Chị Trinh nức nở khi kể về cái chết của đứa con.
Cầm di ảnh của con trên tay, gương mặt lam lũ của chị Trần Thị Trinh vốn đã phờ phạc, hốc hác trở nên đau đớn đến cùng cực. Mấy ngày qua, chị đã không còn nước mắt để khóc đứa con gái thơ dại vừa mất đi. Chốc lát chị lại nghẹn ngào trong tiếng nấc và tự trách mình: “Phải chi… Phải chi…”.
>> Đón đọc Lao động & Đời sống số 05.
>> Đón đọc Lao động & Đời sống số 04.
Cận cảnh nỗi đau của một gia đình nghèo
Chị Trinh (mẹ bé Quý) cứ ngồi lì bên mộ con vừa được chôn cất trong mảnh đất sau vườn, khóc lóc: “Phải chi hôm đó mẹ có ở nhà, mẹ không cho con ăn gan cóc thì con đâu bỏ mẹ mà đi. Mới hồi sáng mẹ còn nhìn thấy con đi hái rau cùng nội mà…”.
Hai chị gái của bé Quý cũng đứng sụt sùi bên mẹ. Đôi mắt đỏ hoe, đau buồn vì cái chết đột ngột của đứa em. Võ Thị Ngọc Quyên (SN 2001, chị gái cháu Quý) nức nở: “Bữa đó sau khi ăn gần xong, em thấy trong nồi còn 2 cái đùi cóc, em hỏi út (bé Quý): Em không ăn nữa thì cho chị nhe. Út liền nhõng nhẽo: Thôi để em ăn, không cho chị đâu. Phải chi lúc đó em ăn nhiều hơn có lẽ út không chết”. Anh Võ Văn Lực tỏ ra vô cùng ân hận trước cái chết của con. Anh luôn mang suy nghĩ mình là thủ phạm đã gây ra cái chết của con gái. Tránh ánh mắt dò hỏi của chúng tôi, trao đổi dăm câu anh lẳng lặng ra ngoài, âm thầm lấy vạt áo lén lau những giọt nước mắt trên gò má đen sạm.
Chị Trinh cho biết, vợ chồng chị lấy nhau sinh được 3 cô con gái, cháu Quý là út trong gia đình, lại rất ngoan ngoãn và lanh lợi. Hàng ngày chị phải làm thuê làm mướn đủ các công việc để kiếm tiền lo cho gia đình. Anh Lực do sức khỏe yếu nên ở nhà chăm sóc vườn ớt. Phần lớn, nguồn thu nhập của 2 vợ chồng, 3 đứa con và bà nội chủ yếu trông cậy vào đồng lương làm thuê của chị Trinh. Cuộc sống quanh năm đủ bề khốn khó.
Buổi sáng định mệnh
Rươm rướm nước mắt nhìn ra phía sau vườn – nơi bé Quý đang yên nghỉ, vợ chồng anh Lực kể về buổi sáng định mệnh. Đó là buổi sáng ngày 5.5, anh Lực đang hái ớt ngoài vườn thì trời mưa to. Lúc anh về nhà thì bắt được 3 con cóc. Anh hái thêm vài đọt lá cách đem về cho mẹ làm món cóc xào lá cách.
Đến giờ ăn cơm, cháu Quý là cháu út nên bà thương nhiều hơn, gắp cho cháu nguyên cái gan cóc. Do Qúy ăn nhiều nhất, một mặt em còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên không qua khỏi cơn nguy kịch. Sau bữa ăn, không chỉ Quý, mà cả bà nội (bà Lê Thị Ràng) và em Võ Thị Quyên (con gái thứ 2 anh Lực) cũng được chuyển vào bệnh viện. Quyên sau khi rửa ruột được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, còn bà Ràng vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Cao Lãnh.
Chị Trinh nghẹn ngào: “Sáng hôm đó tôi không có ở nhà, các cháu ở nhà cùng bà nội. Vừa về đến, thấy các con ăn cơm ngon lành cùng thịt cóc xào, cá kho và gỏi bông súng, tôi cũng ngồi ăn chung. Ăn xong tôi kêu cháu đi uống nước, xong cháu lên giường ngồi. Sau đó cháu than mệt rồi nằm xuống nghỉ. Bỗng dưng, cháu nó lăn xuống nền nhà rồi ói. Đưa đến bệnh viện chưa đầy 1 tiếng đồng hồ thì cháu mất”.
