Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Quan hệ vợ chồng khi mang thai – Có nên cấm vận?


Hỏi: Em mới cưới xong thì cấn thai ngay. Mẹ em, mẹ chồng và các chị lớn tuổi đều nhắc nhở phải “chay tịnh” chuyện chăn gối, trong khi chúng em còn trẻ, lại mới làm vợ chồng. Theo bác sĩ, vợ chồng em phải làm thế nào cho đúng?
Trả lời: Nhiều cặp vợ chồng trẻ cưới nhau xong cứ quan hệ vô tư nên chưa đầy tháng cô vợ đã nôn ọe khiến cả hai mới “tập trận” đã phải “ngưng chiến” vì cái bầu. Hỏi thăm người đi trước, đa số lại quan trọng hóa vấn đề: phải ngưng ngay kẻo đứa trẻ sẽ “kém thông minh!”, phải “đình chiến” kẻo sẩy thai… Hỏi các cụ bô lão, các cụ cũng khuyên: vì đứa trẻ, vợ chồng bây phải “cách ly” kẻo nó “đần độn”! Vợ chồng trẻ làm sao chịu nổi chuyện “ăn kiêng” đến chín tháng?
Quan hệ vợ chồng khi mang thai   Có nên cấm vận?
Để hiểu hơn vấn đề này, các bạn cần có chút kiến thức về việc mang thai. Bào thai nằm trong một khối cơ rỗng có tên là tử cung (tử là con, cung là cái buồng), chìm trong lớp nước ối. Hệ thống nội tiết thai nghén chủ yếu là progesterone giúp cho cơ tử cung luôn mềm mại, không co bóp. Lá nhau hình thành, gai nhau hút máu mẹ chuyển qua cuống rốn để nuôi thai nhi. Sự chuẩn bị của tạo hóa có thể nói gọn trong hai từ “hoàn hảo”. Vậy thì tại sao lại khuyên vợ chồng không quan hệ tình dục khi mang thai? Bởi tinh trùng chứa prostaglandin, nếu phóng liên tục vào cổ tử cung, prostaglandin có thể gây co bóp cơ trơn nơi đây. Chẳng may cổ tử cung nhạy cảm, co đến mức hé mở, chút nước màu hồng chảy ra ngoài thì nguy cơ sẩy trong ba tháng đầu là có thể. Vì vậy, tần số nên giảm, tốc độ cũng chậm rãi “vừa đánh vừa theo dõi tình hình” là việc của các ông chồng nên làm. Một yếu tố khác là phụ nữ mới cấn thai thường mệt mỏi, không muốn quan hệ, nên trước “đánh” phải “đàm” để vợ thấy chồng yêu thương, thấy mình được tôn trọng sẽ mềm lòng và sẵn sàng hơn.
Ba tháng giữa được các nhà sản khoa gọi là thời kỳ bình ổn giữa mẹ và con nên ham muốn cũng tăng lên. Có chị trước đó không hề đạt cực khoái nhưng ba tháng giữa của thai kỳ, cực khoái xuất hiện, thậm chí là đa cực khoái. Thời kỳ này, các chị nom hấp dẫn hơn vì ngực to, mông nở. Đây là thời gian các ông chồng yên tâm, không cần vừa đánh vừa theo dõi, nhưng vẫn cần chọn tư thế nào dễ chịu đối với vợ để đôi bên cùng có cơ hội tận hưởng. Các nhà tình dục học khuyên nên chọn tư thế “úp thìa” hay bà con mình còn gọi là “xếp cá mòi”. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ. Nếu bà bầu bị nhau tiền đạo (lẽ ra nó nằm cạnh thì lại chắn ngang đường ra của thai) thì khi “làm ăn” sẽ bị ra huyết. Lúc đó, cần đến bác sĩ, siêu âm và đành chấp nhận “ngưng chiến”.
Ba tháng cuối là lúc bào thai tăng tốc độ phát triển nên bụng to ra rất nhanh. Nội tiết thai nghén tăng cường giữ nước, giữ mỡ để chuẩn bị sản xuất sữa khiến bà bầu trông nặng nề hơn. Thai nhi to ra, chèn ép vào hệ mạch chi dưới nên một số chị bị phù, nặng chân. Nhiều người ái ngại: bụng to thế liệu ông chồng có chịu “ăn kiêng” hay cứ “làm tới”? Trừ những trường hợp dọa sinh non do hở cổ tử cung, do nhau tiền đạo đã được bác sĩ khuyên ngưng, còn lại thì các bạn vẫn có thể quan hệ. Tư thế thích hợp là do các bạn chọn. Lúc này lưu ý là đừng nhiệt tình quá bởi prostaglandin của tinh trùng vẫn có thể gây co bóp cổ tử cung làm sinh non.
Điều các bạn cần phải ghi nhớ là ba tháng đầu, quá trình phân chia để hình thành em bé. Nếu chúng ta sử dụng hóa chất, thuốc, ăn thực phẩm chứa chất độc, bị nhiễm siêu vi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai và có thể gây ra dị dạng. Có người còn hiểu lầm, em bé sẽ phải “ăn” cái món tinh dịch mà cha hắn gửi vào qua những lần “quan hệ”. Thật ra, cổ tử cung luôn đóng kín khi mang thai nên tinh dịch đi vô rồi phải ngược trở ra, làm gì có chuyện đó. Các nhà tâm lý học cho rằng: em bé từ khi hình thành ống thần kinh ở tháng đầu tiên đã cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho bé. Nếu ông chồng trước đó xoa bụng vợ trò chuyện với con, vợ chồng yêu thương nhau thật sự thì các nơ-ron thần kinh non nớt kia cũng có thể nhận biết được. Quan hệ tình dục khi mang thai nhiều hay ít, kiêng cử hay không phụ thuộc chủ yếu vào em bé và tình trạng sức khỏe của người mẹ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ sẽ có cơ sở khoa học hơn là “nghe nói” hoặc nghe những lời dọa dẫm thiếu căn cứ.
Bác sĩ Lê Thúy Tươi

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội