Số sinh viên ngoài công lập vẫn chỉ chiếm ở mức 15% tổng số sinh viên toàn quốc. Ảnh: Kỳ Anh
Tiến tới 40% SV ngoài công lập
GS Trần Phương cho biết, trong vòng 10 năm nay, tại VN, số sinh viên (SV) ngoài công lập vẫn chỉ chiếm ở mức 15% tổng số SV toàn quốc, trong khi đó tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... số SV ngoài công lập rất đông, chiếm tới 70 - 80%. Bên cạnh đó, số SV tại VN còn quá ít, chỉ có 280 SV/vạn dân so với các mức 500 SV/vạn dân của Thái Lan hay 700 - 800 SV/vạn dân của Hàn Quốc.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do Chính phủ trợ cấp cho SV đại học công lập quá nhiều, đưa ra các tiêu chí tuyển sinh không thích hợp như điểm sàn, thi 3 chung... Điều này vô tình tạo ra cho các trường ĐH, CĐ địa phương và các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh viên, chưa tạo ra sự bình đẳng, hạn chế đà phát triển cho giáo dục đại học, đồng thời đẩy nhiều HS muốn học ĐH, CĐ ra nước ngoài để tìm trường theo học.
GS Trần Phương khẳng định, ngành giáo dục VN hiện nay đủ đội ngũ trí thức, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được học CĐ, ĐH của HS, SV hiện nay. Đồng thời, chất lượng giảng dạy tại các trường ngoài công lập, CĐ không hề thua kém, vẫn đào tạo được nhiều thành phần trí thức, có tài, có lực cho đất nước.
Do đó, GS Trần Phương kiến nghị phải đưa ra các tiêu chí tuyển sinh sao cho có thể tiến tới mục tiêu ban đầu là 40% SV ngoài công lập và về sau có thể cao hơn nữa, nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám và ngoại tệ. Điều quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giảng dạy cũng như đầu ra của các trường, thay vì chỉ chú trọng đầu vào.
Nên chăng, tuyển sinh đa tiêu chí?
Theo tính toán hiện nay, nếu dựa vào tiêu chí điểm sàn và thi “3 chung” mà Bộ GDĐT đề ra, các trường ngoài công lập chỉ tuyển được khoảng 15% trên tổng số HS thi vào ĐH, CĐ, trong khi lượng SV mà nhà trường có đủ khả năng đào tạo lại cao hơn rất nhiều. Vài năm trở lại đây, kế hoạch tuyển sinh của một số trường ĐH, CĐ công lập địa phương và các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Không chỉ một vài ngành học phải tạm dừng vì không tuyển được sinh viên, mà vì một số trường tuyển được rất ít, dẫn tới sự tồn tại của nhà trường bị đe dọa. Trong khi đó, lượng HS, SV đi du học ngày càng tăng cao. |
GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - cho rằng, điểm sàn không có “tội”, mà chính việc không xác định được đúng điểm sàn đã gây ra nhiều khó khăn và áp lực cho các trường ngoài công lập cũng như những trường top dưới như hiện nay. Do đó, GS Trần Hữu Nghị nêu quan điểm: Nên chăng, ngoài 2 yếu tố là quá trình học THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT, nên xét cả kết quả của kỳ thi “3 chung”? Về trọng số, nên lấy 40% kết quả thi ĐH, kết quả thi tốt nghiệp THPT và quá trình học THPT, mỗi yếu tố là 30%. Nếu lấy được cả 3 yếu tố này sẽ phản ánh được được kết quả học tập của học sinh trên cả quá trình.
GS Trần Phương đề xuất, nên áp dụng tuyển sinh đa tiêu chí để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của các trường ngoài công lập cũng như bối cảnh xã hội. Hoặc nên bỏ kỳ thi ĐH, CĐ hằng năm và chỉ lấy điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ trong 3 năm cuối cấp, điểm các môn năng khiếu làm tiêu chí tuyển sinh.
Còn theo ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, cho hay: “Đối với các trường công, bộ phải căn cứ rõ ràng nghiêm túc chỉ tiêu hằng năm cho các trường, các trường công chỉ được quyền lấy cao xuống thấp và được bộ đồng ý. Sau đó các trường khác xét theo đăng ký, có thể xét theo ba chung (kết quả thi), cộng thêm 3 năm học phổ thông và từ trên xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu. Nếu thực hiện được như vậy thì không có vấn đề gì xảy ra. Bộ có 2 điểm sàn, hoàn toàn không nên. Bộ phải có quy định, có chuẩn mực”.
Theo Lao Động
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/chay-mau-chat-xam-ngoai-te-vi-diem-san-1684529.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12