nhục hình nhưng ở khoản 1, điều 298, có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Riêng ông Lê Đức Hoàn cùng 8 công an khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên kiến nghị xử lý kỷ luật.
Theo Người lao động
via Sự kiện xã hội - RSS Feed http://bit.kenh12.com/1gIzwgS Theo Blog.Kenh12.Com