Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo từ Đà Lạt - Nha Trang vào ngày 7.6. Ảnh: Lưu Phong
Bỗng dưng... bị chết! Đó là nỗi lo sợ kinh hoàng của người dân khi tham gia giao thông và đặc biệt là đi trên xe khách đường dài. Người dân vẫn phải “đánh cược” mạng sống của mình trên đường. Chỉ tính trong vòng 10 ngày đầu tháng 6, có gần 160 người chết vì tai nạn giao thông và gần 280 người bị thương.
Dồn dập thảm họa
Có lẽ cái chết vì TNGT của chị Trần Thị Vở, quê Phúc Thọ (Hà Nội) được đưa vào “guinness”- những cái chết do TNGT “có một không hai” trên thế giới. Chị Trần Thị Vở và con trai mới 8 tuổi, ngồi sau xe máy do em trai chở đi thăm cha đang nằm bệnh viện. Khi đang đi trên quốc lộ 32, anh Kiên - em trai chị Vở - thấy từ xa một chiếc xe ôtô con chạy đánh võng trên đường, lao vùn vụt đến. Anh Kiên đã cho xe dừng lại, tấp hẳn vào lề đường để tránh, tuy nhiên chiếc xe vẫn lao như điên như dại vào ba người, anh Kiên và con trai chị Vở bắn xa hơn 20 mét. Mọi người thấy một đôi dép nữ, tìm mãi vẫn không thấy nạn nhân. Chỉ đến khi chủ ngôi nhà ven đường, bỗng thấy máu chảy thành dòng từ trên mái nhà, mới hay thi thể chị Vở bị tung hất lên mái nhà cao gần 4 mét.
Hộp đen có cũng như không
Thời gian qua, 4 bộ (Công Thương, GTVT, KHCN và Công an) căng mình, lo an toàn cho cái đầu người dân sử dụng xe gắn máy, tham gia lưu thông, với quyết tâm tuyên chiến bằng được với MBH rởm. Trong khi đó tính mạng hành khách trên tuyến xe đường dài...vẫn còn bị bỏ ngỏ, trách nhiệm được quy theo kiểu “cộng dồn, chia đều”, khiến người đi trên các xe khách vẫn cứ...bỗng dưng bị chết. Thân nhân người đã mất đành an ủi nỗi đau rằng đó là số, là mệnh.
Chỉ tính trong có 8 ngày đầu tháng 3, hai vụ tai nạn xe khách đã làm 25 người chết, 66 người bị thương. Hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng, đều chung một nguyên nhân do xe khách chạy quá tốc độ, không làm chủ tay lái, đâm đối đầu nhau. Để kiểm soát tốc độ xe khách, việc lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đã được thực hiện trên các xe , nhưng tiếc rằng, việc lắp hộp đen thì cứ lắp cho có, còn việc chạy quá tốc độ hay không phụ thuộc vào lái xe. Nhiều doanh nghiệp lắp hộp đen chủ yếu là để đối phó với các cơ quan chức năng. Vì vậy, tình trạng xe chạy quá tốc độ là phổ biến với các lái xe.
Chế tài…vẫn “đôi” quan điểm
Nhiều ý kiến cho rằng, bấy lâu nay, khi xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì người lái xe chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn chủ DN xe khách thì vô can. Chính sự vô can này mà các chủ DN vẫn đặt nặng yếu tố kinh tế hơn là tính mạng hành khách đi trên xe khách của mình. Các lái xe đều được khoán doanh thu, chạy chậm, không có khách thì chỉ có bù lỗ. Nhiều chủ DN đã chỉ tuyển lái chính, không có lái phụ thay thế dù chạy tuyến đường dài. Đặc biệt, đường giao thông nhất là tuyến miền Trung, đường hẹp, nhiều khúc quanh, chạy tốc độ cao khiến lái xe không kịp xử lý, lạc tay lái... Đường quốc lộ nhưng không có dải phân cách, nhà dân bám mặt đường, xe máy và ôtô vẫn... chung một con đường... nên tình trạng TNGT do xe khách gây ra vẫn không giảm nhiều, số người chết, bị thương/ vụ là rất lớn.
Việc truy cứu chủ doanh nghiệp trong vụ TNGT nghiêm trọng là hết sức cần thiết. Mặc dù quy định lái xe không chạy quá 8 tiếng /ngày, thực tế thì không ai kiểm soát được quy định này. Lái xe phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu là phổ biến với xe khách đường dài.
“Hung thủ” xe ben, xe ôtô cá nhân, xe buýt... cũng là thủ phạm gây chết oan cho nhiều người tham gia giao thông trong khu vực nội đô, nhất là ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM. Số vụ TNGT cũng như số người chết, bị thương năm 2012 có giảm hơn năm trước, nhưng số người thiệt mạng lại tăng. Vẫn còn hơn 10.000 người thiệt mạng vì TNGT là con số quá lớn.
14 địa phương có số người chết vì TNGT trong quý I đầu năm, cao hơn cùng kỳ đã bị Thủ tướng phê bình. Tuy nhiên, một lãnh đạo địa phương than rằng: TNGT xảy ra tại địa phương, nhưng xe khách, chủ doanh nghiệp lại là người địa phương khác. Để công bằng trong việc phê bình thì phải “phê cả địa phương quản lý doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xe khách thì may ra mới có thể giảm được TNGT xe khách đường dài.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 71, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1.7, tuy nhiên vẫn còn ý kiến trái chiều về sự mâu thuẫn giữa nghị định và Bộ luật Hình sự. Thứ trưởng Bộ GTVT- Nguyễn Hồng Trường nêu quan điểm, xe khách và xe container thường gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng, vì thế tài xế lái 2 phương tiện này, khi gây ra TNGT phải tước giấy phép lái xe vĩnh viễn chứ không thể cho tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông được. Ông Trường cho hay, ở nước ngoài xử lý rất nghiêm những trường hợp lái xe gây TNGT, ở ta, vì tính nhân đạo, nên phạt còn nhẹ. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại nêu sự mâu thuẫn giữa nghị định là luật. Nếu nghị định quy định tước giấy phép lái xe vĩnh viễn thì người lái xe gây TNGT không thể một lúc chịu hai “hình phạt”. Luật chỉ quy định hình phạt tiền, án tù và cấm hành nghề trong thời gian nhất định, chứ không tước quyền làm việc của con người.
Ông Nguyễn Thành Nam- cha của nạn nhân Nguyễn Hồng Quỳnh đã chết vì TNGT khi tuổi mới đôi mươi kiến nghị, nếu cần thì phải sửa luật mới đủ sức răn đe, thức tỉnh lương tâm những người ngồi sau tay lái. Đồng thời ông kiến nghị phải xử lý cả doanh nghiệp xe khách có xe gây TNGT.
Hiện nay, người dân rất khó lựa chọn phương tiện giao thông khác ngoài xe khách, vì sự thuận lợi điểm đón, điểm dừng, giá thành rẻ. Chính vì vậy, các bộ ngành chức năng cần có những biện pháp cụ thể, đồng bộ đủ nặng mới hy vọng giảm dần được nỗi lo của hành khách khi...bỗng dưng bị chết. |
Theo Lao Động
via Xã hội - Chaobuoisang.net http://chaobuoisang.net/tai-nan-giao-thong-phai-coi-la-mot-tham-hoa-quoc-gia-1702819.htm, Theo Xã hội Blog Kênh 12