Được biết, ở các vùng nông thôn ĐBSCL, người dân vẫn thường bắt cóc làm thịt ăn với các món phổ biến như: Cóc nấu cháo đậu xanh hoặc các món xào như anh Lực đã chế biến cho cả nhà cùng ăn. Hầu hết, người dân đều hiểu rõ mối nguy hiểm từ độc tố của cóc và rất cẩn thận trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, chỉ cần một sơ suất nhỏ, có thể làm vỡ tuyến độc dưới da, dịch độc ngấm vào thịt cóc, người ăn vào sẽ bị trúng độc.
Anh Lực cho rằng, do mẹ anh tuổi đã cao, mắt không còn sáng nên trong lúc làm thịt cóc đã không rửa kỹ. Cộng thêm xưa nay chưa từng thấy ai ăn thịt cóc nên bà giữ gan lại cho cháu nội ăn, cũng chỉ vì thương yêu cháu. Hiện bà vẫn chưa hay cháu Quý mất, người nhà không dám nói vì sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, vì bà cũng nhiễm độc cóc và vẫn đang nằm trong bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Xuyến – cùng xóm chị Trinh cho biết: “Thấy vợ chồng nó tội nghiệp quá, nhà thì nghèo, làm quần quật suốt ngày cũng không đủ ăn. Giờ lại xảy ra chuyện này nên con Sương (con gái lớn chị Trinh, 16 tuổi) phải nghỉ học để phụ cha mẹ nó. Càng nghĩ càng thấy tội”.
Theo lời bà Xuyến, căn nhà chị Trinh đang ở vừa được sửa lại nhờ một người chị cho mượn tiền. Ở đây vào mùa lũ, nước lên tới giường ngủ. Mỗi lần như vậy, các cháu dường như không ngủ cả đêm để canh nước rút. Đáng buồn hơn là nhà vừa làm xong, chính quyền địa phương lại rút sổ hộ nghèo. Mọi chính sách từ hộ nghèo của gia đình đều bị cắt hết. 6 nhân khẩu với một công vườn, mọi chi phí hằng ngày luôn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ.
Chị Trinh tâm sự: Vất vả thế nào tôi cũng hạnh phúc mỗi khi về tới nhà gặp các con của mình, giờ thì Quý đã ra đi mãi mãi. Có lẽ số gia đình tôi phải chịu vậy rồi. Bây giờ phải ráng làm nuôi 2 đứa con ăn học, để sau này nó không vất vả như mẹ nó”…
Theo một số nghiên cứu, thịt cóc ăn rất mát, có thể trị được nhiều chứng bệnh như: Suy dinh dưỡng, còi xương, ăn không tiêu, bụng to, nổi gân xanh, biếng ăn, mất ngủ… Tuy nhiên, trên lưng và tứ chi của nó mọc các nốt sần sù sì, bên trong có chứa mủ độc màu trắng ngà như mủ sung. Khi bị kẻ thù tấn công, từ tuyến sau tai cóc phụt ra mủ độc. Mủ độc cóc thuộc loại độc tố mạnh, mà hàm lượng độc tố ở tuyến sau tai, tuyến da cóc đặc biệt nhiều, độc tố này còn chứa trong gan, trứng và cả thịt cóc, khiến ngay cả rắn độc cũng không dám đụng tới. Độc tố cóc sau khi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, sẽ gây tác hại nghiêm trọng đối với tim, đường tiêu hóa và trung khu thần kinh. Triệu chứng, biểu hiện thường là váng đầu, lợm giọng, nôn mửa, đau bụng, tháo dạ... Trường hợp trúng độc nghiêm trọng, cấp cứu không đúng cách hoặc chữa trị muộn, có thể chỉ trong vòng 2 - 24 tiếng đồng hồ sẽ bị tử vong vì suy kiệt hô hấp hoặc tuần hoàn. Thêm nữa, loại độc chất này không thể lọc bỏ được sau khi ngâm trong nước muối hoặc dầu mỡ, nói chung, dù đun nấu ở nhiệt cao cũng không khử được độc tính của nó. |
Theo Lao Động
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/thuong-chau-gai-5-tuoi-ba-cho-an-gan-coc-chau-tu-vong-1684549.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12