Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Đầu năm 2014 sẽ có xe điện

Sơ đồ lộ trình tuyến và phạm vi hoạt động (theo đề án).

Sơ đồ lộ trình tuyến và phạm vi hoạt động (theo đề án).

Hai phương án vận chuyển


Ở bản dự thảo đề án thí điểm xe điện, sở GTVT đưa ra hai phương án vận chuyển: hoặc là hoạt động theo mô hình tổ chức của taxi (phương án 1), hoặc là hoạt động theo mô hình hoạt động của xe buýt (phương án 2).


Theo đó, nếu hoạt động theo hình thức taxi thì xe điện sẽ có thời gian hoạt động 24/24 và vị trí đậu đỗ được xác định tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn. Phương tiện xe điện tối ưu được lựa chọn ở phương án này là loại xe từ 4 – 8 chỗ ngồi. Phương án khai thác ở hình thức này tương tự như taxi nhưng chỉ hoạt động trên một số tuyến đường chính cho phép ôtô hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố. Hành khách có nhu cầu điện thoại về tổng đài để báo địa điểm cần đón, tổng đài sẽ báo điểm cần đón cho xe gần nhất.


Còn nếu hoạt động theo hình thức xe buýt thì xe điện dự kiến chạy theo tuyến cố định, với lộ trình kết nối các điểm du lịch, khách sạn lớn… Lộ trình tuyến dự kiến như sau: Công viên 23/9 Lê Lai – Đỗ Quang Đẩu – Bùi Viện – Đề Thám – Trần Hưng Đạo – Bến Thành – Hồ Tùng Mậu – Tôn Đức Thắng – Công trường Mê Linh – Hai Bà Trưng – Công trường Lam Sơn – Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Lê Thánh Tôn – Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Lê Quý Đôn – Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch – Lê Duẩn – Thảo cầm viên. Với cự ly tuyến là 7,25km. Giãn cách 15 – 20 phút/chuyến. Số xe hoạt động dự kiến là sáu cùng với hai xe dự phòng.









Mở rộng phạm vi


Theo quyết định số 8 ngày 19.2.2013 của UBND TP.HCM, khu vực trung tâm thành phố được giới hạn bởi trên và bên trong các tuyến đường: Hai Bà Trưng – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thị Nghĩa – Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ – Hai Bà Trưng. Đây là nơi tập trung các khu mua sắm lớn, nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều nhà hàng khách sạn, cơ quan hành chính nên nhu cầu đi lại của hành khách là rất lớn. Tuy nhiên, theo sở GTVT khu vực trung tâm thành phố có phạm vi nhỏ, nếu hoạt động trong khu vực này sẽ bỏ qua các điểm du lịch có lượng khách tham quan rất lớn như: Khu phố Tây, Thảo cầm viên Sài Gòn, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Lịch sử Việt Nam... Vì vậy, phạm vi đề xuất của đề án này sẽ hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố cộng với khu vực đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và khu vực đường Lê Duẩn.



Ở mô hình hoạt động này, loại xe điện được lựa chọn là loại 12 chỗ. Theo đó, phương án khai thác (tổ chức, điều hành, thông tin hành khách, giá vé và biểu đồ chạy xe): hành khách sẽ đón xe tại trạm định sẵn. Hành khách sẽ được thông tin trước biểu đồ chạy xe, giá vé, lộ trình đi và về, các điểm thu hút… thông qua các tờ bướm của nhà khai thác tuyến phát tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn…


Xã hội hoá đầu tư


Tuy đưa ra hai phương án, nhưng ngay trong bản dự thảo của đề án, sở GTVT đề xuất chọn phương án hoạt động theo mô hình taxi (phương án 1), bởi tính cơ động cao hơn, theo yêu cầu của một hoặc từng đoàn du khách, thay thế xe xích lô trên một số tuyến… Ngoài ra, theo sở GTVT, phương án 1 còn giúp thành phố dễ kêu gọi các nhà đầu tư (các công ty du lịch, hãng taxi...) vì khả năng thu hồi vốn khả thi hơn so với phương án 2.


Về phương thức triển khai đề án, theo kiến nghị của sở GTVT là xã hội hoá nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố. Sau khi UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, sở GTVT sẽ thông báo kêu gọi các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ lập dự án trình UBND thành phố xem xét và trình Chính phủ và các bộ, ngành xin chủ trương thí điểm.


Để đề án thì điểm xe điện đạt hiệu quả cao, sở GTVT kiến nghị thành phố giao sở nghiên cứu, có văn bản đề nghị bộ GTVT sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô điện; ban hành các quy định liên quan tới người điều khiển loại xe điện khi tham gia giao thông trên đường công cộng.


Trong trường hợp sử dụng ôtô điện được lắp ráp tại Việt Nam, đề nghị UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện và phụ tùng xe điện phục vụ cho đề án này, để khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất và lắp ráp. Trường hợp các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất và lắp ráp xe điện, đề nghị UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho miễn thuế nhập khẩu đối với ôtô điện phục vụ đề án này.









Vì sao chọn xe điện?


Theo dự thảo đề án, với các ưu điểm của nhiên liệu điện về mặt trữ lượng, giá thành và đặc biệt là ít có khí thải ô nhiễm, cộng với trào lưu bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính, sử dụng nhiên liệu sạch nên việc ứng dụng điện làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải hành khách cá nhân, công cộng và vận tải hàng hoá đã trở nên phổ biến trên thế giới. Đưa xe điện vào sử dụng là cần thiết. Ngoài ra, đề án còn làm cơ sở xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cho xe ôtô điện và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp và đầu tư xe ôtô điện, nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất ôtô tại TP.HCM. Đặc biệt, khi sử dụng xe điện sẽ từng bước chấn chỉnh và cải thiện tình hình chấp hành trật tự an toàn giao thông của xe taxi ở

khu vực trung tâm thành phố.



Theo SGTT






via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/dau-nam-2014-se-co-xe-dien-1687682.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12

Đời sống xã hội

Đời sống xã hội