Chưa đồng tình cao
Đưa BHYT về trạm y tế là một ý tưởng tốt, vì qua đó sẽ giúp giảm tải ở tuyến trên, tạo điều kiện cho bệnh nhân không phải đi xa, mất thời gian chờ đợi, đặc biệt đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh mạn tính. Tại TP.HCM, khám BHYT ở tuyến phường, xã còn gắn kết với đề án bác sĩ gia đình, qua đó giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và quản lý tốt sức khoẻ cho người dân. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, ý tưởng này sẽ nâng cao vị thế và cải thiện hình ảnh trạm y tế trong mắt người dân, vốn trước nay chỉ xem đây là một nơi làm công tác phong trào.
Đưa BHYT về trạm y tế là một ý tưởng tốt, vì qua đó sẽ giúp giảm tải ở tuyến trên, tạo điều kiện cho bệnh nhân không phải đi xa, mất thời gian chờ đợi. Ảnh: Thanh Hảo
Theo BS Hoài Nam, thời gian qua sở đã tiến hành thẩm định và công nhận 64 trạm y tế phường, xã có đủ điều kiện theo quy định của luật BHYT được phép triển khai khám chữa bệnh BHYT ban đầu kể từ tháng 6.2013. Mong muốn là như thế, nhưng đạt được mục tiêu này hay không trong thực tế chưa có gì bảo đảm. Thật vậy, thời gian qua khi thí điểm khám BHYT tại ba phường của quận Bình Thạnh, những tháng đầu, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện quận xuống trạm y tế phường còn được 30 – 40 người/tháng, nhưng những tháng sau con số này ngày càng teo tóp dần, thậm chí có tháng chỉ còn khám 5 – 6 người!
BS Lưu Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đồng tình với việc khám BHYT ở tuyến phường, xã, nhưng theo bà chỉ nên triển khai ở ngoại thành. “Nếu triển khai ở 24 quận, huyện thì lãng phí bởi mạng lưới y tế ở nội thành quá dày đặc, chỉ nên làm ở những vùng ngoại thành”. BS Huyền nói và nhấn mạnh thêm rằng “vận động người dân đăng ký khám BHYT tại tuyến quận, huyện đã khó, huống hồ gì là về tuyến phường, xã”.
Lo nhân lực
BS Nguyễn Hoài Nam cho biết sắp tới sở Y tế tiếp tục thẩm định những phường, xã đủ điều kiện triển khai khám BHYT. Ông nói, ở TP.HCM, điều này còn gắn kết với đề án bác sĩ gia đình đang triển khai.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thí điểm bác sĩ gia đình ở hai trạm y tế phường của quận 10 vừa qua chưa thật sự suôn sẻ. Thật vậy, ở hai phường này bác sĩ gia đình lại là trưởng trạm, họp hành liên miên và phải đảm nhiệm nhiều công việc khác. Vì thế, khi bệnh nhân đến khám không phải lúc nào cũng gặp được bác sĩ. Một khó khăn khác là trạm y tế không có tủ thuốc, bệnh nhân khám xong phải lên quận lãnh. Ngoài ra, các xét nghiệm cơ bản ở trạm y tế cũng không đầy đủ.
Nếu khám BHYT ở tuyến phường thì việc đầu tư trang thiết bị không gặp khó khăn nhiều, nhưng đầu tư về nhân lực thì hết sức gian nan, không phải một sớm một chiều. Thực tế cho thấy còn nhiều trạm y tế phường, xã hiện nay trên địa bàn thành phố chưa có bác sĩ, nếu có thì người này lại đảm nhiệm rất nhiều công việc. PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế TP.HCM, cũng chia sẻ nỗi lo này, nhưng ông khẳng định từ năm 2015 mọi chuyện sẽ khác. “Kể từ năm 2008 đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tăng chỉ tiêu, từ 120 tăng lên 280 bác sĩ ra trường mỗi năm. Đến năm 2014, lứa đầu tiên sẽ ra trường, những bác sĩ này sẽ được giữ lại đào tạo tiếp thêm ít nhất một năm trước khi về nhiệm sở. Như thế, từ năm 2015 số bác sĩ ra trường tăng lên gấp đôi hiện nay, họ đủ năng lực làm việc ở tuyến cơ sở”, ông Bỉnh nói.
Hết chuyển xuống lại chuyển lên Trong khi sở Y tế TP.HCM tính triển khai khám BHYT ở tuyến phường, xã thì cơ quan này và Bảo hiểm xã hội lại đang thực hiện việc cắt thẻ BHYT từ tuyến dưới để chuyển lên… tuyến trên. Theo bác sĩ Lưu Thanh Huyền, do thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nên giữa năm 2012 thành phố đã “ép” bệnh nhân khám BHYT từ bệnh viện thành phố về bệnh viện quận, huyện. Điều này dẫn đến thực trạng bệnh viện tuyến trên vắng vẻ không ai khám, nhưng bệnh viện tuyến dưới lại quá tải trầm trọng. Chính sách đẩy bệnh nhân BHYT từ TP về quận, huyện này đã gây bức xúc lớn cho người khám bệnh BHYT. Tuy nhiên, theo thống nhất giữa sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố, sắp tới 8/10 bệnh viện tuyến thành phố sẽ được điều chỉnh tăng số thẻ BHYT, ngược lại năm bệnh viện quận đang quá tải sẽ được điều chỉnh giảm. |
Theo SGTT
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/tphcm-quyet-dua-bao-hiem-y-te-ve-phuong-xa-1687699.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12